Quốc hội bắt đầu quy trình miễn nhiệm Chủ tịch nước với ông Nguyễn Phú Trọng
Ngay sau khi chính thức miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Xuân Phúc, Quốc hội đã tiến hành quy trình miễn nhiệm Chủ tịch nước đối với ông Nguyễn Phú Trọng.
Sáng nay (2/4), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.
Nghị quyết được thông qua ngày 2/4/2021, có hiệu lực thi hành kể từ khi Quốc hội bầu được Thủ tướng Chính phủ.
Ngay sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Sau đó, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại Đoàn về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Đến buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước trước khi Quốc hội bỏ phiếu kín.
Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước sẽ được bỏ phiếu thông qua bằng hình thức bấm nút điện tử.
Cũng trong ngày hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước và các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở đoàn về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước.
Theo chương trình kỳ họp thứ 11, sáng thứ 2 (5/4), Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ.
Cũng trong ngày 5/4, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận, biểu quyết thông qua các Nghị quyết về việc miễn nhiệm Phó Chủ tịch nước, một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước.
Tiếp đó, Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các ĐBQH sẽ thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Phó Chủ tịch nước, một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng 77 tuổi; Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành Xây dựng Đảng), cử nhân Ngữ văn; quê ở huyện Đông Anh, Hà Nội.
Ông là Tổng bí thư khóa XI, XII, XIII; Thường trực Bộ Chính trị (8/1999 - 4/2001); Ủy viên Bộ Chính trị 6 nhiệm kỳ, từ khóa VIII đến XIII; Ủy viên Trung ương Đảng 7 nhiệm kỳ, từ khóa VII đến XIII; Chủ tịch nước từ tháng 10/2018; Chủ tịch Quốc hội hai khóa XI, XII; Bí thư Quân ủy Trung ương; Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; đại biểu Quốc hội 4 khóa XI, XII, XIII, XIV...
Ông cũng từng giữ các chức vụ: Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; Bí thư Thành uỷ Hà Nội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch nước vào ngày 23/10/2018 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Đây là lần đầu tiên sau nhiều nhiệm kỳ, người đứng đầu Đảng đồng thời đứng đầu Nhà nước.
Thời điểm đó, khi tiếp xúc cử tri tháng 10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, việc được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước "không phải nhất thể hóa" mà là "tình huống" khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời.
Trong mọi thời điểm, Chủ tịch nước đều nỗ lực
Báo cáo trước Quốc hội về công tác nhiệm kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, mặc dù nhiệm kỳ có sự thay đổi về nhân sự và đặc biệt, từ cuối năm 2018, với trọng trách Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, trong mọi thời điểm, Chủ tịch nước đều nỗ lực thực hiện đầy đủ, có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định và trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân.
Trong công tác và sinh hoạt luôn phấn đấu thể hiện trách nhiệm, gương mẫu, giản dị, gần dân, trọng dân, toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, khẳng định vị thế của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước CHXHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
Với sự kiên quyết, kiên trì, quyết tâm của Chủ tịch nước, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong nhiệm kỳ qua đã có hiệu quả, đi vào chiều sâu. Xử lý các hành vi tham nhũng theo phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, được nhân dân đồng tình ủng hộ.