Thực hư cây dược liệu quý chữa khỏi ung thư?

29-12-2017 13:31:24

Vài năm trở lại đây, những công dụng chữa bệnh của các loại dược liệu quý như sâm nhung, sâm Ngọc Linh… được truyền tai với khả năng chữa tất cả các bệnh kể cả bệnh ung thư. Vậy thực hư ra sao?

Chưa biết thực hư công dụng của các loại dược liệu này tới đâu nhưng những lời đồn đoán này đã tạo nên một trào lưu săn lùng nguồn dược liệu quý. Hậu quả là nguồn tài nguyên các cây dược liệu này đang bị khai thác tận diệt đồng thời người tiêu dùng rất dễ mua phải dược liệu rởm, hàng nhái.


TS. Phạm Thanh Huyền - Trưởng khoa Tài nguyên Dược liệu - Viện Dược liệu 


Mẫu dược liệu trương bầy tại Viện Dược liệu giúp phan biệt dược liệu thật vơi những loại cây khác có hình thức giống dược liệu thật 

Dược liệu quý sẽ chữa được ung thư?

Thực tế, các bệnh viện như Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân bị ngộ độc, biến chứng do dùng bài thuốc từ dược liệu, các loại lá thuốc, thuốc nam, thậm chí cả thực phẩm chức năng để chữa ung thư do dùng phải hàng nhái (cây có hình dáng giống tương tự như cây dược liệu quý).

TS. Phạm Thanh Huyền - Trưởng khoa Tài nguyên Dược liệu - Viện Dược liệu cho biết: Có nhiều loại thảo dược được quảng cáo chữa ung thư nhưng cho tới nay chưa có bất kỳ một nghiên cứu khoa học nào công bố về việc thảo dược có tác dụng chữa khỏi ung thư. Các cây thuốc này hiện vẫn là đối tượng cần được đầu tư nghiên cứu chuyên sâu nhằm tạo ra một số sản phẩm thuốc từ dược liệu hoặc sản phẩm chức năng để hỗ trợ điều trị một số loại  bệnh, trong đó có bệnh ung thư.


Mẫu trưng bày dược liệu quý tại Viện Dược liệu

“Tất cả các thảo dược chỉ là hỗ trợ để kéo dài sự sống bằng cơ chế tăng sức đề kháng hoặc ức chế sự phát triển của tế bào khối u, để người bệnh thấy an tâm khi mắc bệnh hiểm nghèo” - TS. Phạm Thanh Huyền nhấn mạnh.

Theo TS. Huyền: Người sử dụng dược liệu cần được tư vấn đầy đủ và khoa học từ bác sĩ, những đơn vị cung cấp những sản phẩm đó để mang lại hiệu quả tốt nhất chứ không nên nghe đồn thổi. Bất cứ thuốc nào cũng có hai mặt, thảo dược không phải ai cũng dùng được, khi dùng còn phải căn cứ trên thể trạng. Việc tự ý dùng thảo dược cũng có thể gây tai biến nguy hiểm.

Việt Nam có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú với trên 5000 loài cây thuốc phân bố rộng khắp cả nước. Tuy nhiên, chính sự thiếu hiểu biết của người dân về giá trị của các cây thuốc Việt Nam cùng với việc thương lái đẩy mạnh gom hàng nên họ sẵn sàng săn lùng, tận diệt nhiều cây thuốc để bán cho thương lái với giá rẻ hơn giá trị thực của nó nhiều lần khiến nguồn dược liệu quý ngày càng cạn kiệt. Nhiều cây thuốc đã được đưa vào sách đỏ vì có nguy cơ bị tuyệt chủng, giảm sút nghiêm trọng về trữ lượng, đặc biệt là những cây thuốc nằm trong vùng rừng có vùng phân bố rộng.


Video: TS. Phạm Thanh Huyền - Trưởng khoa Tài nguyên Dược liệu - Viện Dược liệu nói về tác dụng thực của cây dược liệu trong việc điều trị bệnh ung thư

Bà Huyền cảnh báo: Đa phần nguồn dược liệu quý cần nhiều thời gian sinh sản, phát triển. Ví dụ như Sâm Ngọc Linh cần ít nhất là 5 năm mới có củ, trong khi hiện nay, nhu cầu sử dụng quá lớn nên không có nguồn sâm tự nhiên nào có thể đáp ứng kịp. Trong khi đó, có rất nhiều các loại cây dại khác có hình dạng giống như cây và củ sâm Ngọc Linh nhưng không có tác dụng như sâm Ngọc Linh hoặc thậm chí chỉ là cây dại. Vì vậy, người tiêu dùng rất dễ bị đánh lừa, mua phải dược liệu giả.

