Những sự thật thú vị ít biết về chỉ số IQ của con người

08-01-2018 10:31:21

Khá bất ngờ, chỉ số IQ của con người không phải là yếu tố quyết định tới sự thành công của mỗi người.

Chỉ số IQ là gì?

Chỉ số IQ hay còn gọi là chỉ số thông minh là khái niệm dùng để gọi trí thông minh lỏng và trí thông minh kết tinh của con người.

Có nhiều hình thức thực hiện các bài kiểm tra IQ khác nhau, tuy nhiên hầu hết trong số đó đều hướng tới mục tiêu phân tích khả năng ngôn ngữ, toán học, xử lý hình ảnh cũng như trí nhớ và tốc độ xử lý thông tin của mỗi người.

Kết quả đánh giá các khả năng này cùng với một số bài kiểm tra phụ sẽ được kết hợp và tổng kết thành chỉ số IQ. Chỉ số IQ trung bình của con người là 100, người Do Thái có chỉ số thông minh cao nhất thế giới với chỉ số trung bình là 110.

Chỉ số IQ không nói lên tất cả

Khá bất ngờ, theo các nhà khoa học, chỉ số thông minh IQ không đánh giá trí thông minh thực tế của con người hay đánh giá khả năng thực hiện các công việc trong cuộc sống của họ theo hướng thành công hay thất bại.

Theo Richard Nisbett, một giáo sư tâm lý tại Đại học Michigan, Mỹ, IQ không đánh giá được tính sáng tạo hay sự tò mò của con người, cũng không đánh giá chính xác khả năng hoàn thành công việc một cách hiệu quả của mỗi người.


Chỉ số IQ của con người phụ thuộc nhiều vào giáo dục. Ảnh: Internet

Chỉ số IQ cũng không thể được áp dụng như một tiêu chuẩn để các giáo viên và phụ huynh đánh giá cảm xúc, khả năng học tập của những đứa trẻ.

Chỉ số IQ có thể thay đổi theo thời gian

Có rất nhiều yếu tố khiến chỉ số IQ của con người thay đổi theo thời gian như tình sức khỏe, dinh dưỡng, ngoài ra môi trường, giáo dục cũng góp phần thay đổi chỉ số IQ của con người.

Nghiên cứu của giáo sư Nisbett cho thấy những đứa trẻ sinh sống ở điều kiện kinh tế xã hội thấp nhưng được nhận nuôi và sinh sống trong các gia đình trung lưu sẽ có thể tăng chỉ số IQ thêm 15-20 điểm.

Đặc biệt những đứa trẻ sinh sống ở những nước có kinh tế phát triển hơn cũng có chỉ số IQ trung bình cao hơn so với những đứa trẻ sinh tại đất nước có nền kinh thế kém phát triển.

Chỉ số IQ không quyết định thành công hay thất bại

Theo Van Gemert, chỉ số IQ thấp hay cao không phải là yếu tố quyết định tới khả năng thất bại hay thành công của mỗi người trong công việc và cuộc sống.

Những thói quen tốt, sự kiên trì và thái độ làm việc nghiêm túc cũng quan trọng không kém trí thông minh bẩm sinh, nó cũng góp phần làm tăng chỉ số IQ của con người theo thời gian.

Thậm chí, nếu không tự phát triển các phẩm chất và năng lực bản thân, không thường xuyên trau dồi và áp dụng vào thực thế thì trí thông minh vốn có của mỗi người sẽ trở nên lãng phí, thậm chí là thui chột.

N.P (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //