Trường THCS Lê Lợi (Hà Đông): Bể bơi nhà trường "biến tướng" thành nơi kinh doanh kiếm lời?
Khu thể chất của trường THCS Lê Lợi, quận Hà Đông đang được Ban giám hiệu nhà trường tận dụng cho Công ty TNHH Huấn luyện & PTTC Phù Đổng thuê mặt bằng và khai thác vào mục đích kinh doanh.
Được biết, trường THCS Lê Lợi được thành lập từ năm 1981, với tên gọi ban đầu là trường Chuyên Văn – Toán thị xã Hà Đông (nay thuộc quận Hà Đông). Tới năm 1994, trường được đổi tên thành Trường chuyên Lê Lợi và nay là Trường THCS Lê Lợi (có địa chỉ tại 169 Lê Lợi, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, TP. Hà Nội).
Thời gian gần đây, phản ánh tới Đời sống Plus, nhiều giáo viên, phụ huynh nhà trường tỏ ra bức xúc trước tình trạng toàn bộ khu nhà tập, bể bơi bị biến tướng thành “tổ hợp kinh doanh, dịch vụ”, không vì mục đích phục vụ học sinh trong trường.
Để xác minh thông tin, chiều 24/9, PV đã ghi nhận thực tế và khẳng định nội dung phản ánh là có cơ sở. Cụ thể, bể bơi vốn phục vụ công tác đào tạo học sinh trường THCS Lê Lợi, được Ban giám hiệu nhà trường tận dụng cho Công ty TNHH Huấn luyện & PTTC Phù Đổng thuê mặt bằng và khai thác toàn bộ khu thể chất vào mục đích kinh doanh.
Quan sát trong thời gian ngắn, PV nhận thấy nhiều người từ trẻ em đến người lớn vào bơi và đăng ký lớp học bơi cho con. Điều ngạc nhiên, đa số là người ngoài, không phải học sinh trong trường.
Trao đổi với PV, một nhân viên tại bể bơi nhiệt tình cho biết: “Học bơi ở đây 1 tháng 15 buổi để biết bơi ếch, nếu hoàn thiện khóa bơi 15 ngày chưa biết bơi thì phía huấn luyện viên dạy đến khi nào biết bơi thì thôi, nhưng điều kiện phải học liên tục 1 tuần 3 buổi. Nếu học thời gian cách xa nhau lâu quá thì bên phía công ty không chịu trách nhiệm. Còn học những kiểu bơi khác thì tùy thuộc vào giá và lứa tuổi”.
Để rộng đường dư luận, ngày 25/9, PV Đời sống Plus đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông.
Bà Hằng cho biết: “Bể bơi tại trường THCS Lê Lợi do nhà nước xây. Nhà nước chỉ đầu tư kinh phí xây dựng chứ không có kinh phí để duy trì như thay nước, sử dụng công tơ điện riêng để chạy điện và hóa chất. Nếu bể bơi này không hoạt động thì hệ thống chìm bên trong bể bơi sẽ hỏng mất. Vì vậy, nhà trường liên kết với công ty bên ngoài làm trung tâm giống như hoạt động của một câu lạc bộ ngoại khóa, câu lạc bộ ngoại khóa này xã hội hóa trên tinh thần tự nguyện”.
Tuy nhiên, Điều 10 Luật quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định rất rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó, nghiêm cấm “sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật”.
Đời Sống Plus sẽ tiếp tục thông tin.