Từ ngày 15/1: Nấu ăn trong phòng làm việc coi chừng mất 1 triệu đồng

08-01-2018 19:33:00

Đây là nội dung mới được quy định trong Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý sử dụng nhà và công sở có hiệu lực thi hành từ ngày 15-1-2018.

Đây là nội dung mới được quy định trong Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở có hiệu lực thi hành từ ngày 15-1-2018, thay thế Nghị định 121/2013 đã ban hành trước đó.

Theo đó, trong điều khoản quy định về quản lý sử dụng nhà công sở, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị đun, nấu cá nhân trong phòng làm việc; không niêm yết công khai quy chế nội bộ của cơ quan tại cổng chính hoặc tại bộ phận thường trực. Mức phạt này đã tăng gấp 5 lần so với mức phạt được quy định trong Nghị định 121 trước đó.

Đun nấu trong công sở có thể bị phạt 1 triệu đồng (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng là 1 tỷ đồng; trong lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở là 300 triệu đồng.

Hành vi để các vật liệu nổ, chất dễ cháy trong phòng làm việc, hoặc không có trang thiết bị phòng, chống cháy, nổ hoặc không tiến hành kiểm tra định kỳ trang thiết bị phòng, chống cháy, nổ sẽ bị phạt từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Đáng quan tâm, trong quản lý, sử dụng nhà chung cư, hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.

Mức phạt 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng được áp dụng với hành vi gây thấm, dột căn hộ, nhà chung cư; Sử dụng màu sắc sơn, trang trí mặt ngoài căn hộ, nhà chung cư không đúng quy định; Không thành lập ban quản trị nhà chung cư theo quy định.

Ban quản trị nhà chung cư sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng nếu: Quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung không đúng quy định; Tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung; Tự quyết định mức giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư mà không thông qua hội nghị nhà chung cư…

Còn chủ đầu tư sẽ bị phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 90 triệu đồng nếu không bàn giao hoặc bàn giao không đúng thời hạn hồ sơ nhà chung cư cho ban quản trị; Lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư không đủ điều kiện, năng lực; Bán, cho thuê chỗ để xe ô tô trong nhà chung cư không đúng quy định.

Hành vi không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu theo quy định; không bàn giao, bàn giao chậm, bàn giao không đầy đủ hoặc bàn giao không đúng đối tượng nhận kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư theo quy định sẽ bị phạt từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng.

Mức phạt tiền từ 250 triệu đồng đến 300 triệu đồng đối với chủ đầu tư tính diện tích căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư thuộc sở hữu riêng sai quy định, không bố trí diện tích để làm nhà sinh hoạt cộng đồng theo quy định…

Hải Nhân
Theo An ninh Thủ đô //