Từ vụ 3 bà cháu tử vong trong đám cháy ở Hà Nội: Làm sao để tránh bị ngạt khói trong một vụ hỏa hoạn
Theo các chuyên gia, hầu hết người chết trong hỏa hoạn là do hít khói chứ không phải bị bỏng. Vì vậy khi không may phải đối mặt với một trận hỏa hoạn, việc tránh để không bị ngạt khói là kỹ năng ai cũng cân biết.
Gần 6h sáng ngày hôm qua 1/12 tại ngôi nhà cấp 4 trên phố Nguyễn Chính, Hoàng Mai, Hà Nội khiến 3 người tử vong thương tâm. Theo lãnh đạo Công an quận Hoàng Mai cho biết, các nạn nhân trong vụ cháy là 3 bà cháu và đều tử vong do bị ngạt khói.
Khói trong đám cháy nguy hại thế nào đến sức khỏe con người?
Theo Trung úy Nguyễn Tuấn Anh - Trường Đại học Phòng Cháy Chữa Cháy, có rất nhiều khí độc được sinh ra trong khói của đám cháy như CO, CO2, amoniac, axit hữu cơ... trong đó CO và CO2 là nguyên nhân chính gây tử vong. Trong nhiều vụ hỏa hoạn, nạn nhân tử vong do ngộ độc khí dẫn đến suy hô hấp. Hầu hết những người chết trong đám cháy là do ngạt khói chứ không phải bị bỏng. Khói mù mịt dẫn đến mất phương hướng, khó nhìn nên nạn nhân càng khó thoát ra ngoài.
Các vật liệu tổng hợp được sử dụng phổ biến ngày nay càng làm khói thêm độc vì giải phóng các chất nguy hiểm. Thêm vào đó, tổn thương ở phổi và đường hô hấp do hít phải khí độc đôi khi chỉ xuất hiện sau 24-36 giờ tiếp xúc khiến nạn nhân chủ quan, không kịp xử lý.
Theo các chuyên gia, hầu hết người chết trong hỏa hoạn là do hít khói chứ không phải bị bỏng.
Theo lý giải của Trung úy Tuấn Anh, khói trong đám cháy gây chết người vì chứa những thành phần sau:
- Các hạt nhỏ không bị đốt cháy, bị đốt cháy một phần hoặc hoàn toàn rất nhỏ đến mức vượt qua bộ lọc của hệ hô hấp để tới phổi. Một số hạt rất độc trong khi những loại khác gây khó chịu cho mắt và hệ tiêu hóa.
- Các loại hơi giống sương mù đầu độc cơ thể nếu được hít hoặc thấm qua da.
- Các loại khí độc mà phổ biến nhất là carbon monoxide (CO) khiến cơ thể thiếu hụt oxy, làm tổn thương hệ thần kinh, đẩy nạn nhân vào trạng thái hôn mê, bất tỉnh hoặc nặng hơn là tử vong. Chỉ 0,1%
CO trong không khí cũng gây nguy hiểm cho tính mạng. Ngoài ra, hidro xyanua xuất hiện khi nhựa bị đốt cản trở tế bào hô hấp. Đồ gia dụng sử dụng vật liệu vinyl nếu cháy sinh ra phosgene; ở mức độ thấp gây ngứa mắt, viêm họng còn ở mức độ cao gây sưng phổi, tử vong.
Ngoài khói độc, đám cháy giảm oxy trong không khí bằng cách tiêu thụ oxy hoặc thay thế nó với loại khí khác. Oxy xuống dưới nồng độ tiêu chuẩn 21% sẽ vô cùng nguy hại với sức khỏe con người, có thể gây nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, bất tỉnh thậm chí ngừng thở, ngừng tim.
Bên cạnh đó, nhiệt cũng là mối đe dọa hệ đến hô hấp. Không khí đạt đến độ nóng nhất định đủ khả năng giết người chỉ bằng một hơi thở.
Làm sao để tránh bị ngạt khói trong đám cháy
Nạn nhân của một trận hỏa hoạn cấp cứu tại BVĐK tỉnh Bắc Giang.
Theo chuyên gia của Đại học Phòng Cháy Chữa Cháy, để tránh nguy cơ tử vong do khói, trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn, một nguyên tắc thoát nạn rất quan trọng khi xảy ra cháy là mọi người cần lấy khăn thấm nước ướt che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở, tránh bị ngạt khói độc gây nguy hiểm. Ngoài việc dùng khăn thấm nước che miệng mũi, nên dùng thêm chăn, mền nhúng nước trùm lên toàn bộ cơ thể và chạy nhanh qua đám lửa ra ngoài, tránh bị cháy quần áo gây bỏng da.
Đặc biệt, khi di chuyển, nên cúi thấp người hoặc di chuyển bằng cách bò xuống sát dưới nền đất vì khói luôn bay trên cao, nhằm tránh lượng khói hít vào ở mức thấp nhất có thể.
Chú ý các dấu hiệu như khàn tiếng, thay đổi giọng nói, thở gấp, đờm đen bởi chúng cảnh báo những vấn đề nghiêm trọng.
Nếu nạn nhân bị ngạt khói, cần sơ cứu để phục hồi hơi thở một cách đầy đủ và nhanh nhất. Cơ hội sống sót của nạn nhân bị ngạt khí phụ thuộc vào thời gian được đưa tới bệnh viện. Nếu bệnh nhân bị ngưng tim thì chỉ có 4 phút để hành động. Sau đó mỗi phút cơ hội sống của nạn nhân sẽ giảm đi 10%.
Nếu không có nhân viên y tế tại đó, cần khẩn trương cấp cứu theo trình tự:
Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm đến nơi có không khí trong lành và thoáng. Nếu nạn nhân bất tỉnh, kiểm tra nhịp thở và mạch đập của nạn nhân rồi hô hấp nhân tạo nếu cần thiết.
Nếu nạn nhân không còn tỉnh táo thì đặt nằm nghiêng ở tư thế an toàn.
Sau đó phải chuyển nhanh nạn nhân đến bệnh viện càng nhanh càng tốt.