Thấy mình trở nên hèn khi lấy chồng nghèo
Nhìn bạn bè khoe nhà đẹp, sắm xe ô tô, đi du lịch trong và ngoài nước trên facebook mà Thảo cảm thấy chạnh lòng. Vì nghèo mà Thảo thấy mình mất tự tin, cảm thấy yếu đuối khi đối diện với cuộc sống và bạn bè.
Có nhiều buổi tối trằn trọc không ngủ được, Thảo nằm nghĩ về thời tuổi trẻ đã qua mà cảm thấy nuối tiếc. Nếu như được làm lại, nhất định cô sẽ không chọn chồng mình bây giờ bởi cô có nhiều cơ hội và xứng đáng lấy một người chồng chín chắn, có học thức, giàu có, tài giỏi, lo được kinh tế cho vợ con chứ không phải chồng cô như hiện tại.
Thảo xinh xắn, cao ráo, lấy chồng bằng tuổi, cùng tốt nghiệp Đại học Văn hóa và lập nghiệp ở Hà Nội vỏn vẹn với tiền mừng sau đám cưới 33 triệu.
Các cụ vẫn bảo "vợ chồng bằng tuổi nằm duỗi mà ăn" nhưng với vợ chồng Thảo thì không đúng tí nào.
Vợ chồng Thảo đều là người tỉnh lẻ. Thảo quê Hà Nam, còn Lê ở Thanh Hóa. Cả hai đều sinh ra từ làng, hoàn cảnh khó khăn nên rất hiểu, thông cảm cho nhau. Ngày còn yêu nhau, Thảo không đòi hỏi quà cáp đắt tiền, cũng không đòi đi chơi đi ăn mà tiết kiệm những khoản "tình phí" đến mức tối đa nhất. Lắm lúc nhìn đám bạn có người yêu khá giả, quà cáp rồi đi chơi chỗ này chỗ nọ liên tục Thảo cũng cảm thấy tủi thân lắm. Nhưng chỉ cần bên người yêu, được thủ thỉ, động viên là cô có thể vui vẻ, tươi cười ngay.
Ngày đó, Thảo cứ nghĩ chỉ cần hai người thật lòng yêu thương nhau, chăm chỉ làm ăn và tích lũy nhất định sẽ có cuộc sống êm ấm. Nhưng đến khi bước vào cuộc sống gia đình thật sự, đối mặt với những vấn đề cơm áo gạo tiền, cô mới biết mình đã… nhầm.
Ảnh minh họa
Sau khi làm đám cưới, cả hai vợ chồng Thảo thuê một phòng trọ chỉ 16m2, kê vừa đủ cái giường và 1 cái tủ quần áo bằng vải, 1 cái tủ lạnh và bếp nấu ăn. Thảo làm biên tập viên cho một nhà xuất bản, lương tầm 6 triệu/tháng, còn chồng làm cho một công ty truyền thông, lương cũng tròm trèm 7 triệu.
Với thu nhập như vậy, vợ chồng Thảo phải tằn tiện lắm mới đủ sống và gửi về quê biếu bố mẹ chồng 2 triệu/tháng bởi ông bà già yếu, không có lương hưu.
Cuộc sống càng ngày càng khó khăn hơn khi Thảo có bầu rồi sinh con. Thảo nhớ năm 2013, khi mang bầu con gái, cô đã đi làm đến ngày cuối cùng, bị vỡ ối phải vào viện. Lúc ấy, trong nhà vợ chồng chỉ có hơn 2 triệu đồng, chồng cô phải chạy vạy để đủ 5 triệu đóng tiền viện và cảm ơn y tá đã đỡ đẻ cho Thảo.
