Người dân trong khu công nghiệp khổ vì “3 không”
Suốt 13 năm trôi qua, người dân tại khu phố Quảng Phú, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khu vực bên trong hàng rào khu công nghiệp (KCN) Phú Mỹ 1 phải chịu sự “3 không” là không điện, không nước sạch và không đường để đi...
Tiếp chúng tôi, với khuôn mặt gầy gò, hốc hác của người đang lâm trọng bệnh, bà Trần Thị Hường cho biết, gia đình bà cũng như nhiều hộ dân ở đây đã sinh sống tại khu vực này từ mấy chục năm. Năm 2004, Nhà nước quy hoạch nơi đây thành KCN Phú Mỹ 1, gia đình bà cùng các hộ dân khác nằm lọt thỏm bên trong tường rào KCN.
Từ đó đến nay, người dân phải sống trong tình cảnh ô nhiễm với khí, bụi từ các nhà máy, không có đường để đi ra ngoài nên mọi người phải đi qua đường ống dẫn khí cao áp. Và chính vì không có đường nên cũng không có điện, không có nước sạch để sử dụng.
Để có điện, nước sinh hoạt, người dân phải kéo nhờ đường dây điện rất xa và đào giếng khoan để lấy nước. Nhưng nguồn nước ở nơi đây bị ô nhiễm nặng. Không có hệ thống thoát nước nên trời mưa những chất độc hại từ khí, bụi các nhà máy xả rác ngấm xuống đất theo các mạch nước.
Năm 2013, bà Hường phát hiện mình bị bệnh ung thư, từ đó bà chuyển ra ngoài nhà em gái ở tổ 4, khu phố Vạn Hạnh để ở và chữa bệnh.
Người dân bức xúc vì không có lối đi, không có điện, nước để sinh hoạt.
Trước đây, khi chưa bị xây tường rào bịt lối đi vào, gia đình bà có gần 10 phòng trọ cho thuê mỗi tháng thu nhập ngót chục triệu. Suốt 13 năm qua, phòng trọ để không, bà tuổi đã cao, còn 2 người con đang tuổi ăn học, hoàn cảnh gia đình bà ngày một khó khăn hơn.
Gia đình ông Phạm Dư có diện tích đất khoảng 1hécta trước đây trồng các loại cây công nghiệp như điều, tiêu... cho thu nhập mỗi năm khoảng 100 triệu đồng. Năm 2004, xây tường rào KCN Phú Mỹ 1, gia đình ông đã không còn trồng trọt gì được vì không có đường để xe chở phân bón, vật tư cây trồng...
Cũng từ ngày đó, kinh tế gia đình ông Dư khó khăn hơn. Chưa dừng ở đó, ngày ngày, 4 người con của ông đi học đều phải đi trên đường ống dẫn khí cao áp vô cùng nguy hiểm. Ông Dư cho biết, điện ông kéo từ ngoài vào nên giá rất đắt.
Còn hộ ông Trần Thuận có diện tích đất khoảng 3.000m², trước năm 2004, gia đình ông có mở xưởng cơ khí cho thuê giàn giáo. Từ ngày xây tường rào, ông phải chuyển ra ngoài thuê mặt bằng để làm với giá khoảng 20 triệu/tháng vì thế thu nhập của gia đình ông bị giảm đi; trong khi đó đất của ông lại phải bỏ hoang vì không có đường đi vào.
Ông Lê Quốc Huy ý kiến xung quanh việc tường rào KCN bịt kín lối đi của người dân cũng có nhiều bất cập như cùng trục đường 1B, phía bên kia thuộc xã Tân Phước (1A) người dân ở các địa phương khác tới mua đất để làm bến bãi thì mở 11 lối đi.
Còn bên 1B, đoạn từ cổng vòm đến Công ty Tôn Hoa Sen có khoảng 30 hộ dân, với chiều dài 800m thì chưa được mở lối đi nào. Ngay cả đoạn từ ngã tư Chi Phong đến trục cổng vòm có khoảng 50 hộ dân cũng không có cổng nào.
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Võ Văn Quá, Chánh văn phòng UBND huyện Tân Thành cho biết, nhận được đơn của người dân, UBND huyện đã giao Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện khảo sát tình hình thực tế.
Ngày 12-9 vừa qua, Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện đã gửi báo cáo về việc phối hợp khảo sát mở đường dân sinh dọc hàng rào KCN Phú Mỹ 1 và đề xuất kéo điện, nước cho người dân sinh sống tại khu vực này.