Trẻ suy đa tạng, nguy kịch chỉ sau 1 ngày bị tiêu chảy
Chỉ tiêu chảy cấp một ngày trẻ đã có biểu hiện chậm chạp, da tái xanh, khi đưa đến viện được chẩn đoán suy đa tạng.
Tin từ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, khoa Nhi của bệnh viện vừa cấp cứu, điều trị thành công trường hợp bệnh nhi 12 tháng tuổi bị tiêu chảy cấp dẫn đến suy đa tạng rất nguy kịch.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng li bì, khó thở, bỏ ăn, không uống được với chẩn đoán tiêu chảy cấp, mất nước nặng, biến chứng toan chuyển hóa, suy thận, suy tim cấp....
Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhi bị tiêu chảy cấp đã bình phục (Bác sĩ kiểm tra sức khỏe của bệnh nhi trước khi xuất viện. Ảnh BVCC)
Đó là trường hợp bệnh nhi Đ.V.T (12 tháng tuổi, địa chỉ Lưu Kỳ, Thủy Nguyên, Hải Phòng). Mẹ bé cho biết, 1 ngày trước khi nhập viện, bé sốt theo cơn, ăn kém, nôn nhiều ra thức ăn, tiêu chảy 5,6 lần/ngày. Gia đình cho uống thuốc và theo dõi tại nhà.
Tuy nhiên, bé càng ngày càng có biểu hiện mệt nhiều, chậm chạp, da xanh tái nên gia đình đưa trẻ đi cấp cứu.
Ngay khi tiếp nhận, bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc tiêu chảy cấp nặng, toan chuyển hóa, suy thận, suy tim cấp, rối loạn điện giải…
Bác sĩ Đào Thị Loan- Phó Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí) cho biết: “Trường hợp này bệnh nhi nhập viện với biểu hiện của tiêu chảy cấp, li bì, khó thở, bỏ ăn, không uống được, môi khô, mắt trũng, có diễn biến nhanh, tiên lượng rất nặng”.
Các bác sĩ điều trị hồi sức tích cực: hỗ trợ thở oxy, bù nước điện giải, tích cực điều chỉnh toan kiềm, dùng kháng sinh và thực hiện chế độ chăm sóc bệnh nhi cấp 1.
Sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi có tiến triển tốt, tỉnh táo hơn, đỡ mệt, không nôn, không sốt... 8 ngày sau đó trẻ được xuất viện.
Qua trường hợp bệnh nhi, bác sĩ Loan cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ khi thấy trẻ mắc tiêu chảy phân lỏng không đỡ đồng thời quấy khóc nhiều hoặc có các biểu hiện bất thường như sốt cao, li bì, ăn uống kém, nôn nhiều, nôn ra tất cả mọi thứ, khát, háo nước, mắt trũng cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
"Đặc biệt, khi thời ẩm ướt là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, các gia đình nên thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Đồng thời vệ sinh bề mặt đồ dùng trong gia đình, cho trẻ uống vaccine phòng bệnh rotavirus...", bác sĩ Loan chia sẻ.