Top những món ăn giúp bạn mau chóng khỏi bệnh quai bị

01-02-2018 13:49:11

Bệnh quai bị hay gặp vào mùa đông - xuân, khi tiết trời ẩm thấp. Khi mắc bệnh, bạn không chỉ cần nghỉ ngơi, việc cung cấp dinh dưỡng hợp lý cho cơ thể cũng rất quan trọng. Vậy những món ăn nào giúp bạn khỏi bệnh quai bị?


Nên ăn cháo gạo tẻ khi  mắc quai bị

Thức ăn dạng lỏng như cháo, canh... 

Triệu chứng sốt cao khiến người mắc bệnh quai bị rất mệt mỏi, khó chịu, chán ăn và khó hấp thụ các món ăn cứng. Do vậy, khi bị bệnh, bạn nên ăn những thức ăn dạng lỏng giàu dinh dưỡng. Đó là các món như bột ngó sen, cháo gạo tẻ, canh trứng. Đồ ăn lỏng, dễ nuốt cũng giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng thuận lợi hơn.

Đặc biệt, cháo là món bạn nên ăn nhiều trong thời gian bị bệnh. Bạn có thể chia thành nhiều bữa, điều chỉnh việc ăn uống cho phù hợp với hệ tiêu hóa đang nhạy cảm. 

Khi bạn đã thuyên giảm các triệu chứng quai bị, cũng không nên chuyển sang thức ăn cứng ngay. Bạn nên dần dần chuyển sang thức ăn mềm để hệ tiêu hóa làm quen. Bởi vậy, tiếp tục ăn cháo vẫn là cách hiệu quả.


Bạn có thể ninh đậu xanh cả vỏ cho nhừ, ăn kèm với rau cải

Các món chế biến từ đậu

Đậu vốn là thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng; có thể chế biến thành nhiều món ăn như một bài thuốc giúp cơ thể chống chịu khi mắc bệnh. Nếu bị lây nhiễm quai bị, các món ăn từ đậu sẽ giúp bạn tăng sức đề kháng, vượt qua bệnh dễ dàng hơn.

Bạn có thể đem đun nhừ đậu xanh và đậu tương, chế thêm đường đỏ khi ăn. Hoặc ninh đậu xanh cả vỏ cho nhừ, ăn kèm với rau cải. Bạn có thể ăn đậu liên tục trong ba đến năm ngày bị bệnh. 


Khổ qua (mướp đắng) rất giàu vitamin A

Các món ăn từ rau xanh

Rau xanh chứa nhiều vitamin A, đặc biệt là mướp đắng, tốt cho hệ tiêu hóa của người bệnh. Hệ tiêu hóa của bạn cũng thường yếu đi khi bạn mắc bệnh quai bị. Do vậy, bổ sung rau là điều cần thiết. Bên cạnh đó là các hoa quả chứa nhiều vitamin C giúp tăng sức đề kháng. 


Tiêm vaccine là cách tốt nhất để phòng tránh bệnh quai bị

Lời khuyên bổ ích cho bệnh nhân mắc quai bị

Khi mắc bệnh quai bị, bạn nên có một số thói quen sau để căn bệnh vốn lành tính này không để lại biến chứng nguy hiểm:

- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Vệ sinh răng miệng và súc miệng nước muối diệt khuẩn thường xuyên để vi khuẩn không lây lan.

- Bạn nên dùng khăn ấm hạ sốt; kiêng khem nước lạnh, gió và hạn chế vận động nhiều. 

- Kiêng các thực phẩm chua như me, sấu,...

- Nếu bệnh không thuyên giảm, bạn cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế chứ không tùy ý dùng thuốc.

Nguyễn Diệp (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //