Nhận diện rau củ Việt Nam - Trung Quốc

13-11-2016 09:01:34

Hành tây vỏ xanh, cà chua to, bóng loáng, không có cuống; cà rốt to, gốc đen xỉn vì để lâu ngày... đích thị là rau củ Trung Quốc.

Khi mà ngày càng nhiều rau củ quả của Trung Quốc chứa nhiều hóa chất độc hại đang tràn lan trên thị trường, thì việc làm thế nào để có một bữa cơm gia đình đảm bảo là một trong những câu hỏi khá đau đầu của hầu hết các bà nội trợ.

Tuy nhiên, việc phân biệt được rau, quả Trung Quốc cũng không phải là khó, chỉ cần bạn tinh ý và nhớ kỹ một số cách phân biết chúng dưới đây, là bạn đã có thể yên tâm lựa chọn thức ăn cho bữa cơm gia đình.

Tỏi Trung Quốc (trái) thường nhiều tép, củ to, vỏ mỏng, rất dễ bóc, có vị hăng, the. Tỏi ta có nhiều loại song củ nhỏ, khó bóc, vị thơm rất đặc trưng.

 

Hành Trung Quốc (trái) củ to, chỉ có một tép, không thơm, vỏ mỏng.  Hành ta thường cỏ vài tép trên một củ, rất thơm, lớp vỏ dày.

 

Gừng Trung Quốc: Củ to, tròn, da trơn láng, mịn màng, thân mọng nước, củ to, đều, ít đường vân, ít nốt sần sùi, được vệ sinh rất sạch sẽ, rất dễ bóc vỏ, màu vàng nhạt. Lõi gừng Trung Quốc ít xơ, đường vân nhợt hơn.

Gừng Việt Nam: Vỏ xỉn màu, nhiều rễ và nốt sần sùi, bẻ đôi củ sẽ thấy có đường gân bên trong, có vị thơm đậm, cay nồng. Phần lõi gừng ta có nhiều xơ, đường vân tròn rõ nét.

 

Bắp cải Trung Quốc: Trái nhỏ, hình tròn, lá bao bên ngoài màu xanh đậm, lá cuốn không chặt, rất dễ bóc, khi cắt đôi ra các lá không bó sát vào nhau, kết cấu rất lỏng lẻo.

Bắp cải Đà Lạt: Trái to, hình tròn dẹp, lá bao bên ngoài có màu xanh nhạt, lá cuốn chặt, khó bóc, khi cắt đôi ra các lá bó sát vào nhau, kết cấu rất chặt chẽ.

 

Hành tây Trung Quốc: Có vỏ bóng, ít sần sùi, độ đồng đều cao hơn hành tây Đà Lạt. Khi cắt củ hành ra có màu trắng hơi xanh.

Hành tây Đà Lạt: Có củ to, vỏ lụa ngoài màu trắng, dễ trầy xước, khi cắt củ hành ra thì màu trắng.

Súp lơ Trung Quốc: Thường có màu xanh đậm hơn, các múi to, búp lơ đều nhau, mịn, cuống màu xanh đậm.

Súp lơ Đà Lạt: Có búp vừa phải, hoa lơ ít đồng đều, có sự sần sùi, cuống súp lơ có màu xanh nhạt, thường có phần thân và phần bông to hơn so với lơ Trung Quốc.

Khoai tây Trung Quốc có vài loại, trong ảnh (trái) là giống khoai ruột trắng ăn nhạt, sượng. Khoai tây Đà Lạt (phải) vỏ mỏng, dễ bong tróc, mắt khoai nhỏ, ruột vàng, ăn bở.

Cà rốt Trung Quốc: Bóng loáng, củ đều, to không có cuống hay đầu thường đen do để lâu, màu đỏ tươi đậm màu hơn so với cà rốt Đà Lạt

Cà rốt Đà Lạt: Củ nhỏ, tươi mới và thường có cuống, có rễ nhỏ li ti trên thân, củ màu hồng nhạt ngả sang vàng.

Cà chua Trung Quốc: Trái bao giờ quả cũng to, bóng đều, không cuống vì sử dụng chất bảo quản rất lâu.

Cà chua Việt Nam: Thường có cuống, tươi hơn. Cà chua Vĩnh Phúc quả nhọn, nhỏ hơn hẳn cà chua Trung Quốc.

 

Bí đỏ Trung Quốc: Có kích thước lớn, quả dài, vỏ ngoài bóng và đẹp.

Bí đỏ Việt Nam: Có kích thước nhỏ, vỏ ngoài sần sùi và hình dáng méo mó.

Cải thảo Trung Quốc: Có hình thon dài và có màu xanh đậm.

Cải thảo Việt Nam: Tròn trịa, màu nhạt.

Hồng Trung Quốc: Quả tròn đều, to dẹt hơi vuông, có bốn khía. Kích thước to và đều nhau. Vỏ bóng đẹp, màu đỏ cam tươi, đậm, thường không có vết xước.

Hồng Việt Nam: Quả có hình dạng tròn, dẹt trơn (giống trứng gà), phần cuống có nhiều đốm đen, không có rãnh. Vỏ có màu nhạt và có vết thâm.

 

Tiểu Nghi (T/h)
Theo Đời sống Plus //