Nguyên nhân và cách điều trị chứng mẩn ngứa toàn thân
Mẩn ngứa toàn thân có rất nhiều nguyên nhân gây ra. Thông thường, mẩn ngứa toàn thân không gây nguy hiểm nhưng vẫn tạo cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
Mẩn ngứa toàn thân là một trong những chứng bệnh rất nhiều người thường xuyên gặp phải. Triệu chứng của bệnh thường là các vết mẩn, rôm sảy, mề đay, phát ban màu đỏ nổi lên trên da do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhìn chung mẩn ngứa không gây nguy hiểm tới sức khoẻ nhưng vẫn tạo cảm giác ngứa ngáy, khó chịu và làm mất thẩm mỹ.
Nguyên nhân
Mẩn ngứa toàn thân có rất nhiều nguyên nhân gây ra
Mẩn ngứa xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, tuy nhiên đều bắt nguồn từ việc lượng histamin do tế bào tiết ra tăng quá nhanh. Điều này sẽ tác động đến tế bào thần kinh, gây cảm giác ngứa trên các vùng da hoặc toàn thân tuỳ vào lượng và vị trí histamin tiết ra. Triệu chứng của việc lượng histamin tăng đột biến là khó thở, phế quản co thất, phù nền, nổi mẩn, phát ban, gây ngứa,… Một số nguyên nhân cơ bản gây chứng mẩn ngứa bao gồm:
Mề đay mẩn ngứa
Mề đay mẩn ngứa là một trong những căn bệnh gây ngứa ngáy toàn thân. Triệu chứng của bệnh là việc da xuất hiện vô số mảng đỏ tập hợp từ các vết mẩn sưng, ngứa. Mề đay mẩn ngứa khiến người bệnh rất khó chịu và tự ti.
Bệnh gan
Như đã nói ở trên, thông thường mẩn ngứa toàn thân không gây nguy hiểm đến sức khoẻ nhưng đôi khi nó cũng là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang gặp phải vấn đề nguyên trọng. Chẳng hạn nếu gan bị tổn hại sẽ không thể thực hiện quá trình thải độc cho cơ thể. Lượng độc đọng lại trong cơ thể tăng lên, tích tụ dưới da lâu ngày sẽ gây ngứa dữ dội khắp người. Như vậy, nếu bị ngứa ngáy toàn thân lâu ngày, nên đi khám sức khoẻ để biết liệu gan có bị bệnh gì hay không.
Tuyệt đối không tự ý gãi khi bị mẩn ngứa toàn thân
Dị ứng
Dị ứng là nguyên nhân phổi biến nhất gây nên hiện tượng mẩn ngứa toàn thân. Có rất nhiều lý do gây dị ứng như thời tiết, sử dụng thuốc, thực phẩm, vải vóc. Đặc biệt, thời tiết lạnh sẽ khiến cảm giác ngứa ngáy tăng lên rất khó chịu. Có những người bị dị ứng chỉ xuất hiện mẩn ngứa ở một vùng da nhất định. Có trường hợp nặng hơn, vết mẩn ngứa lây lan khắp người rất nhanh và có thể kèm theo mụn nhọt. Vì vậy, nếu bị dị ứng lâu ngày nên đi khám để được tư vấn, phát thuốc hợp lý.
Cách chữa trị
- Để bệnh không để lại hậu quả như sẹo, vết thâm hoặc nặng hơn, gây lở loét, cần nhớ tuyệt đối không gãi vùng da bị ngứa. Dù ngứa đến đâu cũng không được gãi. Việc gãi ngứa chỉ làm giảm cảm giác ngứa nhất thời, sau đó lại càng thấy ngứa ngáy dữ dội.
Thêm vào đó, gãi ngứa nhiều có thể khiến vết mẩn lan rộng, bị lở loét nhiễm trùng và để lại vết sẹo, vết thâm. Để đỡ ngứa, có thể đi tắm nước ấm nhưng không được chà xát mạnh, kỳ cọ quá kỹ, không sử dụng sữa tắm, xà bông, nên tắm nhanh khoảng 5 – 10 phút mà thôi.
Nếu mẩn ngứa toàn thân kéo dài, nên đi khám bác sĩ
- Tắm xong nên kết hợp sử dụng thêm kem dưỡng ẩm, da càng khô thì cảm giác ngứa ngáy càng tăng gấp bội. Khi bị mẩn ngứa, tránh đi ra ngoài đường hoặc phải mặc áo chống nắng, đội mũ để ánh nắng và khói bụi không tiếp xúc với da.
- Tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, cà phê, thuốc lá khi bị mẩn ngứa. Tăng cường bổ sung vitamin, trái cây, rau củ và uống nhiều nước.
- Tập luyện thể dục, tích cực vận động hàng ngày để nâng cao sức đề kháng.
- Nếu mẩn ngứa toàn thân kéo dài nên tới gặp bác sĩ để được khám chữa, tư vấn về việc sử dụng thuốc trị.