Nhiều bộ ngành không chịu giao trụ sở cũ cho Hà Nội
Thay vì bàn giao, quỹ đất sau di dời của các bộ ngành được sử dụng làm cơ sở 2 hoặc lập dự án đầu tư xây dựng kinh doanh, thương mại...
Dù đã có trụ sở mới khá bề thế trên phố Tôn Thất Thuyết (Cầu Giấy), song Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn không giao lại trụ sở cũ 83 Nguyễn Chí Thanh cho Hà Nội.
“Công tác di dời trụ sở các bộ ngành, cơ sở công nghiệp, giáo dục, y tế hiện đang diễn ra quá chậm, thậm chí một số bộ ngành đã di chuyển nhưng vẫn giữ lại trụ sở cũ hoặc lập dự án đầu tư kinh doanh thương mại”.
Báo cáo giám sát của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội về công tác quy hoạch, xây dựng và trật tự đô thị công bố ngày 31/10, cho thấy có khá nhiều vấn đề tồn tại trong công tác quản lý đô thị mà trước mắt là các nội dung thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố.
Theo báo cáo của Ban Đô thị Hội đồng Nhân dân thành phố, một trong những tồn tại đáng quan tâm là việc chậm di dời các cơ sở công nghiệp, cơ sở giáo dục, y tế ra khỏi nội thành theo chủ trương của Chính phủ.
Cụ thể, Thủ tướng đã có Quyết định 130 giao các bộ, ngành xây dựng danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ quan, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế ra khỏi 12 quận nội thành.
Tuy nhiên, đến nay nội dung này chưa được các bộ, ngành triển khai tích cực để trình Thủ tướng phê duyệt. Do vậy, việc đề xuất sử dụng quỹ đất sau di dời để xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội của thành phố Hà Nội tại thời điểm này chưa thực hiện được.
Không ít cơ quan đơn vị đã thực hiện di dời tuy nhiên quỹ đất sau di dời được sử dụng làm cơ sở 2 hoặc lập dự án đầu tư xây dựng kinh doanh, thương mại, không bàn giao quỹ đất sau di dời cho thành phố để quản lý, khai thác bổ sung hạ tầng xã hội và kỹ thuật…
Công tác di dời các cơ sở công nghiệp cũng còn manh mún do gặp khó khăn về tài chính, cơ chế chính sách hỗ trợ, hình thức di dời, việc bàn giao quỹ đất sau di dời cho thành phố..
Theo tìm hiểu của VnEconomy, hiện nay một số Bộ như: Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ…đã xây trụ sở mới tại các địa điểm được quy hoạch.
Tuy nhiên, hầu hết các cơ quan này đều đang giữ lại trụ sở cũ để làm cơ sở 2 hoặc tính toán đầu tư dự án kinh doanh.
Trả lời báo chí trước đây về việc giữ lại trụ sở cũ, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nói rằng, việc Bộ này vẫn giữ lại trụ sở cũ ở Nguyễn Chí Thanh là do Bộ được giao quản lý thêm 3 lĩnh vực nên công năng trụ sở mới không đáp ứng đủ.
Một hạn chế khác được đoàn giám sát của Hội đồng Nhân dân thành phố chỉ ra là việc lập đồ án quy hoạch chi tiết các trục đường giao thông mới mở trên địa bàn thành phố còn kéo dài.
Việc thực thi theo đồ án sau khi được phê duyệt chưa đáp ứng được mục tiêu, chưa đồng bộ quy hoạch hai bên đường với kế hoạch mở đường, vẫn phát sinh các trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo” dẫn đến thiếu đồng bộ về cảnh quan khi mở đường.
Trên thực tế, phạm vi lập quy hoạch (tối thiểu 50m mỗi bên) đã được tuân thủ trong đồ án quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, song đến nay chưa có tuyến đường nào thực hiện thu hồi đất hai bên đường đồng thời với dự án mở đường.
Cùng với đó, chủ trương cải tạo các khu chung cư cũ trên địa bàn cũng được các đơn vị chức năng thực hiện ì ạch, quá chậm trễ.
Giải trình các nội dung trên với đoàn giám sát chiều 31/10, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội Lê Vinh cho rằng vấn đề di dời các cơ sở bệnh viện ra ngoại thành, trong vài năm gần đây đã có 6 đề xuất của 6 bệnh viện chuyển cơ sở hiện có trong nội thành thành cơ sở nghiên cứu hoặc trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao.
Một số đơn vị đã có cơ sở 2 ở ngoại thành để giãn cơ sở 1. Thành phố cũng đang chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu Sở phối hợp với các bộ ngành thúc đẩy thực hiện công tác di dời.
Đối với việc chậm cải tạo chung cư cũ có rất nhiều nguyên nhân trong đó do chính sách quy hoạch chưa đồng bộ.
Hiện các đơn vị vẫn tập trung tại 4 quận trung tâm, chủ yếu đã hết niên hạn sử dụng. Tuy nhiên, vướng mắc này đã được thành phố tháo gỡ bằng việc đã có chỉ định 19 nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết.
Hiện toàn Hà Nội có 28 khu chung cư cũ, trong đó 25 khu đã có chủ trương, hiện Sở đang hướng dẫn các chủ đầu tư triển khai. Với khu Giảng Võ là hai khu độc lập, khu 148 là quỹ đất đối ứng để chủ đầu tư lấy vốn xây dựng khu triển lãm quốc gia mới. Khu Giảng Võ là khu cải tạo chung cư cũ hoàn toàn độc lập.
Đối với tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, đầu năm nay qua kiểm tra trên địa bàn 11 quận huyện kiểm tra phát hiện 552 trường hợp siêu mỏng siêu méo, trong đó đã giải quyết 338, còn 214, hiện không phát sinh mới.
Đoàn giám sát Hội đồng Nhân dân thành phố yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc phải giám sát, tham mưu cho UBND thành phố trong lĩnh vực quy hoạch, trong đó phải làm rõ việc lấy quỹ đất di dời các cơ sở giáo dục, y tế trên địa bàn thành phố làm cơ sở 2.
Cùng với đó cũng phải làm rõ trách nhiệm của chính Sở Quy hoạch Kiến trúc đối với những tồn tại trên.