Phác đồ điều trị viêm xoang của Bộ Y Tế
Sau khi thăm khám và thực hiện chẩn đoán viêm xoang thì việc xây dựng phác đồ điều trị có ý nghĩa quan trọng để chữa khỏi bệnh. Tùy theo tình trạng, mức độ nghiêm trọng của bệnh mà mỗi người sẽ có phác đồ điều trị khác nhau.
I. Phân loại viêm xoang
1. Viêm xoang & tác nhân gây bệnh viêm xoang
Xoang hiểu đơn giản như các khoảng trống của xương sọ, tạo nên quanh hốc mũi. Xoang có nhiệm vụ chính là làm ấm lại không khí mỗi khi thời tiết lạnh và làm mát không khí khi thời tiết nóng nhờ sự điều hòa hệ thống mao mạch trong xoang.
Viêm xoang chỉ tình trạng hệ thống các xoang bên cạnh mũi bị viêm, chủ yếu là bị nhiễm trùng.
Bệnh có thể ảnh hưởng tới một hay nhiều xoang, trường hợp bị viêm xoang nhiều gọi là đa xoang.
Viêm xoang là căn bệnh phổ biến có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi, giới tính nào. Tuy nhiên các bé dưới 6 tuổi là độ tượng dễ bị bệnh.
Một số tác nhân gây nên viêm xoang bao gồm:
- Các loại nấm, vi khuẩn, vi rút E.coli, Klebsiella, liên cầu khuẩn… tấn công trực tiếp vào trong xoang mũi hoặc di chuyển ngược từ phế quản, hầu họng, phát triển gây nhiễm trùng xoang.
- Sức đề kháng cơ thể suy giảm tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút xâm nhập vào bên trong cơ thể gây bệnh tật.
- Bị dị ứng do các tác nhân môi trường sinh sống ô nhiễm, không hợp vệ sinh. Khói bụi, không khí bẩn, hóa chất. Có những trường hợp bị dị ứng liên tục gần như quanh năm gây ra đau xoang.
- Người bệnh có tiền sử bị viêm amidan, viêm mũi dị ứng, viêm họng mạn nhưng điều trị không dứt điểm. Các loại vi khuẩn, vi rút tấn công làm nhiễm trùng xoang.
- Vệ sinh mũi, họng thường ngày chưa đúng cách.
- Những người có cơ địa mẫn cảm gây viêm mũi, xoang dị ứng.
- Một số nguyên nhân khác: bất thường phía bên trong hốc mũi như vách ngăn bị lệch, xương mũi cứng; trào ngược dạ dày - thực quản.
2. Phân loại viêm xoang
Việc phân loại viêm xoang được dựa vào thời gian mắc bệnh, cụ thể như sau:
- Viêm xoang cấp tính: các triệu chứng bùng phát trong phạm vi thời gian dưới 4 tuần.
- Viêm xoang bán cấp tính: khoảng thời gian bị bệnh dao động trong khoảng từ 4- 12 tuần.
- Viêm xoang mạn tính: bệnh kéo dài trên 12 tuần dù đã thực hiện điều trị.
II. Các nguyên tắc cần tuân thủ trong điều trị viêm xoang
Mỗi cá nhân sẽ được xây dựng một phác đồ điều trị viêm xoang hợp lý, được dựa trên nguyên tắc nhất định và theo phác đồ của Bộ Y tế. Cụ thể như sau:
- Đối với các triệu chứng lâm sàng cần tích cực điều trị triệu chứng bằng phương pháp nội khoa.
- Phát hiện và loại bỏ các tác nhân gây ra viêm xoang.
- Giảm cơn đau, đồng thời hạn chế tối đa nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm.
- Cấu trúc mũi xoang cần được bảo tồn tối đa.
- Trong quá trình điều trị viêm xoang cần song song tiến hành điều trị các bệnh lý nền khác như viêm tai giữa, trào ngược dạ dày, suy giảm miễn dịch.
- Cần tuân thủ đúng thời gian điều trị, liều lượng cũng như lời khuyên của bác sĩ. Chúng ta nên uống nhiều nước, dùng nước muối sinh lý để rửa mũi; xông mũi bằng hơi nước nóng hay đắp khăn ấm lên mặt giúp làm dịu đi những cơn đau.
III. Phác đồ điều trị viêm xoang
Viêm xoang khiến người bệnh vô cùng khó chịu. Viêm xoang cấp tính và mạn tính sẽ có phác đồ điều trị khác nhau.
Đối với viêm xoang cấp tính chủ yếu điều trị theo hướng nội khoa còn đối với mạn tính gây ra biến chứng nguy hiểm cần phải kết hợp điều trị nội khoa và ngoại khoa.
Người bệnh cần thực hiện đúng, chuẩn theo phác đồ cũng như chỉ dẫn của bác sĩ.
1. Phác đồ điều trị viêm xoang cấp tính
Trường hợp bị viêm xoang cấp được điều trị chủ yếu bằng phương pháp nội khoa, phương pháp khá đa dạng.
1.1. Điều trị viêm xoang cấp toàn thân
Thuốc kháng sinh
Đối với các trường hợp viêm xoang do nhiễm khuẩn thường được chỉ định dùng kháng sinh. Tùy theo tuổi tác, tình trạng bệnh cũng như tác nhân cụ thể người bệnh được chỉ định liều lượng, thời gian điều trị phù hợp. Cụ thể thường được chia làm 2 trường hợp:
- Mức độ nhẹ tới trung bình: chỉ định dùng một trong các loại thuốc Clavulanate, Cefdinir, Cefuroxime…
- Mức độ trung bình dùng một trong những loại như Amoxicillin/ clavulanate, Ceftriaxone…
Người bệnh sẽ thấy hiệu quả được cải thiện sau 2 - 3 ngày, hơn 80% người bệnh đáp ứng tốt với thuốc. Cần dùng đúng theo chỉ định để tránh nhờn thuốc, tác dụng phụ.
Trong quá trình điều trị cần sát sao theo dõi, nếu không thích hợp sẽ đổi loại thuốc khác phù hợp hơn.
Thuốc corticoid đường uống
- Dòng thuốc này được dùng trong trường hợp viêm xoang nặng, được dùng chỉ định trong thời gian ngắn dưới sự kiểm soát của bác sĩ bởi có thể gây ra tác dụng phụ
- Một số loại thuốc có thể dùng được kể đến như Methylprednisolon, Dexamethason.
Thuốc làm tan đàm nhầy
Với cơ chế làm tan đám nhầy giúp lưu xoang, thông mũi, người bệnh sẽ thấy dễ thở hơn. Hoặc thuốc long đờm được chỉ định với tác dụng giảm nhẹ ngạt mũi, sổ mũi cho người bị xoang.
Thuốc kháng histamin
- Khi nhiễm trùng xoang bắt nguồn từ nguyên nhân dị ứng sẽ được chỉ định dùng thuốc kháng histamin.
- Với vai trò nổi bật làm ức chế giải phóng histamin, ngăn ngừa các phản ứng dị ứng và làm giảm đi độ nguy hiểm của bệnh.
- Một số thuốc như Desloratadine hay Fexofenadine được dùng trong phác đồ điều trị xoang.
Thuốc giảm đau, hạ sốt
- Dùng trong các trường hợp bị đau đầu, ngạt/ nhức mũi, nóng sốt trên 8 độ C. Một số loại thuốc thông dụng được dùng như Aspirin, Ibuprofen, Naproxen…
- Sau khoảng 4 giờ, các thuốc trên sẽ được dùng lại cho tới khi người bệnh ngưng các biểu hiện sốt và không còn đau.
- Tuy nhiên người bệnh không nên quá lạm dụng kẻo gây ảnh hưởng đến dạ dày, thận và các tác dụng phụ khác đối với sức khỏe.
1.2. Điều trị viêm xoang cấp tại chỗ
- Rửa mũi: rửa mũi bằng nước muối sinh lý hằng ngày kết hợp với đánh răng và súc họng đều đặn trước khi đi ngủ sẽ là cách hay, đơn giản tránh xoang có nguy cơ tiến triển nặng hơn.
- Thuốc corticoid dạng xịt: công dụng chính giúp giảm viêm/ ngăn ngừa viêm mũi, nghẹt mũi, sổ mũi. Một số loại thuốc được chỉ định chứa corticoid là budesonide, fluticasone propionate…
- Thuốc co mạch, chống sung huyết mũi: có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng, giảm sung huyết khi bị viêm mũi cấp hoặc mạn tính, bị cảm mạo hay dị ứng. Công dụng co mạch trị nghẹt mũi thường có hiệu quả trong vòng 10 phút, kéo dài trong khoảng từ 2- 6 tiếng.
1.3. Chăm sóc và điều trị viêm xoang cấp tại nhà
Để có thể khỏi và ngăn ngừa xoang một cách toàn diện thì người bệnh không chỉ dừng lại ở việc điều trị đúng theo phác đồ mà còn cần chú ý theo dõi bệnh tình.
