Suýt giết con khi nhét khăn vào miệng con lúc co giật

03-02-2018 07:20:12

Người mẹ đã lấy khăn nhét vào miệng của con lúc co giật và không hề biết rằng đây là một hành động sai lầm, gây nguy hiểm cho trẻ.

Khoảng 3 giờ 40 phút chiều ngày 28/1 vừa qua, tại quận Trương Điếm, thành phố Truy Bác, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, các y tá ở bệnh viện Nhân dân thứ 6 tỉnh Truy Bác đã nhận được cuộc điện thoại khẩn cấp yêu cầu cấp cứu một bé gái 6 tuổi. Được biết, đứa bé này bị co giật tại nhà.

Khi nhân viên cấp cứu đến nhà, bé gái (giấu tên) đã rơi vào tình trạng nghẹt thở, gương mặt bầm tím, miệng bị nhét khăn vào. Lập tức, các nhân viên y tế đã lấy khăn ra khỏi miệng bé gái, nhét dụng cụ chuyên dụng vào miệng bé. Sau đó, họ đã nới lỏng quần áo của bé gái để giúp nhiệt được thoát ra.

Mẹ của đứa bé đã rất hoảng sợ. Cô cho rằng con chỉ bị cảm sốt bình thường nhưng không ngờ con lại bị co giật. Sợ con tự cắn lưỡi của mình nên người mẹ đã lấy khăn nhét vào miệng của con và không hề biết rằng đây là một hành động sai lầm, gây nguy hiểm cho trẻ. Lý do là bởi việc làm này khiến trẻ bị nghẹt thở, có thể dẫn đến tử vong.


Bé gái 6 tuổi nạn nhân của vụ việc. Ảnh: Sina

Theo nghiên cứu, ở trẻ từ 6 tháng tuổi tới 6 năm tuổi có tỷ lệ co giật từ 3-5%. Khi co giật trẻ có thể có thêm các biểu hiện nôn ói, sùi bọt mép, đồng tử lộn lên trên làm mắt trắng dã.

Các cơn co giật này thường là các cơn co giật toàn thể, ngắn, kéo dài không quá 5 phút. Sau co giật, trẻ có thể lờ đờ chậm chạp hoặc ngủ. Thời gian này có thể kéo dài tới cả tiếng đồng hồ. Trẻ thường bị 1 cơn co giật cho 1 đợt sốt. Đây là đặc điểm gần như chỉ có ở trẻ con, song cũng không nên quá lo.

Sốt cao co giật thông thường không gây hại não. Trừ các bệnh lý khác gây nên tình trạng này như viêm màng não, viêm não mà chúng ta bỏ sót trong chẩn đoán. Còn nếu là sốt cao do virus gây co giật, sau vài chục giây, trẻ hết giật trở lại bình thường, không để lại di chứng cho não, không gây hại não. 

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //