Sử dụng tiền polymer để bó hoa có vi phạm pháp luật không?
Theo luật sư, người có hành vi hủy hoại, phá hoại tiền Việt Nam sẽ bị phạt tiền, đồng thời bị tịch thu tang vật, phương tiện theo quy định.
Câu hỏi
Bạn đọc Thu Hương (Hà Nội) hỏi: Tại một số cửa hàng bán hoa, ngoài những lãng hoa tươi tôi còn thấy xuất hiện những bó hoa bằng tiền polymer (những tờ tiền mới mệnh giá 100 nghìn đồng hoặc 200 nghìn đồng được kết lại thành bó hoa). Vậy xin hỏi hành vi buôn bán, sử dụng những bó hoa bằng tiền polymer có vi phạm pháp luật không?
Trả lời
Luật sư Ma Văn Giang - Công ty luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, Điều 3 Nghị định số 87/2023 quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam quy định, hành vi hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật được hiểu là hành vi cố ý làm rách nát, hư hỏng, biến dạng tiền Việt Nam.
Như vậy, theo luật sư Giang, việc dùng tiền thật để làm hoa tiền nhưng không cắt, hủy hoại… và tiền vẫn sử dụng sau đó thì không vi phạm pháp luật, sử dụng tiền Việt Nam.
Tuy nhiên, trường hợp người dân dùng tiền để làm thành bó hoa nhưng có hành vi cắt, xé thì bị xem là hành vi hủy hoại tiền và vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tiền Việt Nam.
Ngoài ra, Điều 3 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam quy định về những hành vi bị nghiêm cấm như sau:
Làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua, bán tiền giả; Hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào; Sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước; Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành trong lãnh thổ Việt Nam.
Người có hành vi hủy hoại, phá hoại tiền Việt Nam có thể sẽ bị áp dụng mức phạt tiền, đồng thời bị tịch thu tang vật, phương tiện theo quy định. Ảnh: Trung Hiếu.
Theo luật sư Giang, Điều 31 Nghị định 88/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng quy định rõ, đối với hành vi hủy hoại, phá hoại tiền Việt Nam có thể sẽ bị áp dụng mức phạt từ 10 - 15 triệu đồng, đồng thời, bị tịch thu tang vật, phương tiện theo quy định.
Trường hợp, người dân có hành vi tái phạm, đã bị xử lý về hành vi hủy hoại tiền Việt Nam, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, tiền là di vật, cổ vật của người khác có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người vi phạm sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.