Tiếp tục ghi nhận học sinh nhập viện vì thuốc lá điện tử

10-05-2023 12:10:44

Biểu hiện chung thường gặp khi ngộ độc thuốc lá điện tử là cảm thấy choáng váng, khó thở, bủn rủn chân tay, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn.


Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh - nơi tiếp nhận 2 ca bệnh nhập viện do thuốc lá điện tử.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết vừa tiếp nhận 2 học sinh là V.B.N và N.T.Q (17 tuổi) ở TP Hạ Long, nhập viện với biểu hiện kích thích, thở nhanh, vã mồ hôi, chóng mặt, buồn nôn.

Qua khai thác thông tin, các bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh, sử dụng thuốc lá điện tử không thường xuyên. Cách thời gian vào viện khoảng 1 giờ, hai em hút thuốc lá điện tử. Sau đó, hai em thấy nôn nao, bủn rủn tay chân, hoa mắt chóng mặt và buồn nôn.

Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán cả hai bị ngộ độc thuốc lá điện tử. Kíp trực nhanh chóng cấp cứu ban đầu và chuyển khoa Hồi sức tích cực theo dõi điều trị.

Trực tiếp tiếp nhận hai ca ngộ độc thuốc lá điện tử, BSCKI Nguyễn Tiến Thắng - Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Ngộ độc thuốc lá điện tử thường hay xảy ra ở lứa tuổi học sinh cấp hai, cấp ba, vị thành niên. Bởi, đây là độ tuổi bộ não còn đang phát triển, rất dễ bị tác động bởi các loại chất kích thích”.

Hơn nữa, theo bác sĩ Thắng, trẻ ở độ tuổi này còn có nhu cầu thể hiện bản thân, thử cảm giác mới lạ. Biểu hiện chung thường gặp khi ngộ độc thuốc lá điện tử là cảm thấy choáng váng, khó thở, bủn rủn chân tay, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn. Nặng hơn là rối loạn nhịp tim, hôn mê, mất ý thức.

Đáng chú ý, theo bác sĩ Thắng, gần đây, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã cấp cứu nhiều trường hợp học sinh ngộ độc thuốc lá điện tử. Dù đa phần tình trạng ngộ độc không quá nặng nề và được cấp cứu kịp thời, song, nếu các em vẫn tiếp tục sử dụng thì chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả khôn lường về sức khỏe, tinh thần về sau.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, thuốc lá điện tử cũng gây nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng tương tự thuốc lá thông thường. Trong thuốc lá điện tử chứa nicotine là chất gây nghiện. Vì vậy, trẻ vị thành niên khi sử dụng có thể vật vã, khó chịu.

Nicotine làm ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch và tăng nguy cơ ung thư, các cơn đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ, suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng và các vấn đề sức khỏe khác. Đặc biệt còn gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, làm giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ do não bộ của trẻ chưa hoàn thiện.

“Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử ngoài nicotine còn có hơn 7.000 hóa chất, hương liệu để tạo mùi. Khi các chất này được đun nóng hóa hơi sẽ thành các chất độc hại phát tán sâu vào cơ thể, đặc biệt là lá phổi gây ra các bệnh lý về phổi nguy hiểm. Sử dụng lâu có thể gây nghiện, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, làm não bộ tổn thương do tiếp xúc với chất kích thích kéo dài, nhất là đối với học sinh, trẻ vị thành niên”, bác sĩ Thắng cho biết.

Kim Dung
Theo Giáo dục & Thời đại //