Niềm hạnh phúc của cặp đôi ngồi xe lăn liều mình chữa vô sinh 4 năm
Hai vợ chồng tật nguyền mắc bệnh hiếm muộn đã quyết định đến với nhau và sinh con dù bị gia đình, bạn bè ngăn cản. Và cái kết sau 4 năm của họ khiến nhiều người ngạc nhiên.
Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời
Gặp vợ chồng chị Trương Thị Hà (sinh năm 1978) và anh Lê Văn Năm (sinh năm 1984, ở Thanh Hóa), đưa con ra Bệnh viện Nhi Trung ương chữa bệnh, tôi không khỏi bất ngờ bởi hình ảnh hai vợ chồng bị bại liệt phải ngồi xe lăn mới có thể di chuyển được nhưng vẫn có một bé trai kháu khỉnh.
Nhìn anh chị hạnh phúc là vậy, tuy nhiên khi hỏi đến mới biết để có được như ngày hôm nay là chuỗi ngày vất vả chiến đấu của 2 vợ chồng trong mấy năm liền.
Đi từ Thanh Hóa ra Hà Nội rất mệt, ngồi trong căn phòng trọ nhỏ được thuê tạm để đi lại chữa bệnh cho con, chị Hà tâm sự: “Tôi và anh ấy đến với nhau rất tình cờ, trong lần đi học lớp vi tính ở Hà Nội thì 2 người biết nhau, rồi cảm mến nhau từ lúc nào không hay. Sau khi anh ấy tốt nghiệp vào Nam làm, còn tôi ở lại học, cả 2 vẫn thư từ qua lại”.
Hai vợ chồng vô sinh ở Thanh Hóa ngồi xe với ước muốn có con. Anh Năm ngồi trên chiếc xe lăn, bên cạnh là xe lăn của vợ
Từ lúc chị Hà và anh Năm yêu nhau cho đến khi quyết định xây dựng mái ấm riêng, cả hai đều gặp phải sự ngăn cản của gia đình đôi bên bởi mọi người nghĩ anh chị tật nguyền làm sao có thể chăm sóc nhau.
Cuối cùng thì “trời không chịu đất thì đất phải chịu trời”, vào cuối năm 2012 một đám cưới với 2 chiếc xe lăn được diễn ra trong niềm vui mừng chúc tụng của họ hàng hai bên.
Hai vợ chồng tật nguyền vui vẻ bên con trai hơn 3 tháng tuổi
“Dù lớn hơn anh ấy 6 tuổi nhưng đồng cảnh ngộ nên tôi có suy nghĩ thoáng hơn. Trong khoảng thời gian yêu nhau, tôi và anh ấy có rất nhiều kỷ niệm. Có lần 8/3, anh ấy dành dụm tiền mua tặng tôi một bó hoa to, lúc đó xúc động lắm! Rồi đến khi tôi ốm, anh ấy lăn xe đi mua cháo, chăm sóc tôi từng li từng tí, cứ như vậy tình yêu cả 2 ngày càng trở nên sâu đậm. Tình cảm của 2 chúng tôi lớn lên theo từng lần gọi điện, từng cái tin nhắn hỏi thăm”, chị Hà kể lại kỉ niệm.
Sau khi kết hôn, 2 vợ chồng anh chị quyết định sẽ sinh con, lại một lần nữa cả 2 gặp phải sự ngăn cản từ gia đình, bạn bè. Nhưng rồi, với ước muốn có con mãnh liệt để về già không khỏi cô đơn, anh chị đã quyết tâm thực hiện.
Hai vợ chồng chị Hà chữa vô sinh hiếm muộn cuối cùng cũng sinh hạ được bé trai
Khi quyết định đưa ra, cả 2 vợ chồng đi khám sức khỏe sinh sản. Lúc đó các bác sĩ thông báo anh Năm bị hiếm muộn, không thể có con tự nhiên được.
“Nhận hung tin đó, cả 2 buồn vô cùng nhưng rồi chúng tôi vẫn quyết tâm phải sinh con. Chúng tôi quyết định sẽ thụ tinh nhân tạo nên cả 2 vợ chồng lại khăn gói ra Bệnh viện Nam học ở Hà Nội. Thế nhưng, khi nhìn thấy 2 vợ chồng, các bác sĩ đã khuyên nhủ chúng tôi không nên có con”, chị Hà nhớ lại.
Sau nhiều lần tiếp xúc, tâm sự với các bác sĩ, thấy được sự quyết tâm mong mỏi con của 2 vợ chồng nên các bác sĩ đã tiến hành thực hiện thụ tinh nhân tạo cho chị Hà.
4 năm chạy chữa vô sinh và cái kết bất ngờ
“Tôi bị cong vẹo cuộc sống nên khả năng đậu thai và giữ được con là rất khó khăn. Sau 2 lần chuyển phôi thất bại, vợ chồng tôi vẫn kiên trì chờ đợi, cuối cùng tôi cũng chuyển được 4 phôi và may mắn đậu được 1 phôi. Lúc đấy, cả hai vợ chồng tôi mừng lắm, cuối cùng sau 4 năm chạy chữa cả 2 cũng có được con”, chị Hà nhìn chồng nói.
Tuy nhiên, cùng với hạnh phúc có được con cũng chính là lúc chị Hà phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn. Những tháng đầu mang thai chị không di chuyển được, phải nằm hoặc ngồi im một chỗ.
Hai vợ chồng tật nguyền vui vẻ bên con trai sau 4 năm chạy chữa vô sinh
“Trong thời gian mang bầu tôi dường như không hoạt động gì và lúc nào cũng lo lắng, chỉ sợ bị sẩy thai hay đẻ non. Phải đến tháng thứ 8 tôi mới yên tâm được chút”, chị Hà chia sẻ.
Chuỗi ngày mang thai của chị Hà là hàng vạn những khó khăn, chị Hà không di chuyển được, đứng lại càng không nên chị chỉ có thể ngồi. Bình thường, mọi sinh hoạt, từ tắm gội, mặc quần áo… phải có người giúp.
Chị Hà chia sẻ về quá trình chạy chữa vô sinh và nuôi con
Rồi những lần đi kiểm tra sức khỏe thai kỳ, gia đình và nhân viên y tế luôn túc trực bên cạnh để nhấc chị lên giường bệnh hay bế chị xuống.
Nhìn con trai đang ngủ ngoan, anh Năm kể lại: “Từ khi chạy chữa và sinh con đến nay vợ chồng tôi vay mượn hai bên nội ngoại cũng lên đến 400 triệu. Khi vợ tôi chuyển dạ, các bác sĩ bảo phải mổ ngay, ấy thế mà cô ấy vẫn bị sập phổi do mang thai ngồi, phải chuyển sang khoa cấp cứu điều trị 1 tuần. Còn con trai tôi khi sinh ra cháu được 2,6kg, nhưng hậu môn có vấn đề, các bác sĩ phải phẫu thuật lắp hậu môn giả ở gần bụng cho cháu”.
Khi cháu trai chào đời, hai bên nội ngoại rất vui mừng, anh chị đặt tên con là Lê Trương An Phúc với mong muốn con trai sau này sẽ an yên, hạnh phúc.
Tuy nhiên, cháu bé lại mắc phải căn bệnh không có hậu môn nên phải ra Hà Nội phẫu thuật
Sau bao nhiêu khó khăn, vất vả với hành trình chữa trị để có con, giờ đây anh chị đã đạt được ước nguyện. Nhưng với những khiếm khuyết về mặt hình thể nên việc chăm con của chị Hà gặp phải rất nhiều khó khăn. Chị không thể tắm giặt, thay bỉm cho con, không nựng con được mỗi khi bé quấy khóc.
“Một tay vợ tôi không cầm được vật nặng, nên cô ấy không thể ngồi xe lăn bế con, lúc nào muốn bế phải lên giường đặt một chiếc gối để đỡ mới bế được. Cũng vì vậy mà cả 2 vợ chồng tôi phải thuê người phụ giúp trông em bé”, anh Năm cho biết.
Sau khi sinh con được hơn 3 tháng, vợ chồng chị Hà lại khăn gói từ Thanh Hóa ra Hà Nội để chữa hậu môn cho con bởi bây giờ cháu Phúc phải đi bằng hậu môn giả lắp ở gần bụng nên rất khó khăn.
Đến với nhau từ hai bàn tay trắng, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng anh chị đã cố gắng vun đắp, xây dựng tổ ấm mới. Dù vẫn còn chông gai phía trước, bộn bề lo toan, chi phí chữa chạy cho cháu bé cũng đang là gánh nặng cho 2 anh chị nhưng họ vẫn lạc quan, yêu đời.
Trong buổi tối muộn, lúc tôi chia tay đôi vợ chồng đầy nghị lực này cũng là lúc họ khép cửa ăn vội bữa cơm. Hình ảnh anh Năm đưa người lên chiếc xe lăn lấy cơm cho vợ rồi lấy sữa cho con, còn chị Hà nhìn con từ xa, trò chuyện với con bình dị mà thật khó quên.