Người dân phải đi thế nào nếu cấm đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương?

12-03-2019 11:58:21

Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, TP.Hà Nội sẽ thí điểm việc dừng xe máy trên một số tuyến. Sở đang lựa chọn, như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sau khi đưa vào thực hiện có thể lựa chọn 1 trong 2 tuyến để dừng hoạt động xe máy là Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi - Hà Đông.

Liên quan đến đề án hạn chế, tiến tới cấm xe máy hoạt động trong khu vực nội thành Hà Nội vào năm 2030, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện vừa có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này. 

Ông Viện cho biết một trong 2 tuyến Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi có thể được chọn để thí điểm hạn chế xe máy. Ở hai tuyến này, người dân có thể sử dụng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và hệ thống xe buýt, trong đó có buýt nhanh BRT 01.

Theo ông Viện, Sở GTVT Hà Nội đang phối hợp với Viện chiến lược của Bộ GTVT xây dựng đề án phân vùng hạn chế hoạt động, tiến tới dừng hoạt động của xe máy vào năm 2030. Đề án này là nhiệm vụ thành phố giao cho sở và cũng là một trong những nội dung thực hiện Nghị quyết 04/2017/NQ - HĐND của HĐND TP Hà Nội.

Đề án phải đảm bảo giải quyết vấn đề phát triển vận tải hành khách công cộng, phân vùng cấm hoặc được hoạt động đối với xe máy, thứ tự thực hiện hạn chế, cấm tại từng địa phương, từng tuyến đường phố cụ thể…


Hà Nội cấm xe máy đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi thì dân biết đi đường nào? Ảnh: Zing

Để có cái nhìn tổng quát về đề xuất cấm xe máy, trao đổi với PV Dân Việt, TS. Nghiêm Xuân Đạt cho biết: “Muốn cấm xe máy ở đường Nguyễn Trãi hay Lê Văn Lương thì phải đặt ra câu hỏi: Phân luồng các phương tiện này đi ra đường nào? Vì đây là hai tuyến đường trục chính chạy từ ngoại thành đi vào TP.Hà Nội áp lực giao thông là rất lớn, người lao động cũng chủ yếu là sống ở khu vực quận Hà Đông”.

“Nếu cấm đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương thì câu chuyện đặt ra ở đây chính là việc sinh hoạt của người dân sống ở hai bên tuyến đường này. Người dân đi lại bằng cách nào, trong khi tuyến đường này lại rất dài và là huyết mạch đi vào TP.Hà Nội. Bây giờ chỉ có thể cấm các đường ngang, có thể thấy rằng cấm là có lợi thì có thể cấm được vì người dân còn có lựa chọn đi đường khác”, TS. Đạt chia sẻ.

Theo TS. Đạt, thường thì phải phát triển các tuyến đường song song để cấm xe máy 1 đường và dành 1 đường cho xe máy. Tuyến đường cấp xe máy phải có giao thông công cộng, điểm đỗ taxi, xe buýt ra sao? Có kết nối được với xe điện, đường sắt trên cao không? Hà Nội không thể nói cấm xe máy là cấm ngay được.

Việc cấm này, có thể Hà Nội đã có phương án cụ thể rồi. Đồng thời, phải tuyên truyền rộng rãi tới người dân để người dân biết được các phương án đó, thời gian cấm và tuyến đường cấm".


Xem thêm: Bất ngờ với gia cảnh khốn khổ của anh em Tam Mao

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //