Trường học miền Trung: Ổn định trường lớp, đón học sinh trở lại

26-09-2024 11:58:14

Nhiều trường học miền Trung bị ảnh hưởng sau bão số 4 đã đón học sinh trở lại trường.

Giáo viên và phụ huynh Trường Mầm non Kim Hoa (Hương Sơn, Hà Tĩnh) dọn dẹp vệ sinh sau khi nước rút.

Dù vậy, còn không ít trường phải cho học sinh nghỉ học vì cần thêm thời gian dọn dẹp, tu sửa…

Chủ động ứng phó

Mưa lũ những ngày qua khiến ngành Giáo dục huyện Mường Lát (Thanh Hóa) thiệt hại khá nặng nề. Tại Trường PTDTBT THCS Trung Lý, phía trên ta luy dương khu vực sau dãy nhà ký túc xá bị sạt lở, đất đá đổ xuống 3 phòng ở của học sinh tại khu bán trú xây dựng bằng nhà lắp ghép. Bên cạnh đó, tình trạng sạt lở cũng đe dọa 15 phòng khu ký túc xá học sinh nên nhà trường phải tạm đóng cửa.

Trước sự việc trên, sáng 24/9, ban giám hiệu nhà trường báo cáo với chính quyền địa phương đồng thời bàn phương án bố trí nơi ở tạm cho 460 học sinh bán trú khi trở lại trường. Nhà trường dựng khẩn cấp 2 khu nhà tôn ở sân trường và sân khu nhà hiệu bộ, với tổng diện tích khoảng 500m2.

“Trong chiều 24/9, lãnh đạo UBND huyện và đại diện phòng GD&ĐT xuống trường khảo sát, thống nhất cách xử lý khẩn cấp, để kịp thời đón học sinh trở lại”, thầy Nguyễn Duy Thủy - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Trung Lý thông tin.

Tại Trường PTDTBT - THCS Mường Lý, quả đồi phía sau khu ký túc xá có biểu hiện sạt lở, đe dọa sự an nguy hàng trăm học sinh. Tối 22/9, nhà trường khẩn trương di chuyển 154 học sinh lên các phòng học kiên cố.

Ngoài ra, lo ngại nguy cơ sạt lở, 80 trẻ tại Trường Mầm non ở khu Chiềng Cồng - Trường Mầm non Tén Tằn, thị trấn Mường Lát được ngành chức năng tổ chức sơ tán về trường chính tại khu phố Buốn để học.

Sau đợt mưa lớn kéo dài, Trường Mầm non Kim Hoa là 1 trong 2 ngôi trường bị ngập của huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Chỉ trong 4 ngày, nhà trường bị ngập 2 lần. Sáng 24/9, trong khi nhiều trường mầm non mở cửa đón trẻ thì Trường Mầm non Kim Hoa vẫn bị nước bao vây.

Giáo viên và phụ huynh Trường Mầm non Kim Hoa (Hương Sơn, Hà Tĩnh) dọn dẹp vệ sinh sau khi nước rút.

Chia sẻ của cô Hiệu trưởng Trần Thị Hà, đêm thứ 6 (20/9), mưa lớn, nước dâng cao gây ngập úng toàn sân trường và một số lớp học tầng 1. Đến sáng Chủ nhật (22/9), khi nước rút, giáo viên cùng phụ huynh phối hợp dọn dẹp vệ sinh. Tuy nhiên, chiều tối cùng ngày trên địa bàn tiếp tục mưa to và gây ngập lần thứ 2. “Toàn bộ đồ trang trí lớp học tầng 1, cùng một số đồ chơi ngoài trời bị hư hỏng do ngâm trong nước”, cô Hà nói.

Đợt mưa lớn do bão số 4 vừa qua khiến một số công trình Trường Mầm non thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) hư hỏng. “Lốc, gió mạnh làm hỏng trần phòng làm việc của ban giám hiệu, cây xanh trong khuôn viên trường nghiêng ngả. Phần mái của cổng trường cũng bị hư hỏng. Rất may buổi sáng xảy ra sự việc, trẻ được trường cho nghỉ học”, cô Trần Thị Vân - Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Cửa Việt thông tin.

Nằm trên địa bàn thấp, thường chịu ảnh hưởng của mưa lũ nên Trường Tiểu học & THCS Thiện Thành (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với tình trạng ngập lụt. Nhờ triển khai các phương án, trường đảm bảo an toàn cho học sinh, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Thầy Nguyễn Duy Thủy - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) nhặt đồ đạc, sách vở học sinh trong phòng ký túc xá bị hỏng.

Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với thiên tai, thầy Nguyễn Văn Nguyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Thiện Thành nhấn mạnh, vào mùa mưa lũ, công tác phòng chống thiên tai, ngập lụt được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Nhà trường triển khai với tinh thần cao nhất, không lơ là chủ quan. Nhà trường bám sát các chỉ đạo của sở GD&ĐT, UBND huyện và phòng GD&ĐT để công tác ứng phó mưa bão, ngập lụt kịp thời, đảm bảo an toàn và giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Sau vụ sạt lở núi nặng nề tháng 10/2020, cứ vào những ngày thời tiết xấu, mưa lớn kéo dài, Trường PTDTBT Tiểu học Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) lại di chuyển toàn bộ học sinh và giáo viên lên tầng 2 của khu nhà nội trú.

Nhà trường có 300 học sinh ở lại trường đến cuối tuần mới về nhà. Để đảm bảo khu nội trú luôn khô thoáng, tránh học sinh bị các bệnh ngoài da vào mùa mưa do mặc quần áo ẩm, Trường PTDTBT Tiểu học Trà Leng đã mua bổ sung thêm máy sấy. Theo thầy Hiệu trưởng Bùi Quang Ngọc, hiện khu nội trú của nhà trường có 3 máy giặt, sấy nhưng chỉ ưu tiên sử dụng chức năng sấy để tránh quá tải. Chỉ có chăn, màn, gối của học sinh mới giặt máy.

Nước lũ vẫn bao vây điểm trường Kim Sơn, Trường Tiểu học Kim Hoa (Hương Sơn, Hà Tĩnh).

Ổn định trường lớp

Sáng 24/9, trời hửng nắng, mưa tạnh ráo, quả đồi phía sau khu ký túc xá Trường PTDTBT-THCS Mường Lý (Thanh Hóa) qua khảo sát không phát hiện bất thường. Số học sinh nội trú được giáo viên đưa trở lại phòng ký túc. “Nhà trường tổ chức dọn vệ sinh trường lớp để đón học sinh trở lại trường khi có thông báo của cấp trên”, thầy Hoàng Sỹ Xuân - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Mường Lý thông tin.

Tại huyện vùng cao biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa), hệ thống trường, lớp học tại một số xã cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, Trường THCS Sơn Hà có nguy cơ phải di dời vì đất đá trên vách ta luy dương quả đồi phía sau sạt xuống gây hư hại một số hạng mục của trường.

Ông Chu Đình Trọng - Phó Chủ tịch UBND huyện thông tin: “Về lâu dài, huyện sẽ lập phương án quy hoạch địa điểm mới để bảo đảm an toàn. Các đơn vị chức năng liên quan và người dân khẩn trương khắc phục thiên tai để trường học sớm đón học sinh đến lớp”.

Sáng 24/9, có 8 trường học với hơn 3.000 học sinh huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) chưa thể đến trường. Tuy vậy, trong những ngày qua, nhiều trường học vẫn tổ chức dạy học trực tuyến để đảm bảo chương trình.

Trường Tiểu học Kim Hoa (Hương Sơn, Hà Tĩnh) tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh trong những ngày nghỉ học do mưa lũ.

Do giao thông bị chia cắt, Trường Tiểu học Kim Hoa cũng chưa triển khai dạy học trực tiếp cho 584 học sinh tại 4 điểm trường. Trong đó, điểm trường tại thôn Kim Sơn vẫn bị cô lập. Toàn trường chỉ có điểm thôn Kim Lĩnh với 38 học sinh học trực tiếp, 3 điểm trường còn lại giáo viên tổ chức học trực tuyến qua Zoom. Do đã quen với học trực tuyến nên việc dạy học triển khai thuận lợi. Tuy nhiên, một số học sinh ở với ông bà, không tiếp cận được công nghệ nên không thể theo học. “Nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lập danh sách và có kế hoạch dạy bù cho các em sau khi quay trở lại trường. Dự kiến, thứ 5 (26/9), nhà trường tổ chức dạy học trở lại”, cô Trần Thị Mỹ Bình - Hiệu trưởng Tiểu học Kim Hoa thông tin.

Sau đợt mưa lớn những ngày qua, điểm trường Răng Chuỗi (Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) bị bùn đất ở quả đồi phía sau tràn vào phòng học. Đây là điểm trường vừa được xây mới với mức đầu tư gần 1,1 tỷ đồng và đưa vào sử dụng ngày 10/9. Do phải san một phần đất của quả đồi phía sau để đủ mặt bằng xây dựng trường học, chưa có cây cối mọc phủ phần đất trống nên dẫn đến sạt lở.

Ngoài điểm trường Răng Chuỗi, Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập đang lên phương án di dời 2 phòng học của điểm trường Lăng Lương sang một vị trí an toàn hơn. “Sau đợt mưa kéo dài vừa qua, chúng tôi đi khảo sát các điểm trường thôn thì thấy xuất hiện một vết nứt ở quả đồi phía sau phòng học của điểm trường Lăng Lương. Vì phòng học được lắp ghép bằng gỗ nên sẽ tháo rời toàn bộ và dựng lại ở một điểm khác. Dự kiến mất khoảng 2 - 3 ngày cho việc di chuyển. Trong thời gian này, trường mượn tạm 1 phòng học của trường mẫu giáo để tổ chức dạy, học”, thầy Trương Công Một - Hiệu trưởng nhà trường thông tin.

“Cùng với việc tích cực dọn dẹp, vệ sinh trường lớp, Phòng GD&ĐT Hương Sơn đề nghị hiệu trưởng các trường căn cứ vào tình hình thời tiết để có kế hoạch dạy học phù hợp, bảo đảm an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên. Đồng thời, chủ động báo cáo chính quyền địa phương, phối hợp các lực lượng hỗ trợ khắc phục sau mưa lũ nhằm sớm ổn định hoạt động dạy học; có phương án hỗ trợ học sinh học tập, củng cố kiến thức sau khi mưa lũ kết thúc”, ông Nguyễn Trường Giang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) thông tin.

 

Nhóm PV
Theo Giáo dục & Thời đại //