Theo bà Huyền: Việt Nam hiện có 144 loài cây thuốc thuộc diện quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng cần bảo tồn. Riêng trong phòng trưng bày của Viện Dược liệu có gần 2000 mẫu dược liệu khác nhau được thu thập từ năm 1961 đến nay. Nhiều loại cây thuốc bị khai thác một cách quá mức khiến chúng cạn kiệt và có những loại hiện không còn trong tự nhiên như Sâm ngọc linh hay những hoa nằm trong sách đỏ.

Dược liệu nuôi trồng thế nào được gọi là sạch, đạt chuẩn?

Để ngăn chặn nhiều loại cây dược liệu khỏi nguy cơ tuyệt chủng đồng thời bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý, đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng tăng hiện nay, Viện Dược liệu triển khai các vùng trồng dược liệu. Từ năm 1988, Viện Dược liệu được giao nhiệm vụ đầu mối trong việc bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc ở Việt Nam. Từ đó đến nay đã bảo tồn và lưu giữ được gần 1.000 loài cây dược liệu ở các vùng sinh thái khác nhau và hiện có 1531 nguồn gen được bảo tồn. Viện Dược liệu còn phối hợp với các đơn vị triển khai bảo tồn tại chỗ.

Theo bà Huyền, trong nuôi trồng dược liệu, để đảm bảo nguồn dược liệu chất lượng thì việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế là xu hướng chung và tất yếu. Phổ biến nhất tại Việt Nam là tiêu chuẩn GACP-WHO (Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây dược liệu của Tổ chức Y tế Thế giới) và tiêu chuẩn BioTrade của châu Âu. Từ năm 2013, Viện Dược liệu đã hợp tác cùng dự án BioTrade do tổ chức HELVETAS của Thụy Sĩ thực hiện với sự tài trợ của Liên minh châu Âu.

Bà Hoàng Thị Thu Hương, cán bộ điều phối của BioTrade cho biết: Sạch là tiêu chuẩn đầu tiên để cây dược liệu có thể làm thuốc. Sạch tức là yêu cầu  giống sạch, nước sạch, đất sạch, quá trình canh tác sạch, thu hái sạch, đến nhà máy đạt tiêu chuẩn và đến tay người tiêu dùng thì sản phẩm mới đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.

Theo bà Hương, mục đích của dự án BioTrade là hỗ trợ phát triển các vùng nguyên liệu dược liệu sạch, an toàn, bền vững. Dự kiến sẽ có 50 chuỗi giá trị dược liệu được phát triển, tạo ra các sản phẩm thuốc và sản phẩm bảo vệ sức khỏe chất lượng cao, giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn.

Cụ thể, dự án cùng các doanh nghiệp dược tổ chức cho người nông dân tại các vùng trồng dược liệu được tập huấn về kĩ thuật, hỗ trợ về giống, vật tư cũng như được bao tiêu sản phẩm khi kí kết hợp đồng cung cấp với doanh nghiệp. Thu nhập của người dân từ trồng dược liệu cao hơn gấp 3-4 lần trồng ngô, lúa nên người nông dân được cải thiện sinh kế, ổn định đời sống. Điều này cũng giúp họ ý thức hơn trong việc bảo tồn nguồn tài nguyên để duy trì thu nhập.

Theo bà Hoàng Thị Thu Hương, cán bộ điều phối của BioTrade cho biết: Sạch là tiêu chuẩn đầu tiên để cây dược liệu có thể làm thuốc.

Về phía các doanh nghiệp, khi tham gia vào dự án BioTrade, thay vì phải nhập dược liệu với nguồn cung và chất lượng không đảm bảo, doanh nghiệp đã xây dựng được vùng nguyên liệu riêng ổn định cả về sản lượng lẫn chất lượng. Thêm vào đó, dự án cũng hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường, truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về thuốc đông dược thuần Việt, sạch và chuẩn hóa cũng như hỗ trợ xuất khẩu, đảm bảo đầu ra cho sản xuất.

“Việc kết nối các đơn vị tham gia cũng như tập hợp những công ty của dự án sẽ góp phần bảo tồn được nguồn gen quý hiếm cũng như tạo ra những nguồn giống ban đầu, chuẩn hóa quy trình nhân giống, trồng trọt, tạo tiền đề để nhân rộng mô hình này. Việc trồng và thương mại hóa được nguồn nguyên liệu phục vụ nhu cầu làm thuốc cũng sẽ giảm tải việc thu hái tự nhiên. Đó là hướng đi tốt và hợp lý để tiếp tục bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gen quý hiếm của quốc gia.” – TS Huyền cho hay.

Thanh Loan
Theo SKĐS //