Phá rừng đặc dụng khai thác vàng

24-08-2018 09:58:03

Để khai thác vàng với quy mô công nghiệp lớn, Công ty khoáng sản Thăng Long đã mở đường xuyên qua rừng đặc dụng, đổ đất đá thải, khai thác lấn vào đất rừng hàng chục ha, tự ý cải tạo xây dựng hệ thống đền chùa - không cấp phép.


Trụ sở của của Công ty khoáng sản Thăng Long ở giữa rừng đặc dụng

Hàng chục ha đất rừng đặc dụng bị “xẻ thịt”

Giữa rừng đặc dụng Thần Sa (Võ Nhai, Thái Nguyên) có một con đường to đẹp như đại lộ “rộng chừng 15 ha” dẫn thẳng vào Mỏ vàng của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long (Công ty khoáng sản Thăng Long).

Để làm được con đường này thì doanh nghiệp đã phải đổ ra đây hàng triệu mét khối đất đá thải từ quá trình bóc dỡ khai thác mỏ.

Phá rừng đặc dụng làm đường, đổ đất đá thải “miễn phí”, con đường được chính quyền hợp thức bằng việc gắn cho nó một cái tên nghe thật mỹ miều “con đường nông thôn mới”.

Có con đường đẹp, rừng đã trở thành phố, giữa rừng lại mọc lên quán karaoke phục vụ công nhân mỏ. Chủ mỏ tự ý xây đình, đền, chùa ngay sát khu văn phòng hoạt động của doanh nghiệp mà không cần xin phép.

Cả một vùng mỏ rộng lớn này đa phần đều thuộc diện tích rừng đặc dụng, thuộc diện được bảo tồn, nên cho dù biết rõ khu vực Bản Ná và cánh đồng Khắc Kiệm, nam Khắc Kiệm là cái “rốn vàng”, ở đây vàng nhiều đến mức “bất chấp” cả pháp luật bạt cả rừng đặc dụng để khai thác với quy mô công nghiệp.

Công ty khoáng sản Thăng Long được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép khai thác vàng sa khoáng tại khu vực Bản Ná, cánh đồng Khắc Kiệm và nam Khắc Kiệm.

Để khai thác vàng, doanh nghiệp này đã đưa hàng chục máy xúc ủi, xe tải có tải trọng lớn hoạt động đào đãi suốt ngày đêm. Gọi là khai thác lộ thiên nhưng với quy mô lớn nên moong đánh vàng của Công ty khoáng sản Thăng Long cũng khoét sâu xuống lòng đất hàng trăm mét tạo thành những hủng khổng lồ. 

Mỗi moong, hủng rộng tới vài héc ta. Đứng trên đỉnh núi Cô Tiên nhìn xuống Bản Ná thấy nơi đây như một đại công trường máy móc, phương tiện hoạt động rầm rập…


Moong khai thác vàng của Công ty khoáng sản Thăng Long

Khác hẳn cái thời “bưởng” vàng thổ phỉ thường chỉ dùng cuốc, thuổng đào xới "lem nhem", nếu có huy động đến hàng vạn con người làm quần quật quanh năm cũng chẳng bằng dàn máy xúc của doanh nghiệp đào bới một ngày. Chẳng thế mà chỉ sau vài năm doanh nghiệp được cấp mỏ, rừng đã thành bãi đất, núi đã thành hủng sâu!

Có con đường rộng, xe tải, máy xúc tha hồ ra vào bạt núi, xẻ rừng mà không hề có một sự cản trở ngại, ngay cả chủ rừng “cũng làm ngơ” như không hề hay biết.

Chưa dừng lại ở việc làm đường vào mỏ, doanh nghiệp còn xây dựng một quần thể gồm khu văn phòng, khu nhà sàn cho công nhân ở, khu tâm linh khá khang trang, rộng rãi hơn cả UBND huyện.


Khu tâm linh giữa rừng đặc dụng

Phía sau khu văn phòng, nhà sàn khủng, hoàn toàn làm bằng gỗ rừng tự nhiên là một quần thể kiến trúc tâm linh gồm: Đình thờ tướng Dương Tự Minh, Chùa thờ Phật và Đền thờ Mẫu nằm sát cạnh nhau. Được biết, khi xây dựng khu thờ phụng tâm linh này doanh nghiệp cũng tự ý làm không thông qua các cơ quan quản lý, chính quyền sở tại.

Ban quản lý rừng không biết

Ông Nguyễn Quang Lịch - GĐ Ban Quản lý Khu bảo tồn Thần Sa khẳng định phần đường bê tông đi qua “trước đây là rừng đặc dụng nhưng huyện, xã đã trình UBND tỉnh xin chuyển đổi thành rừng sản xuất và hiện nay toàn bộ hồ sơ đang nằm ở tỉnh.

Quanh co là vậy nhưng ông Lịch cũng không đưa ra được Quyết định chuyển đổi đất rừng đặc dụng thành rừng sản xuất, đặc biệt trên bản đồ 3 loại rừng của ông Lịch vẫn thể hiện con đường bê tông chạy vào mỏ Bản Ná chạy xuyên qua phần diện tích rừng đặc dụng chứ không có sự thay đổi như ông nói.

Về nội dung doanh nghiệp xây cả một khu quần thể kiến trúc tâm linh ngay sát chân núi đá, GĐ Lịch cũng chưa xác định được quần thể kiến trúc này có xâm hại đến khu rừng đặc dụng mà ông đang quản lý hay không.


 


Xe đoàn kiểm tra liên ngành theo chỉ đạo của tỉnh đỗ bên ngoài quán đặc sản thú rừng

Thậm chí, điểm moong khai thác rộng hàng ngàn m2, phá đường dân sinh của người dân xóm Xuyên Sơn vẫn được thể hiện trên bản đồ là đất rừng đặc dụng mà Ban quản lý vẫn coi như không biết “để chúng tôi cho kiểm tra lại”

Sau khi có bài báo “Mượn danh xây dựng nông thôn mới để phá rừng đặc dụng” đăng trên báo NNVN, ngày 20/8. Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nhữ Văn Tâm ký văn bản chỉ đạo các Sở ngành, UBND huyện Võ Nhai vào cuộc “xác minh làm rõ thông tin phản ánh trên báo nông nghiệp Việt Nam”.

Theo sự chỉ đạo phân công, ngày 23/8, Sở Nông Nghiệp do ông Nông Xuân Bắc, Phó Giám đốc sở cùng với Sở Tài nguyên, UBND huyện Võ Nhai, Kiểm lâm, Ban quản lý xuống thực địa tại Công ty khoáng sản Thăng Long để kiểm tra nhưng cho đến 15h cùng ngày phóng viên liên hệ làm việc với các cán bộ trong đoàn đi xác minh vẫn thấy ngồi trong quán nhậu “đặc sản thú rừng” cùng với doanh nghiệp.


Xem thêm: 
Hành trình từ tướng đến tội phạm của tướng Nguyễn Thanh Hóa​

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN //