Ông chủ TGDĐ Nguyễn Đức Tài: Tiêu sạch 1 tỷ ngay trong tháng đầu tiên start-up
Câu chuyện khởi nghiệp của ông chủ Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài cũng khó khăn như bao người khác: Tiêu sạch 1 tỷ đồng ngay trong tháng đầu tiên start-up vào năm 2004, mệt mỏi vì tiền ra đến đâu hết đến đó.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, Chủ tịch Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài từng kể câu chuyện mẹ ông vẫn thường bán xôi và bánh tráng cuốn dạo để nuôi gia đình. Những năm tháng khó khăn đã khiến ông nung nấu mục tiêu: có được cuộc sống tốt hơn so với bố mẹ mình.
Năm 2003, ông bỏ công việc giám đốc chiến lược tại một doanh nghiệp điện thoại và mở công ty riêng. Theo ông Tài, ông mở 3 cửa hàng nhỏ trong những con hẻm ở TP.HCM và thất bại sau vài tháng, vì địa điểm xấu và không thể chiếm được lòng tin từ khách hàng.
"Chúng tôi mất 1 năm để tìm kiếm ra mô hình kinh doanh chuỗi bán lẻ, nên thực hiện trong tâm thế tìm ra cái tạo nên giá trị cho một cộng đồng mà mình không ghét, tránh việc chỉ bám theo cái mình cho là đam mêm, hoặc thấy nó oai".
Suốt 6 tháng đầu năm 2004, ông Tài bắt tay vào tìm cộng sự và chuẩn bị những thứ cần thiết cho việc thử sức lại lần thứ hai. Lúc này, mục tiêu của vị doanh nhân này là chọn được những người tử tế có năng lực trung bình, tin và sẵn sàng đi theo leader thay vì săn người "có số má" nhưng thiếu tử tế.
"Đến năm 2004, anh thử thêm một lần nữa khi sáng lập Thế giới Di động cùng 4 người bạn. Lần này, cửa hàng được mở tại các phố lớn và bán các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng".
6 tháng còn lại của năm 2004 được xem là giai đoạn sống còn của công ty này, với mục tiêu duy nhất là tạo ra được ít nhất 1 đồng lợi nhuận. Đây cũng là thời kỳ R&D, doanh nghiệp liên tục thử sai và làm lại, tập trung vào lợi nhuận tức thì. Đây cũng là gia đoạn dễ bị thu hút bởi những thứ thời thượng , không mang lại kết quả ngay.
Ông Nguyễn Đức Tài. Ảnh: Internet
"Đó là 6 tháng rất mệt mỏi, bởi tiền ra đến đâu thì mất đến đó. Bỏ 1 tỷ đầu tiên ra, đốt sạch trong 1 tháng, 2 tháng; bỏ thêm 1 tỷ nữa ra thì cũng chuẩn bị đốt sạch luôn", ông chia sẻ.
Từ tháng 12/2004 đến tháng 6/2007, Thế giới Di động tập trung tăng doanh thu và lợi nhuận, tránh chiếc bẫy về lợi nhuận ngắn hạn mà đi lệch khỏi tầm nhìn. Khoảng 3 năm này MWG phát triển rất nhanh, một phần vì quy mô còn nhỏ. Sau đó, vào giai đoạn chuyển mình từ doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp lớn, Thế giới Di động tập trung xây dựng hệ thống quản trị, đội ngũ, với những vũ khí sắc bén và chiến binh máu lửa.
Cho đến nay, trong 8 tháng đầu năm 2019, có gần 18 triệu sản phẩm gia dụng và dụng cụ nhà bếp được bán ra tại các cửa hàng Điện máy Xanh và đóng góp cho Thế giới Di Động hơn 5.100 tỉ đồng doanh thu.
Theo báo cáo tình hình kinh doanh 8 tháng của CTCP Đầu tư Thế giới Di Động (Mã: MWG), công ty ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 68.855 tỉ đồng (tăng 17% so với cùng kì) và lợi nhuận sau thuế đạt 2.697 tỉ đồng (tăng 37%).
Như vậy, Thế giới Di Động đã thực hiện được 63% kế hoạch doanh thu và 76% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm. Thế giới Di Động cho biết, tháng 8 là thấp điểm nhất trong năm về cả doanh thu và lợi nhuận do đặc điểm thời tiết rơi vào mùa mưa bão và nhu cầu mua sắm của người dân thường giảm mạnh trong tháng 7 âm lịch.
Tuy nhiên, lợi nhuận riêng tháng 8 của Thế giới Di Động vẫn ghi nhận mức tăng 34% so với cùng kì năm ngoái. Như vậy, biên lợi nhuận ròng lũy kế sau 8 tháng của công ty ở mức 3.9%. Riêng mảng online đóng góp 13% trong tổng doanh thu và tăng trưởng 21% so với cùng kì năm trước.
Cuối tháng 8, công ty có 2.621 cửa hàng, tăng 91 cửa hàng so với cuối tháng 7. Trong đó, chuỗi Điện máy Xanh (ĐMX) có thêm 21 cửa hàng mới do cả mở mới và chuyển đổi; chuỗi Bách hóa Xanh (BHX) phát triển thêm 66 điểm bán và nâng tổng số cửa hàng lên 725; chuỗi "Điện Thoại Siêu Rẻ" có 10 cửa hàng thử nghiệm tại quận Gò Vấp, TP HCM.
Đối với mảng đồng hồ, tính đến hết ngày 31/8, Thế giới Di Động có 85 cửa hàng kinh doanh đồng hồ (so với 42 cửa hàng cuối tháng 7). Liên quan đến gia dụng, trong 8 tháng, đã có gần 18 triệu sản phẩm gia dụng và dụng cụ nhà bếp được bán ra tại các cửa hàng ĐMX và đóng góp cho Thế giới Di Động hơn 5.100 tỉ đồng doanh thu.
Trung bình mỗi tháng nhóm này đóng góp khoảng 650 tỉ đồng, tương đương với hơn 7% doanh thu của cả công ty. Theo Thế giới Di Động, mặc dù giá trị mỗi sản phẩm không cao nhưng những sản phẩm này đang mang lại biên lợi nhuận tốt cho công ty.
Với 725 cửa hàng tại thời điểm 31/8, chuỗi BHX đạt tổng doanh thu là 6.120 tỉ đồng, tăng 158% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đạt xấp xỉ 1,5 tỉ đồng/tháng (tính cho các cửa hàng khai trương trước ngày 1/8).
Trong tháng 8, BHX đã tiến ra khu vực Nam Trung Bộ với cửa hàng đầu tiên tại Bình Thuận. Chuỗi có 322 cửa hàng tại 15 tỉnh khu vực Nam Bộ ngoài TP HCM (chiếm 44% tổng số cửa hàng BHX).