Thủ tướng yêu cầu chú trọng phát hiện, tạo điều kiện hỗ trợ các tài năng trẻ
Thủ tướng yêu cầu chú trọng phát hiện tài năng trẻ là lãnh đạo quản lý, nhà khoa học, doanh nhân, vận động viên, văn nghệ sĩ,... Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ các tài năng trẻ chủ trì đảm nhận thực hiện các công trình, các đề tài, dự án phát triển của ngành, địa phương, đất nước.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) mới đây đã ban hành Quyết định 1314/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ Việt Nam giai đoạn 2022-2030”.
Đề án “Phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ Việt Nam giai đoạn 2022-2030” được triển khai trên phạm vi toàn quốc đến năm 2030 cho tất cả công dân Việt Nam ở trong và ngoài nước từ 16 đến 35 tuổi đạt giải thưởng uy tín cấp quốc gia, quốc tế.
Kinh phí thực hiện đề án từ nguồn ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành; nguồn kinh phí lồng ghép thông qua các chương trình, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó còn từ nguồn tài trợ, viện trợ quốc tế và huy động từ xã hội, cộng đồng theo quy định của pháp luật và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Ảnh minh hoạ
Về mục tiêu, đề án nêu rõ đến năm 2030, sau khi được phát hiện tôn vinh, tối thiểu 60% tài năng trẻ được bồi dưỡng, tham gia các hoạt động chia sẻ tri thức, hỗ trợ cộng đồng, tham gia phát triển kinh tế - xã hội do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các bộ, ngành, địa phương tổ chức.
Tối thiểu 80% cán bộ Đoàn các cấp, trong đó 100% cán bộ Đoàn phụ trách công tác tài năng trẻ được tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ. Hằng năm, 100% các tỉnh, thành Đoàn theo dõi, cập nhật cơ sở dữ liệu tài năng trẻ của địa phương và thực hiện kết nối, phát huy hiệu quả tài năng trẻ.
Đến năm 2025, cập nhật, khai thác hiệu quả dữ liệu 10.000 tài năng trẻ Việt Nam trong và ngoài nước; đến năm 2030, cập nhật, khai thác hiệu quả dữ liệu của 30.000 tài năng trẻ trên Hệ thống cơ sở dữ liệu Tài năng trẻ Quốc gia.
Đến năm 2025, xây dựng, vận hành Mạng lưới tài năng trẻ Việt Nam toàn cầu và Công viên số Tài năng trẻ Quốc gia.
Về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện các mục tiêu trên, để phát hiện các tài năng trẻ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức các sân chơi học thuật, năng khiếu, tài năng, các giải thưởng, cuộc thi, hội thi trong các ngành, lĩnh vực. Đặc biệt, chú trọng phát hiện tài năng trẻ là lãnh đạo quản lý, nhà khoa học, doanh nhân, vận động viên, văn nghệ sĩ, nghệ nhân truyền thống, lực lượng vũ trang, người dân tộc thiểu số và tài năng trẻ Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, tổ chức hoạt động tập huấn hội trại, hội thảo, diễn đàn giữa các nhà khoa học đầu ngành uy tín trong và ngoài nước với các nhà khoa học trẻ, nghiên cứu sinh, sinh viên giỏi, tài năng nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học. Từ đó chia sẻ kinh nghiệm, thông tin về các kết quả nghiên cứu, gợi mở các ý tưởng và liên kết, hợp tác để hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh của quốc gia.
Ngoài ra, học sinh, sinh viên, nhà khoa học trẻ cũng được khuyến khích phát triển kỹ năng nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế. Tiếp theo là các bộ ngành tạo điều kiện hỗ trợ các tài năng trẻ chủ trì đảm nhận thực hiện các công trình, các đề tài, dự án phát triển của ngành, địa phương, đất nước và cùng hỗ trợ kết nối thương mại hóa sản phẩm, công nghệ mới do thanh niên nghiên cứu phát triển.
Cũng theo đề án này, các tài năng trẻ sẽ được gặp gỡ đối thoại định kỳ với lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành. Cứ 5 năm một lần Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam toàn quốc sẽ được tổ chức nhằm tôn vinh các tài năng trẻ và các địa phương có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác phát hiện bồi dưỡng tài năng trẻ...
Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai Đề án theo từng giai đoạn và hằng năm cũng như phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án.