Tạo điều kiện tối đa để sinh viên trở lại giảng đường

11-02-2022 06:07:04

Hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đã sẵn sàng mở cửa, đón sinh viên trở lại học trực tiếp. Đồng thời có phương án hỗ trợ chỗ ở cho sinh viên, bảo đảm an toàn về phòng chống dịch bệnh và an ninh trật tự.


Dự kiến cuối tháng 2, đầu tháng 3, toàn bộ sinh viên, học viên của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ trở lại học trực tiếp. Ảnh: Thuý Nga

Vừa đào tạo, vừa phòng chống dịch

PGS.TS Nguyễn Lê Cường – Chánh văn phòng Học viện Tài chính – cho hay: Dự kiến ngày 14/2, Học viện mở cửa đón sinh viên trở lại học trực tiếp. Tuy nhiên, trước mắt sẽ kết hợp cả hai phương thức dạy học trực tiếp và trực tuyến. Do đó, ngày 14/2 sẽ có một phần sinh viên trở lại giảng đường để học tập trung. Sau đó, mới có kế hoạch đón toàn bộ sinh viên đến trường.

Theo kế hoạch, ngày 14/2, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đón khoảng 1.000 sinh viên trở lại trường để hoàn thành các phần thí nghiệm, thực hành và bảo vệ đồ án tốt nghiệp. PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – thông tin: Dự kiến, cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3, nhà trường mở cửa đón toàn bộ sinh viên, học viên trở lại học tập bình thường.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã phát đi thông báo, sẽ tổ chức cho sinh viên, học viên học tập trung từ ngày 14/2. GS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Để chuẩn bị cho việc học tập trung kết hợp phòng chống dịch Covid-19 một cách chủ động, an toàn, nhà trường đề nghị sinh viên, học viên khi quay trở lại học trực tiếp phải tiêm đủ tối thiểu 2 mũi vắc-xin phòng, chống Covid-19. Trường hợp chưa tiêm đủ cần liên hệ với cơ quan y tế địa phương để được tiêm chủng theo quy định. Những sinh viên, học viên chưa tiêm mũi 3 sẽ đăng ký với thành phố sau khi quay trở lại trường học tập trung.

Ngoài ra, sinh viên, học viên đến từ địa phương ngoài Hà Nội, khi quay trở lại trường cần có kết quả âm tính test nhanh trong vòng 24 giờ hoặc test PCR trong vòng 72 giờ. Khi sinh viên đến trường, phải chấp hành nghiêm túc quy định phòng, chống dịch Covid-19. Dự kiến, trong khoảng ba tuần đầu tiên, sinh viên năm thứ nhất (K63) sẽ học quân sự, còn lại đến trường học tập trung. Sau khoảng 3 - 4 tuần, toàn bộ sinh viên học trực tiếp. Nhà trường tổ chức 100% các hoạt động trong điều kiện bình thường.

Đại học Quốc gia Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy học trực tiếp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch để học sinh, sinh viên trở lại trường từ học kỳ II năm học 2021 - 2022. Theo đó, các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch và lịch trình đào tạo phù hợp, đảm bảo chất lượng đào tạo, an toàn phòng, chống dịch: Có thể cho sinh viên tập trung mở rộng dần theo từng nhóm; trước hết là sinh viên năm cuối, sinh viên cần hoàn thành chương trình để tốt nghiệp tập trung trước, sau đó đến sinh viên các ngành đào tạo có yêu cầu nhiều về thực hành, thực tế, rồi mở rộng cho toàn bộ sinh viên trở lại trường.

Ngoài ra, các đơn vị cũng có thể cho toàn bộ sinh viên trở lại trường ngay từ đầu học kỳ II năm học 2021 - 2022 nếu điều kiện đảm bảo an toàn dịch của đơn vị cho phép, kết hợp giữa dạy học trực tiếp và online phù hợp. Bên cạnh đó, phối hợp với Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội hỗ trợ tiêm đủ tối thiểu 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 cho sinh viên; xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi sinh viên trở lại trường học; khử trùng ngoại cảnh, lớp học. Các đơn vị có phương án phòng, chống dịch phù hợp với thực tế và phương án chăm lo hỗ trợ sinh viên thuộc diện F0 sống xa gia đình, ở trọ bên ngoài cũng như trong ký túc xá.


Sinh viên Trường ĐH Cần Thơ nêu cao ý thức phòng chống dịch bệnh khi trở lại học tập trung. Ảnh: Châu Anh

Tạo điều kiện tốt nhất cho người học

Từ ngày 7/2, khoảng 36.000 sinh viên của Trường ĐH Cần Thơ đã trở lại học trực tiếp. Theo GS.TS Hà Thanh Toàn – Hiệu trưởng nhà trường, qua khảo sát cho thấy: 100% sinh viên đã tiêm vắc-xin phòng chống Covid-19 mũi 1; 95% sinh viên được tiêm mũi 2 và 50% sinh viên được tiêm mũi 3. Nhà trường yêu cầu 100% sinh viên test nhanh khi trở lại học trập trung, hàng ngày phải khai báo y tế. Thành lập đội y tế lưu động, sẵn sàng hỗ trợ từ khu ký túc xá cho đến các khu trọ bên ngoài nhà trường. Trang bị đầy đủ vật tư, điều kiện phòng chống dịch bệnh.

Để tạo điều kiện cho sinh viên yên tâm học tập, nhà trường yêu cầu trung tâm quản lý ký túc xá dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn sẵn sàng tiếp nhận sinh viên đến ở. Ngoài ra, nhà trường thành lập các đội hỗ trợ sinh viên tìm nhà trọ giá rẻ và bảo đảm an toàn, an ninh trật tự. “Công tác dạy – học đã ổn định; đồng thời các “chế độ” về phòng chống dịch bệnh luôn trong sẵn sàng kích hoạt” - GS.TS Hà Thanh Toàn khẳng định.

Tương tự, PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho hay: Trung tâm Quản lý ký túc xá của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã sẵn sàng các phương án đón nhận sinh viên trở lại học tập trung. Hiện, ký túc xá có 435 phòng ở bố trí 8 - 12 người/phòng nên có thể đón nhận 4.200 sinh viên. Trung tâm yêu cầu, sinh viên trước khi vào các tòa nhà ký túc xá phải quét QR Code và tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Toàn trường có 10.000 sinh viên nhưng ký túc xá của Trường ĐH Đà Lạt đáp ứng được khoảng 700 sinh viên, số còn lại phần lớn ở ngoại trú trên các phường, xã của thành phố Đà Lạt. Để chuẩn bị đón sinh viên tại các tỉnh, thành đến học tập, TS Lê Minh Chiến – Hiệu trưởng Trường ĐH Đà Lạt chia sẻ: Nhà trường tổ chức rà soát cơ sở vật chất tại khu ký túc xá, trang thiết bị dạy học. Mặt khác, nắm bắt thực tế các cơ sở kinh doanh lưu trú để phối hợp hướng dẫn và hỗ trợ sinh viên tìm nhà trọ thuận lợi, phù hợp. Theo đó, nhiều chủ cơ sở kinh doanh lưu trú đã cam kết sẽ giảm giá nhà trọ và tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên được học tập tốt.

GS.TS Hà Thanh Toàn cho biết: Song song với công tác đào tạo, Trường ĐH Cần Thơ sẵn sàng phương án, xây dựng kịch bản ứng phó với dịch bệnh. Trường có hai khu ký túc xá với sức chứa trên 9.000 sinh viên. Hiện, có khoảng 7.800 sinh viên lưu trú.

 

Minh Phong
Theo Giáo dục & Thời đại //