Cùng với đó cần kết hợp với các biện pháp hỗ trợ chăm sóc, theo dõi tại nhà để nhanh chóng đẩy lùi bệnh.
- Xông mũi: Giúp thông thoáng đường thở, cải thiện nhanh sổ mũi, nghẹt mũi; tăng cường dẫn lưu dịch nhầy làm thông thoáng, giảm đau nhức xoang.
- Dùng nước nóng, có thể thêm chút sả, chanh vào để xông: Nên xông mỗi ngày từ 2- 4 lần, mỗi ngày khoảng 10 phút sẽ thấy hiệu quả.
- Uống nhiều nước: Làm loãng chất nhầy, giữ độ ẩm cần thiết, hạn chế kích ứng viêm nhiễm tại khu vực niêm mạc mũi xoang. Tốt nhất nên uống nước ấm hoặc nước ép hoa quả sẽ mang lại hiệu quả tốt.
- Tránh tác nhân gây dị ứng: Khói thuốc, bụi bẩn, hóa chất, lông động vật nuôi trong nhà.
- Dinh dưỡng khoa học, hợp lý: Bổ sung đầy đủ các loại vitamin, trái cây, rau xanh… giúp miễn dịch khỏe mạnh, tránh tác nhân gây hại xâm nhập vào cơ thể gây nên bệnh tật.
- Giữ ấm cơ thể: Vào mùa lạnh nên giữ ấm cho tốt, nhất là vùng đầu, cổ, ngực, mũi.
2. Phác đồ điều trị viêm xoang mãn tính
Trong trường hợp viêm xoang nặng có biến chứng, điều trị nội khoa sau khoảng hơn 1 tháng không hiệu quả sẽ được cân nhắc phẫu thuật.
2.1. Phẫu thuật nội soi
Ưu điểm giúp loại bỏ sạch ổ viêm, bảo tồn tốt niêm mạc,ít mất máu, người bệnh bình phục nhanh rút ngắn thời gian nằm viện. Nội soi xoang mũi được tiến hành dựa trên quan sát và thực hiện theo các bước:
- Gây mê nội khí quản.
- Thực hiện nội soi bên trong mũi, không rạch da bên ngoài,
- Tiến hành loại bỏ bệnh tích trong mũi xoang giúp thông thoáng các lỗ xoang, phục hồi lại sự thông khí và dẫn lưu bên trong các xoang.
- Hơn 80% người bệnh hài lòng với phương pháp này, song cũng có thể gây ra một số phản ứng phụ như nghẹt mũi, đau mắt, chảy nước mũi…
2.2. Phẫu thuật xoang mở
Bác sĩ tiến hành mở xoang, chỉnh lại vách ngăn mũi bị lệch, làm sinh thiết mở lỗ dẫn lưu từ các xoang vào bên trong hốc mũi. Sau đó sẽ làm sạch bệnh tích bên trong xoang hàm qua lỗ thông xoang.
Sau khi phẫu thuật xoang xong, người bệnh sẽ được theo dõi, sử dụng các thuốc chống nhiễm trùng, thuốc co mạch, rửa xoang mũi bằng dòng nước muối sinh lý.
IV. Tiên lượng và các biến chứng có thể gặp
Viêm xoang cấp tính tiên lượng tốt, khoảng trên 70% người bệnh khỏi nhờ các thuốc kháng sinh giảm nhẹ đi triệu chứng khó chịu.
Tuy nhiên nếu người bệnh chủ quan, thờ ơ coi nhẹ việc chữa trị thì có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm, cần hết sức cẩn trọng.
- Các bệnh ở đường hô hấp: viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản…
- Bệnh ở tai: dịch mủ trong xoang lan rộng ra gây viêm tai giữa, đặc biệt ở độ tuổi trẻ em cần lưu ý.
- Bệnh ở hệ thống não bộ: viêm não, viêm màng não, đau đầu nặng và còn ảnh hưởng cả đến thị giác.
- Bệnh ở mắt: viêm giác mạc, viêm dây thần kinh thị giác, viêm nhiễm ở mi mắt… Tỷ lệ biến chứng ở trẻ nhỏ thường cao hơn người lớn.
- Bệnh xương khớp: viêm cốt xương, tủy xương…
Viêm xoang gây ra nguy hiểm đối với sức khỏe nếu không được chữa trị, chẩn đoán kịp thời. Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, nên chọn giải pháp điều trị hiệu quả để tránh biến chứng nặng thêm.
Người bệnh cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị viêm xoang, đồng thời thực hiện tốt những lời khuyên về biện pháp phòng ngừa, nhất là khi trời lạnh hay khi thời tiết giao mùa.