Tê tái cuộc sống của 3 cụ bà giữa những ngày cực rét ở trại phong bị lãng quên
Bị cô lập và tách ra khỏi cộng đồng, những người còn sót lại sống cuộc sống buồn tẻ, bữa ăn chỉ là vài cọng rau với quả trứng luộc và cả đêm không tài nào ngủ được vì buốt giá.
Trong cái lạnh buốt giá như “cắt da cắt thịt” thì những người ở trại phong vẫn đang phải gồng mình chống chọi với thời tiết.
Ở xã Minh Phú (Sóc Sơn, Hà Nội), dưới chân núi, phía cuối một con đường đất đỏ lởm chởm đầy ổ gà, mặt đường uốn lượn, xiêu vẹo theo vệt bánh xe và nổi lên toàn sỏi đá, có một trại phong bị bỏ hoang đã gần 6 năm nay.
Trại phong Đá Bạc được xây thành một dãy nhà cấp 4, sơn màu vàng đậm nhưng qua thời gian, những gam màu tường trở nên nhợt nhạt, lạnh lẽo. 18 căn phòng, chỉ còn lại vài căn có thể ở tạm tránh mưa nắng, còn lại hầu hết đã xuống cấp nghiêm trọng, dột nát tiêu điều.
Trại phong Đá Bạc được xây dựng vào năm 1968 và là nơi cư trú, chăm sóc cho các bệnh nhân mắc chứng phong (hủi). Trước đây, trại từng có tới hơn 100 bệnh nhân nhưng vào năm 2013, chính quyền quyết định di dời trại đi nơi khác.
Khi đó, bệnh nhân người trở về sống với gia đình, họ hàng, người tìm đến trại khác, và cuối cùng chỉ còn lại 10 người trụ tại đây. Nhưng do thời tiết những ngày gần đây lạnh lẽo, 7 người còn có con cháu, đều đã trở về tìm chỗ lánh tạm vì căn phòng ở trại phong đã quá dột nát. Giờ chỉ còn 3 người ở lại đây.
Khi tôi đến, bà Oanh, bệnh nhân 75 tuổi, quê ở Yên Bái vẻ mặt thẫn thờ chân tay đang run lẩy bẩy ngồi trên chiếc xe lăn ở cuối sân. Bà ngồi một mình, bốn bề tĩnh lặng. Tôi cố tìm tiếng người, thậm chí tiếng gà, tiếng chó mà không thể. Cả khoảng sân thênh thang với dãy nhà lụp xụp chỉ nghe thấy tiếng gió thổi ù ù.
“Mấy ngày hôm nay lạnh quá suốt mấy đêm bà không ngủ được, cứ trằn trọc, chân tay tê cứng hết cả lại chẳng muốn làm gì", bà Oanh chia sẻ.
Bà Oanh sống ở trại phong Đá Bạc này đã gần 50 năm, căn bệnh quái ác đã ăn mòn gần hết một bàn tay của bà.
Tuổi thơ bà Oanh là chuỗi ngày lam lũ cơ cực nhưng vẫn đói khổ, mồ côi bố mẹ từ năm lên 9 tuổi, vài năm sau người em trai duy nhất trong một lần đi tắm sông cũng bị dòng nước cuốn trôi đi, để lại một mình bà đơn độc trên đời. Ngần ấy chuyện, hình như vẫn không thể nào khủng khiếp bằng năm lên 19 tuổi, giữa lúc thanh xuân, bà tình cờ phát hiện mình bị bệnh phong.
Lúc ấy bàn tay sưng đau rồi dần mất cảm giác, nhiều vùng da không nhận biết được nước nóng, nước lạnh. Và rồi bác sĩ kết luận bị phong. Một bản án khắc nghiệt treo lên người con gái đang độ xuân sắc tương lai phía trước, các mối quan hệ bên cạnh đều bỗng chốc đóng sầm lại. Ai cũng sợ lây bệnh phong, căn bệnh mà trước đây, người ta vô cùng khiếp hãi.
Mấy ngày hôm nay, trời lạnh thấu xương, ngày nào bà Oanh cũng phải đốt củi để sưởi ấm.
Tuy tàn phế, mất một bàn tay nhưng cứ khi trời bớt lạnh thì bà Oanh lại tha thẩn ra vườn làm việc. Bà cắt rau nuôi thỏ. Hiện bà Oanh đang nuôi 20 con thỏ. Bà Oanh bảo, khi thỏ lớn thì bà lại nhờ đội sinh viên tình nguyện mang đi bán để lấy tiền ăn.
Sống một mình, lại khó khăn nên bữa ăn của bà Oanh chỉ có vài cọng rau lang với quả trứng luộc. "Mình ở đây tốn kém lại không có tiền nên cũng chẳng dám ăn ngon, thi thoảng có đoàn hảo tâm về thì còn được bữa ngon miệng", bà Oanh thật thà chia sẻ.
Ở cùng bà Oanh còn có bà Liên (83 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội). Năm 15 tuổi, chỉ trong vòng 6 ngày bà Liên mất cả bố lẫn mẹ vì dịch bệnh, sau đó năm lên 19 tuổi bà phát hiện mình bị phong, và kể từ đó bà rời xa quê hương và gắn bó cuộc đời với trại phong này.
Năm tháng trôi đi căn bệnh quái ác khiến ngón tay bà Liên ngắn lại theo thời gian
Trong số 3 người già neo đơn còn xót lại ở trại phong, có lẽ bà Sợi ( 71 tuổi, ở Vĩnh Phúc) là người còn có sức lực nhất, hàng ngày bà vẫn có thể đi cắt rau mang ra chợ bán. Số tiền ít ỏi bà kiếm được cũng chỉ dành để lo mua đồ ăn uống, sinh hoạt và sẻ chia với những bạn già cùng cảnh ngộ như mình.
Khi nắng chiều vừa tắt, nơi đây chìm trong bóng đêm yên tĩnh, tối hết cả con đường dẫn vào trại, các lối đi quanh sân và trong từng gian phòng, bà Liên lên giường đắp chăn đi ngủ. Tấm chăn mỏng chẳng đủ ấm khiến tấm thân gày gò, dúm dó của bà cứ run lên từng chặp.
Ánh đèn hay ngọn nến yếu ớt, vàng vọt càng làm mọi thứ trở nên im ắng và buồn tẻ. Cuộc sống ở đây là một thế giới khác, thế giới của những người già cô đơn, sống chỉ để chờ thần chết bắt đi.
Bà Liên đã yên vị trên giường nhưng bà Oanh thì vẫn ngồi ôm bếp lửa. Hôm nay lạnh quá bà chẳng nấu cơm. Bên bếp lửa nhập nhòe, bà mệt mỏi nhai chiếc nhai miếng bánh mỳ của một số người tốt bụng đem cho. "Tôi chỉ loanh quanh ở đây nên ăn uống cũng chẳng quan trọng lắm, cứ có tí tinh bột là ấm cái bụng rồi", vừa ăn bà Oanh vừa hồn nhiên chia sẻ.
Đêm xuống hẳn, trại phong đã vắng lại càng vắng hơn. Ngồi trong nhà chỉ thấy tiếng sương tí tách cùng những tiếng thở dài chầm chậm, đều đều. Bà Oanh bảo, năm nay rét muộn nhưng độc hại quá. Ở nơi hoang vu này người nơi khác đến thì chỉ sợ buồn, còn các bà có tuổi thì chỉ sợ rét thôi.