Tổng Giám đốc Vinschool: Tăng học phí là lộ trình 5 năm học từ 2018 – 2023

26-09-2017 14:41:19

"Niên học 2017 – 2018, thông tin Vinshool tăng học phí là không chính xác. Việc tăng học phí là lộ trình 5 năm học từ 2018 – 2023, tức còn khoảng 1 năm nữa mới áp dụng"

Bà Phan Hà Thủy - Tổng Giám đốc Công ty Vinschool 

Trước những thông tin gầy ồn ào dư luận về việc tăng học phí tại hệ thống Vinschool, bà Phan Hà Thủy – Tổng Giám đốc Công ty Vinschool đã có cuộc trao đổi với Đời sống Plus.

PV: Chào bà, tại sao Vinschool đột ngột công bố thông tin về việc tăng học phí như vậy? Cụ thể mức tăng như thế nào và vào các khoảng thời gian nào?

Bà Phan Hà Thủy: Niên học 2017 – 2018, thông tin Vinshool tăng học phí là không chính xác. Việc tăng học phí là lộ trình 5 năm học từ 2018 – 2023, tức còn khoảng 1 năm nữa mới áp dụng. Lý do để chúng tôi quyết định tăng học phí là do chương trình và chất lượng dịch vụ giáo dục Vinschool cung cấp thay đổi theo hướng nâng lên tầm cao mới.

Trong đó, các học sinh mới đăng ký từ niên khóa 2018 - 2019 sẽ áp dụng học phí mới. Còn với các học sinh đang theo học tại Vinschool sẽ được giãn chi phí trong vòng 3 năm, năm thứ 4 và thứ 5 Vinschool cam kết không thu thêm. Như vậy, tính trung bình mỗi năm Vinschool tăng học phí từ 13 - 20% một năm, trong khi chất lượng tăng vượt trội.

Lộ trình tăng học phí trong 5 năm của hệ thống Vinschool

Với lộ trình tăng phí này được thông báo trước khi thực hiện gần 1 năm, thời gian khá dài, phụ huynh hoàn toàn có thời gian tìm hiểu kỹ hơn những thay đổi về chương trình cũng như chủ động sắp xếp kế hoạch của năm học tới.

- Qua việc tăng học phí, học sinh ở Vinschool sẽ được hưởng thêm những gì, thưa bà?

Về bản chất đây không phải việc tăng học phí đơn thuần. Đây là việc cải cách nâng cấp chất lượng giáo dục trên toàn hệ thống Vinschool để đảm bảo các cơ sở đào tạo của VSC không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT Việt Nam mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Việc tăng học phí sẽ tăng tỷ lệ giáo viên tinh hoa, điều chỉnh tăng lương và khung lương để nâng chất lượng giáo viên hiện tại và thu hút giáo viên giỏi. Giảm số tiết dạy của giáo viên để tăng thời gian quản lý học sinh, chuẩn bị bài giảng và tham gia đào tạo nâng cấp chất lượng trong khi số tiết học không giảm. Việc này dẫn đến số lượng GV tăng kéo theo chi phí tăng. Tăng chi phí đào tạo giáo viên theo chương trình và các tiêu chuẩn mới. 

Thứ hai là tăng chi phí do tăng số tiết Tiếng Anh. Cụ thể với Hệ Chuẩn tăng 50% từ 8 lên 12 tiết và tăng tỷ lệ các tiết tiếng Anh với Giáo viên nước ngoài (100% từ 3 lên 6 tiết). Đối với Hệ Nâng cao, tăng số môn Cambridge từ 3 môn lên 5 môn, số tiết với Giáo viên nước ngoài ở bậc Tiểu học tăng từ 10 tiết lên 20 tiết/ tuần, bậc Trung học cơ sở tăng từ 12 tiết lên 22 tiết/ tuần.

Bên cạnh đó là tăng chi phí vận hành để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đặc biệt là việc tăng chi phí do giảm sĩ số học sinh (với Hệ Chuẩn Vinschool): Hệ Chuẩn giảm từ 35 học sinh/lớp xuống còn 30 học sinh/ lớp (tính riêng do ảnh hưởng của việc giảm sĩ số thì học phí đã phải tăng 17%). Hệ nâng cao duy trì 25 học sinh/ lớp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy

Chính vì thế, dù đang phát triển rất tốt, chúng tôi vẫn quyết định nâng cấp chất lượng lên một tầm cao mới nhằm thoát “bẫy trung bình” về chất lượng giáo dục.

- Ngoài tăng học phí các khoản khác như Tiền ăn, tiền bán trú, tiền xe... có tăng không? Và mức tăng như thế nào?

Các dịch vụ khác không nằm trong phần cải cách nâng cao nên sẽ chỉ điều chỉnh theo nguyên tắc thị trường (tức là chỉ điều chỉnh khi có lạm phát hoặc chỉ số giá tiêu dùng thay đổi lớn).

Việc tăng học phí ở Vinschool sẽ nâng cấp toàn bộ chất lượng và cơ sở vật chất của trường

- Vingroup tuyên bố Vinshool là hệ thống phi lợi nhuận, nhưng hiện nay thì lại có những ý kiến cho rằng việc tăng học phí như vậy là quá cao. Xin bà lý giải về điều này?

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ của Vinschool năm 2016, lợi nhuận sau thuế của Vinschool là 129 tỷ đồng. Tuy nhiên, tôi khẳng định là bản thân hoạt động giáo dục cho đến thời điểm này không có lãi.

Lợi nhuận 129 tỷ đồng ở đây là do các thu nhập tài chính do các hoạt động trong nội bộ Tập đoàn Vingroup trước thời điểm công bố phi lợi nhuận và một số khoản thu nhập khác.

Tuy nhiên, Tập đoàn Vingroup cũng đã có quyết định từ trước là không thu hồi bất cứ một khoản nào mà để lại toàn bộ lợi nhuận theo báo cáo tài chính cho Vinschool sử dụng (tổng 129 tỷ nêu trên).

- Phía nhà trường sẽ giải quyết như thế nào nếu gia đình không muốn con em mình tiếp tục theo học tại Vinschool?

Chúng tôi rất mong Quý phụ huynh hãy nhìn vào những lợi ích mà Vinschool dành cho học sinh, phụ huynh, xã hội. Trong lần cải cách nâng cấp này, chúng tôi không chỉ dành sự đầu tư rất nhiều về tài chính mà còn đầu tư rất nhiều trí tuệ, tâm huyết để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ra những con người không chỉ thành công cho bản thân, gia đình, mà còn tạo ra những ảnh hưởng tích cực cho cộng đồng.

Nếu phụ huynh muốn chuyển trường cho con từ học kỳ 2 năm học 2017-2018 và đăng ký với trường trong học kỳ 1 này, Vinschool sẵn sàng hoàn lại 100% các chi phí đã đóng, bao gồm tiền học phí, tiền bán trú và tiền xe buýt – mà các con đã thụ hưởng từ đầu năm tới hết học kỳ 1/2017.

- Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này.

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN //