Những tồn đọng 'cản đường' phát triển của giáo dục y tế Ấn Độ

02-12-2022 10:34:14

Giáo dục y tế tại Ấn Độ đã vấp phải nhiều chỉ trích khi hàng nghìn sinh viên nước này buộc phải ra nước ngoài học tập.


Một giờ học thực hành của sinh viên y khoa Ấn Độ.

Dù chính phủ đã và đang cố gắng nâng cao chất lượng giáo dục y tế, lĩnh vực này vẫn còn nhiều tồn đọng.

Từ năm 2019, anh Vishwanath Kumar đã cố gắng thi vào một trường cao đẳng y tế tại Ấn Độ và theo đuổi sự nghiệp bác sĩ phẫu thuật. Cho đến nay, chàng trai 21 tuổi vẫn chưa thành công. Trong kỳ thi đại học năm 2022, anh Kumar thiếu 36 điểm để vào trường mong muốn và đang ôn tập để thi lại lần cuối cùng.

“Tôi đã ước mơ trở thành bác sĩ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tôi hy vọng bản thân có thể vượt qua quãng thời gian này”, anh Kumar nói.

Anh Kumar nằm trong số hàng triệu sinh viên cố gắng hết sức thi vào các trường y tại Ấn Độ. Cuộc cạnh tranh khốc liệt càng được thể hiện rõ nét khi du học sinh từ Ukraine, Trung Quốc trở về nước vì không thể tốt nghiệp do chiến tranh và dịch Covid-19.

Đầu tháng 2, khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Chính phủ Ấn Độ đã sơ tán sinh viên khỏi nước này. Nhưng từ tháng 10, bất chấp cảnh báo từ chính phủ, du học sinh Ấn Độ vẫn âm thầm trở lại Ukraine học tập. Ước tính, khoảng 1.500 người đến Ukraine để hoàn thành bằng cử nhân y khoa.

Bối cảnh trên đặt ra câu hỏi tại sao rất nhiều sinh viên từ Ấn Độ phải ra nước ngoài học y hàng năm. Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng này và là cảnh báo đối với giáo dục y tế tại Ấn Độ.

Đầu tiên, đất nước này có quá đông sinh viên nhưng lại quá ít chỉ tiêu.

Hàng năm, trung bình có khoảng 1,7 triệu thí sinh tham gia Kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học y khoa Ấn Độ (NEET) nhưng chỉ 80 nghìn người trúng tuyển. Số lượng chỉ tiêu này phân bổ cho khoảng 600 trường đại học, cao đẳng y tế công lập lẫn tư thục.

Những thí sinh không trúng tuyển lựa chọn ra nước ngoài học tập. Hàng năm, khoảng 20.000 – 25.000 sinh viên di chuyển đến Nga, Ukraine, Trung Quốc và Philippines để theo đuổi ngành y.

Bên cạnh cuộc cạnh tranh khốc liệt, học phí cũng là vấn đề được nhiều sinh viên quan tâm. Trung bình, học phí một năm của các trường đại học Ấn Độ là 120 nghìn rupee (khoảng 34,6 triệu đồng), trong khi tại các trường tư thục, học phí có thể lên tới 10 triệu rupee một năm. Trong khi đó, nhiều cơ sở giáo dục nước ngoài chỉ tính phí 2,5 triệu rupee một năm.

Ngoài ra, bài kiểm tra NEET cũng nhiều lần bị chỉ trích vì “không thể đánh giá khả năng suy luận, kỹ năng xã hội và hành vi của thí sinh”. Kỳ thi này cũng làm nổi bật sự bất bình đẳng trong giáo dục khi thí sinh nhà giàu được phụ huynh đầu tư mọi nguồn lực để ôn luyện.

Trước những phản ánh trái chiều trên, Chính phủ Ấn Độ đã thực hiên nhiều cải cách nhằm cải thiện giáo dục y tế.

Học phí của các trường tư thục cũng đang được Tòa án Tối cao Ấn Độ xem xét lại. Chính phủ Ấn Độ đã khuyến khích các trường công phối hợp với khu vực tư nhân để nâng cao chất lượng đào tạo.

Chính phủ đồng thời mở rộng số lượng trường y. Khoảng 94 trường mới đang trong giai đoạn hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Nhưng theo báo cáo vào tháng 9 về giáo dục y tế Ấn Độ, số lượng thí sinh tham gia kỳ thi NEET đã tăng 100% trong 5 năm qua. Chỉ khoảng 23 nghìn chỉ tiêu mới được bổ sung qua việc thành lập 37 trường trong 5 năm qua.

Tốc độ mở rộng quy mô trường lớp đã không theo kịp với tốc độ gia tăng thí sinh trong kỳ thi. Việc mở rộng chỉ tiêu cũng có thể gây ra tình trạng dư thừa lao động.

Tú Anh - Theo ST
Theo Giáo dục & Thời đại //