Nguồn gốc lịch sử và ý nghĩa Ngày Báo Chí Cách Mạng Việt Nam 21/6
Ngày Báo Chí Cách Mạng Việt Nam 21/6 là ngày để kỷ niệm, tri ân những nhà báo, phóng viên và những người làm báo đã cống hiến công sức, trí tuệ và thậm chí là cả một phần sinh mệnh của mình cho nghề báo.
1. Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 là ngày gì?
Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 là dịp tri ân các thế hệ nhà báo đã cống hiến công sức, trí tuệ và thậm chí là cả máu và nước mắt để đem đến cho độc giả những bài báo phản ánh chân thực các sự kiện nóng hổi, các vấn đề đời sống, văn hóa, xã hội, những câu chuyện truyền cảm hứng và những tấm gương đáng tôn vinh.
Vào ngày 12/6 hàng năm, trong nước nói chung và các tổ chức, cơ quan báo chí nói riêng lại tổ chức các hoạt động kỷ niệm, chào mừng ngày đặc biệt này.
2. Nguồn gốc ra đời ngày Báo chí cách mạng Việt Nam
Từ những năm 60 thế kỉ XIX đã có một số báo lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Những năm đầu thế kỷ XX, hàng loạt tờ báo của người Việt Nam được xuất bản, các tờ báo này tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức theo từng nhóm nhỏ nhưng có các khuynh hướng chính trị khác nhau.
Đến ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập nên báo Thanh Niên, đánh dấu sự hình thành của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Từ khi báo Thanh niên ra mắt, báo chí Việt Nam như được tiếp thêm sức mạnh, giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Báo Thanh Niên ra mắt đánh dấu sự hình thành của nền báo chí cách mạng Việt Nam
Ngày 2/6/1950, Chính phủ chính thức quyết định cho thành lập Hội "Những người viết báo Việt Nam" (Hội Nhà Báo Việt Nam ngày nay).
Đến tháng 7/1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) nhóm họp ở Phần Lan đã công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức.
Tháng 2/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra quyết định số 52 ngày 5/2/1985 lấy ngày ra số đầu tiên của báo Thanh Niên làm ngày Báo chí Việt Nam (21/6/1925) nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí.
Ngày 21/6/1985, lần đầu tiên báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên. Ðây là ngày lễ không chỉ của riêng giới báo chí mà là ngày lễ của nhân dân cả nước, vì báo chí là sự nghiệp của toàn dân.
Ngày 21/6/2000, nhân kỉ niệm 75 năm ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi ngày Báo chí Việt Nam là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
3. Ý nghĩa của ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6
Thứ nhất, phát triển báo chí Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn nữa
Sau ngày thống nhất đất nước, báo chí ở nước ta đã phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước. Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả, hình thức đẹp, sinh động và hấp dẫn.
Thứ hai, báo chí mang tính định hướng, gắn liền với thực tiễn đời sống nhân dân
Báo chí đã đi sâu vào thực tiễn đời sống, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các mô hình kinh tế mới, cách làm ăn mới, nhân tố mới, người tốt, việc tốt. Đồng thời, báo chí cũng tổ chức khơi dậy và biến nhiều hoạt động xã hội từ thiện trở thành phong trào của toàn xã hội.
Không chỉ vậy, báo chí còn thể hiện rõ quan điểm bảo vệ và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, tuyên truyền cổ vũ toàn dân phát huy có chọn lọc nền văn hóa tiên tiến của các nước trên thế giới, góp phần nâng cao dân trí, ngăn chặn văn hóa xấu len lỏi vào Việt Nam.
Ngoài việc tri ân các thế hệ nhà báo Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam còn là dịp để những người làm báo nhìn lại những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn, thách thức và cả những điều chưa hoàn thành để càng thêm yêu và có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp báo chí cách mạng nói chung, báo chí cách mạng Việt Nam nói riêng.