Những rào cản người mua nhà gặp phải khi tiếp cận nhà ở xã hội
Đề án "xây dựng ít nhất 1 triệu nhà ở xã hội" đang được các Bộ, ngành ráo riết triển khai, hứa hẹn phân khúc này sẽ là "chủ lực" của thị trường bất động sản trong thời gian tới. Tuy nhiên, từ doanh nghiệp lẫn người mua vẫn gặp rào cản khi tiếp cận nhà ở xã hội.
Theo một nghiên cứu của Batdongsan.com.vn thực hiện trên 1.000 người thuộc nhóm đối tượng có thu nhập dưới 20 triệu đồng/tháng, về việc họ phản ứng ra sao với thông tin về các dự án nhà ở xã hội năm 2023. Trong đó, chỉ có khoảng 26% số lượng người cho biết họ đang tích cực tìm kiếm thông tin về dự án nhà ở xã hội; 27% trong đó bị động chờ đợi thêm thông tin rồi mới tính toán và 24% cho biết họ không kỳ vọng nhiều vào sự chuyển biến của nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, ở nhóm đối tượng có thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng, có đến 36% số lượng người chia sẻ sự hào hứng với thông tin, tích cực tìm kiếm dự án và mong muốn có những chính sách phù hợp để họ tiếp cận được nhà ở xã hội. Về những thách thức khi tiếp cận nhà ở xã hội, 52% số lượng người thừa nhận có quá nhiều thủ tục, giấy tờ cần thực hiện để đăng ký mua nhà ở xã hội. Việc xét duyệt đủ điều kiện mua nhà cũng quá khó khăn. Bên cạnh đó, 38% số lượng người cho rằng nhà ở xã hội vẫn có mức giá chênh quá cao, lãi suất vay không hấp dẫn.
Mức lãi suất áp dụng cho gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được giới chuyên môn đánh giá là còn khá cao. Đối với khách hàng là người thu nhập thấp (không phải đóng thuế) và lao động tại các khu công nghiệp, mức lãi suất từ gói vay ưu đãi trên vượt khả năng tài chính của họ. Do đó, các chuyên gia đều nhận định quy định mức thu nhập để xác định người mua nhà ở xã hội đang là rào cản lớn.
Đối với với những hộ nghèo và cận nghèo thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội nhưng thu nhập lại không đủ để trả tiền vay mua nhà ở xã hội hàng tháng sau khi trừ đi chi phí sinh hoạt. Bởi vậy, hầu hết những đối tượng này không dám mua nhà ở xã hội.
Người mua nhà ở xã hội gặp khó khăn vì rào cản thủ tục pháp lý (Ảnh: VN)
Bên cạnh đó, việc giới hạn đối tượng người mua nhà phải có hộ khẩu tại địa phương bán nhà ở xã hội cũng là trở ngại. Điều này tạo khó khăn khi mà các thành phố có số lượng người lao động nhập cư lớn sinh sống và làm việc như Hà Nội và TP.HCM, những nơi có rất đông nhu cầu về nhà ở.
Không chỉ người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội gặp trở ngại mà những doanh nghiệp muốn xây dựng nhà ở xã hội cũng gặp rào cản. Trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa thể sớm hồi phục, nhiều tập đoàn bất động sản lớn hướng đến xây dựng nhà ở xã hội là động thái tích cực giúp cân bằng và ổn định lại thị trường. Tuy nhiên số lượng dự án nhà ở xã hội hiện nay được đánh giá là còn khá ít ỏi, lượng doanh nghiệp tham gia sân chơi này chưa nhiều như kỳ vọng.
Các chuyên gia nhận định nhiều doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội không dễ dàng và phải đối mặt với thách thức. Khó khăn đầu tiên là khách hàng chưa tiếp cận được ưu đãi chính sách gói 120.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay vẫn chưa phù hợp với đại đa số người có nhu cầu mua nhà.
Thoe bà Trang Bùi, TGĐ Cushman & Wakefield, làm nhà ở xã hội cũng là bước vào đường đua đầy thử thách do biên lãi không cao (giới hạn 10%), gần tương đương lãi suất huy động của ngân hàng nên khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tính bài toán đầu tư và vận hành.
"Pháp lý làm nhà ở xã hội khó tương đương nhà ở thương mại, giá bán và đối tượng bán phải theo quy định. Điều này lý giải vì sao trước đây số doanh nghiệp xây nhà ở xã hội đếm trên đầu ngón tay, ít có đơn vị nào mặn mà làm nhà ở xã hội khi thị trường nhà đất nóng sốt", bà Trang Bùi nhận định.
Để thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội, các chuyên gia cũng kiến nghị ngân hàng nên tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi dành cho dự án; giải quyết những vướng mắc trong thủ tục pháp lý liên quan dự án, tinh giản quy trình xét duyệt dự án để giảm áp lực chi phí tăng cao. Ngoài ra cũng nên mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội bao gồm cả những người có thu nhập từ 15 – 20 triệu đồng/tháng; tạo điều kiện cho những người có nhu cầu sinh sống khu vực lân cận vẫn có quyền mua nhà.