Rơi nước mắt cảnh mẹ già 100 tuổi nuôi con trai bị mắc bệnh tâm thần

23-10-2018 07:15:13

“Nhiều khi tôi chỉ mong muốn được chết sau con chứ nếu tôi chết trước thì ai sẽ chăm sóc bữa cơm, giấc ngủ cho nó”, cụ bà 100 tuổi chia sẻ trong nước mắt.

Ngôi nhà mái bằng xây đã lâu nhưng chưa được hoàn thiện nơi mẹ con cụ Ngọt đang sinh sống

Cám cảnh mẹ trăm tuổi nuôi con tâm thần

Cuối con đường nhỏ nằm sát bờ mương thuỷ lợi của thôn 2, xã Vạn Phúc (Ninh Giang, Hải Dương) có một căn nhà mái bằng không được da trát, rêu mốc nổi từng mảng lẩn khuất dưới những tán cây vải. Đó là nơi cụ Phạm Thị Ngọt (100 tuổi) đang sinh sống cùng người con trai mắc chứng bệnh tâm thần 20 năm nay.

Gia đình cụ Ngọt được biết đến là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn bậc nhất của xã Vạn Phúc. Nói như lời một vị cán bộ xã Vạn Phúc thì thứ có giá trị nhất trong gia đình cụ Ngọt chính là sức khoẻ của lão bà đã bước sang tuổi 100.

Cuối giờ chiều một ngày giữa tháng 10, tôi tìm về để có thể thấu hiểu hơn hoàn cảnh khó khăn của 2 mẹ con cụ. Trên bậc thềm xi măng đã lỗ chỗ nhiều vết thủng, cụ Ngọt ngồi tựa mình trên chiếc ghế nhựa, hai tay đan vào nhau, ánh mắt buồn buồn hướng cái nhìn vô định lên khoảng không.

Năm nay đã bước sang tuổi 100 nhưng vụ Ngọt vẫn phải chăm sóc người con bị mắc bệnh tâm thần

Năm nay vừa tròn 100 tuổi, sức khoẻ cũng yếu hơn nhiều, khả năng nghe nhìn của cụ cũng không còn như trước. Cụ Ngọt cất giọng run run nhớ lại quãng thời gian đầy biến cố của cuộc đời mình.

Tuổi cập kê, cụ Ngọt nên duyên với cụ Phạm Khắc Điếng. Trong khoảng thời gian này, 2 cụ có với nhau được 5 người con (4 gái, 1 trai). Trong khi cụ Ngọt chăm chỉ làm lụng với công việc đồng áng thì cụ ông cũng đi làm thuê, cuốc mướn kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Ngoài ra, cũng có thời kỳ cụ Điếng làm công tác liên lạc, đưa thư cho các xã trong vùng và một vài địa phương lân cận khác. Cuộc sống tuy có vất vả nhưng 2 cụ vẫn luôn hạnh phúc.

Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng như dòng nước êm trôi, đến năm 1971, biến cố bất ngờ ập đến với gia đình khi cụ ông đột ngột qua đời sau một lần bạo bệnh: “Hồi đó ông ấy mới ngoài 50 tuổi, trước đây có biết ốm đau là gì nhưng sau đợt đó là ông ấy đi luôn”, cụ Ngọt chia sẻ.

Ngày chồng mất, cụ Ngọt tưởng như suy sụp, kinh tế gia đình lại càng lâm vào cảnh khó khăn. Tuy nhiên, lại nghĩ rằng số phận của 5 đứa con thơ dại nên cụ lại gắng gượng để sống tiếp, làm tròn nghĩa vụ của một người mẹ.

Bức hình của người con gái thứ 3 treo trên tường rất lâu chưa có bàn tay người lau chùi

6 miệng ăn, vài sào ruộng khoán không đủ để lo cho kinh tế gia đình nên ngoài chuyện đồng áng, cụ Ngọt lại nhận thêm việc của hợp tác xã, làm thuê, làm mướn bất kể ngày đêm.

Cụ Ngọt bảo: “Mong muốn các con có được cái chữ để đỡ khổ, bên cạnh việc lo cái ăn cho cả gia đình, tôi lại phải đi làm thêm, mò cua bắt ốc cho các con có tiền ăn học nhưng rồi hoàn cảnh khó khăn quá, các con cũng thương mẹ nên đứa nào cũng bỏ học giữa chừng để đi làm thuê phụ giúp”.

Cuộc sống của gia đình vắng bóng đàn ông cứ thế trôi qua cho đến ngày các con cụ lần lượt trưởng thành. Những tưởng quãng thời gian sau này, cụ có thể an nhàn hưởng phúc nhưng nào ngờ những bi kịch lại lần lượt giáng xuống.

20 năm trước, cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, muốn có tiền để phụ giúp mẹ nên người con gái thứ 2 của cụ là bà Phạm Thị Nhát đã nghe lời bạn bè sang Trung Quốc để làm thuê rồi từ đó không thấy trở về nữa.

“Tôi không biết giờ nó còn sống hay đã chết. Nó đi không nói với tôi một lời. Cũng tìm kiếm, nhờ gửi người đủ cả nhưng càng ngóng tin con thì càng vô vọng”, cụ Ngọt nhớ lại.

Chồng mất sớm, cụ Ngọt một tay nuôi dưỡng 5 người con trưởng thành

Người con gái lớn của cụ là bà Phạm Thị Nhạt (62 tuổi) cũng nên duyên với một người quê Quảng Ninh. Do đã có tuổi nên cũng đã lâu lắm rồi không trở về thăm cụ được.