Không giống như ở quê, thức ăn sẵn có bởi rau có thể trồng được, mua với giá rẻ, ở Hà Nội, cái gì cũng đắt đỏ, bước ra khỏi nhà là tốn tiền. Sinh con xong, mẹ chồng Thảo lên trông cháu khiến khoảng không sinh hoạt của hai vợ chồng ngày càng thu hẹp và nhiều lúc rất bức bí. Mỗi tối đi làm về, chồng Thảo thường rải chiếu nằm dưới đất còn mẹ chồng, Thảo và con nằm trên chiếc giường vỏn vẹn 1,2mx1,6m.
Những ngày đó, để có tiền trang trải cho vợ con, Lê - chồng Thảo phải làm thêm rất nhiều, thậm chí anh nhận cả làm bảo vệ ca đêm.
Khi con được 6 tháng, mẹ chồng Thảo về quê, cô đành gửi con cho một nhà trẻ tư. Sáng nào trước khi đi làm Thảo cũng vắt sữa cho con, nhờ cô trông trẻ cho con bú rồi trưa lại tranh thủ về cho con ti trực tiếp.
Khoảng thời gian này với Thảo rất vất vả và là những ngày không thể nào quên. Con đi nhà trẻ tư, mỗi tháng phải trả hơn 2 triệu trông nom nhưng thường xuyên bị ốm, liên tục vào viện khiến cô bị stress. Khoản tiền hai vợ chồng tiết kiệm ngày càng vơi dần đi.
Nhìn bạn bè, những người quen có cuộc sống đầy đủ, sung túc, thường xuyên khoe nhà đẹp, sắm xe ô tô, đi du lịch sang chảnh mà Thảo thấy chạnh lòng, tủi thân. Nhiều khi cảm giác buồn khôn tả. Thảo không hiểu rồi tương lai sẽ đi tới đâu, khi hai vợ chồng cứ dựa dẫm từng đồng lương. Tiền tiết kiệm thì không có, không hiểu đến bao giờ vợ chồng cô mới có được khoản dư 100 triệu chứ đừng nói đến việc mua nhà. Đơn giản vì chồng cô không phải là người giỏi kiếm tiền mặc dù anh rất chăm chỉ. Nhiều khi đi vào cửa hàng đồ trẻ em, muốn mua cho con chiếc quần, chiếc áo hay cái nơ buộc tóc thôi mà Thảo cứ phải tần ngần, đặt lên đặt xuống rồi lại thôi. Rất nhiều lần đi trên đường, nghĩ thương con, nghĩ mình nghèo mà nước mắt Thảo cứ rơi…
Suốt từ khi lấy chồng đến giờ, Thảo hiếm khi về quê ngoại trừ dịp Tết. Thứ nhất Thảo không muốn bố mẹ thấy mình vất vả khổ sở, thứ hai cô ngại gặp bạn bè, người thân bởi cảm giác thiếu tự tin vì mình nghèo. Lẽ khác, trong khi Thảo vất vả, hầu hết các bạn bè của cô ở quê đều thành đạt, giàu có cả, không có ai chật vật như cô. Đôi khi Thảo đã nghĩ tới chuyện về quê mình hoặc quê chồng để làm việc gì đó, buôn bán hay làm vườn cũng được nhưng rồi lại ngần ngừ. Dù gì cô cũng đã tốt nghiệp đại học, từng là niềm tự hào của cả gia đình, dòng họ, giờ chỉ làm nông nghiệp hay con buôn, liệu bạn bè và mọi người có cười chê? Người đời có nói "Nghèo đi đôi với hèn", cái nghèo nó làm khổ nhau. Lấy chồng nghèo, không gánh vác được kinh tế là nỗi vất vả lớn. Và một khi không có kinh tế, cuộc sống hôn nhân khó hạnh phúc lắm. Điều này hơn bao giờ hết, giờ Thảo mới thấm thía.
Còn chục ngày nữa là đến Tết, cầm trên tay đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng, Thảo chẳng biết phải tiêu gì, bớt tiêu gì cho đủ trong khi giá cả cái gì cũng đắt đỏ. Cô chạnh lòng buồn vô cùng bởi cuộc sống quá chật vật, lo toan, không biết bao giờ mới thay đổi được vận số...