Cô con gái thứ 3 là bà Phạm Thị Nhan (58 tuổi) quá lứa, lỡ thì nên duyên với người đàn ông có 1 đời vợ. Số phận nghiệt ngã khi người chồng bà Nhan ít năm trước cũng qua đời vì bệnh ung thư.

Trước khi chồng từ trần, bà Nhan vẫn chưa có người gọi bằng mẹ. Cuộc sống lủi thủi một mình. Gần đây, thương cụ Ngọt, bà Nhan chuyển hẳn về sinh sống để tiện chăm sóc mẹ.

Đớn đau nhất là người con trai út Phạm Khắc Đán (48 tuổi) từ một thanh niên khoẻ mạnh bình thường hơn 20 năm trước đột nhiên đổ bệnh, tâm thần không được ổn định.

Giờ đây, ông Đán chỉ có thể quanh quẩn ở nhà, khuôn mặt trầm ngâm, không làm  được việc gì. Hàng ngày, mỗi khi đến giờ cơm, ông Đán xuống ăn với mẹ rồi lại chui vào màn ngủ hoặc nằm bất động bất kể nắng mưa, đêm ngày.

Mong được chết sau con

Trên chiếc giường kê cạnh cửa sổ lúc nào tấm màn tuyn mỏng cũng được buông sẵn, một người đàn ông râu rậm, tóc dài dáng đang nằm. Chiếc chăn mùa đông đắp hờ từ ngực xuống.

Bàn cánh tay người đàn ông khẽ đặt lên trán, dáng vẻ thư thái, thoải mái. Đó là ông Đán, người con trai út của cụ Ngọt. Ông Đán dường như mất cảm xúc với mọi thứ, nhà có người lạ đến, ông cũng chỉ khẽ mở mắt rồi lại nhắm lại, không biết đang ngủ hay suy nghĩ điều gì.

Hướng ánh mắt về phía con, cụ Ngọt chua chát nói: “Ngày nào nó cũng chỉ như thế thôi, như người vô thức vậy. Từ ngày nó bị bệnh, tôi cũng đã chạy chữa khắp nơi, tốn kém nhưng không ai biết nó bị bệnh gì. Thấy người ta bảo nó bị người âm hành”.

Ông Phạm Khắc Đán từ một người khoẻ mạnh, chăm chỉ bỗng đổ bệnh, thần kinh không ổn định

Đợt còn điều trị tại bệnh viện, cứ được một thời gian ông Đán lại trốn ra ngoài. Những lần đó, ông thường đi lang thang rồi gây sự đánh người. Thế nhưng, vì tâm thần không ổn định, “chẳng biết nó có đánh được người ta cái nào không nhưng lần nào về cũng thấy thâm tím người, xây xước hết mặt mũi”.

Cùng cực, gia đình cụ Ngọt phải đưa ông Đán vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương để được chăm sóc. Tuy nhiên, cũng giống như những lần nằm viện trước, ông Đán lại trốn ra ngoài rồi lang thang lên tận Yên Bái, Lào Cai.

Đã 100 tuổi nhưng đôi bàn tày này vẫn là chỗ dựa cho người con mắc bệnh tâm thần.

Khoảng thời gian này, bệnh tình của ông Đán ngày một nặng hơn. Bình thường chẳng sao nhưng khi lên cơn, ông Đán xé quần, xé áo, nhiều lần còn thẳng tay đánh mẹ già.

“Có một thời, khi bất lực quá, tôi mới nhờ hàng xóm đóng cửa sắt nhốt con vào gian buồng. Mới đây thấy nó không phá nữa, tôi mới đưa ra ngoài như bây giờ”, cụ Ngọt nói.

Bàn thờ không di ảnh thờ tổ tiên và người chồng mất sớm hoang lạnh

Theo cụ Ngọt, ông Đán trước đây là người khoẻ mạnh, chịu khó lao động. Thời điểm còn thanh niên, ông Đán học được nghề cắt tóc rồi mở một cửa hiệu nhỏ tại địa phương.

Vốn hiếu thảo, thương mẹ nên suốt những năm làm nghề, ông Đán dành dụm, gom góp tiền và xây một căn nhà nhỏ (ngôi nhà hiện tại bà Ngọt và ông Đán đang ở) để 2 mẹ con ở nhưng chưa kịp hoàn thiện thì đột nhiên đổ bệnh.

Để ngăn gió lạnh lùa vào nhà, những bao tải đầy rơm được nhét vào những lỗ trống

“Căn nhà này là do nó xây. Từ ngày nó đổ bệnh, tiền nong dồn cả để chữa bệnh nên chưa kịp hoàn thiện. Gia đình tôi cứ sống ở đây đến tận bây giờ. Lỗ thông gió cũng chưa được đắp vào, năm trước mùa đông, gió lùa vào, tôi phải nhờ người nhét rơm vào bao sau đó vít lại cho đỡ lạnh”, cụ Ngọt chia sẻ.

Thời gian gần đây, do tuổi cao, sức khoẻ của cụ Ngọt đã yếu đi nhiều so với trước. Không những thế, căn bệnh thoái hoá cột sống, viêm khớp mãn tính và đau dạ dày thường xuyên hành hạ cụ.

Cụ bà trăm tuổi ước mong được chết sau người con trai út để có thể chăm sóc con

Nói về mong ước cuối đời của mình, cụ Ngọt khẽ đưa đôi bàn tay lau giọt nước mắt nghẹn ngào nói: “Tôi sống bằng này tuổi rồi, có chết cũng không dám trách ông trời. Nhưng mong sao trời thương, cho tôi được chết sau con. Giờ bệnh tật nó như thế, tôi chết đi thì lấy ai chăm sóc nó”.

Tuấn Khang
Theo Đời sống Plus/GĐVN //