Nghệ sĩ Chí Trung: Nếu được quyết định, tôi sẽ thay ê-kíp Táo Quân mới
Nghệ sĩ Chí Trung chia sẻ: “Đạo diễn Đỗ Thanh Hải là người tỉnh táo, vô cùng thông minh và chắc anh ấy biết điểm dừng nhất định cho Táo Quân. 15 năm là tuổi đời khá tốt của một chương trình”.
Tôi nghĩ Đỗ Thanh Hải biết điểm dừng nhất định cho Táo Quân
- Thưa nghệ sĩ Chí Trung, anh chia sẻ năm 2018 sẽ là năm cuối cùng anh tham gia Táo Quân. Đâu là lý do anh quyết định chia tay chương trình sau nhiều năm gắn bó?
- NSƯT Chí Trung: Lẽ ra tôi từ chối từ năm ngoái rồi, sát ngày quay tôi mới vào đấy chứ. Năm ngoái tôi đi Canada, chủ nhật quay mà thứ 7 tôi mới trở về, thế là tập cả đêm để sáng hôm sau quay.
Theo tôi, chu kỳ 15 năm là quá dài cho một chương trình. Như Gặp nhau cuối tuần cũng chỉ dừng lại ở 6 năm (từ tháng 4/2000 đến 2006). Táo Quân đã xây dựng được thương hiệu khá tốt, được nhiều người mến mộ và chúng tôi cũng được thơm lây từ thương hiệu ấy. Cá nhân tôi tham gia chương trình được rất nhiều khán giả yêu mến, cả trong nước và ngoài nước. Đấy là vinh dự mà không phải ai cũng có được. Tôi tự hào là người đóng góp một phần vào sự thành công của Táo Quân hơn chục năm qua.
Thời điểm hiện tại, tôi tự thấy mình là nghệ sĩ nhiều tuổi, có kinh nghiệm và mình nên dừng. Tôi không phải là người quyết định để dừng cả chương trình nên chỉ bản thân tôi xin rút, nhường cơ hội cho các bạn trẻ. Theo tôi nghĩ, Đỗ Thanh Hải là người tỉnh táo, vô cùng thông minh và tôi chắc anh ấy cũng biết điểm dừng nhất định cho Táo Quân.
Nếu tôi là người quyết định tôi sẽ thay toàn bộ ê-kíp Táo Quân mới, ra format chương trình mới hoàn toàn để không ai phải băn khoăn điều gì. Ta bắt đầu lại từ đầu, từ Táo con sẽ thành Táo bố rồi thành Táo ông.
Tôi muốn dừng tham gia Táo Quân, bởi tuổi tác không cho phép là một phần, điều quan trọng, bên kia đỉnh núi là gì? Hì hục trèo lên đỉnh cao tưởng còn đỉnh cao nữa nhưng thực tế bên kia là sườn dốc. Vậy nên, có một mốc dừng là cần thiết.
Nghệ sĩ Chí Trung đóng đinh với vai Táo Giao thông trong Táo Quân. Ảnh: NVCC
- Nhiều năm gắn bó với Táo Quân, đây lại là năm cuối cùng anh tham gia hẳn là anh có nhiều cảm xúc khi góp mặt trong chương trình kỷ niệm 15 năm Táo Quân lần này?
- Tham gia Táo Quân 2018 lần này thích lắm chứ, tôi mong đạo diễn dành cho một vai nào đấy để mình thể hiện. Thường tôi được giao các vai Táo hơi khó, mấy táo hay các bạn xin hết rồi, tôi già ít xin lắm. (cười)
Tôi có cái dở là trong cuộc sống không bao giờ xin ai cái gì, danh hiệu, ân huệ, cơ hội thì càng không, trừ khi là xin cho Nhà hát Tuổi trẻ, xin tài trợ thì tôi sẵn sàng. Vai diễn cũng chả xin, phân công gì thì làm nấy. Nhưng Hải rất tỉnh táo luôn phân cho tôi những vai có chiều sâu. Có thể nói các bạn Táo khác là những nốt nhạc, câu văn hay còn tôi là dấu chấm để chuyển câu. Sự thăng hoa bao giờ cũng dành cho Vân Dung, Quang Thắng, Tự Long, những táo chuyên nghiệp, còn để khóa một ý tưởng Hải thường hay đẩy về tôi.
Thường khán giả thích Tự Long, Vân Dung, Quang Thắng, Xuân Bắc, Công Lý, chứ tôi và Quốc Khánh thì ít người thích. Cũng bởi những lời tôi nói thường thâm thúy, phải ngẫm lâu khán giả mới thấm.
Nghệ sĩ Chí Trung và diễn viên Vân Dung trong hậu trường Táo Quân. Ảnh: NVCC
- Trong dàn nghệ sĩ tham gia Táo Quân anh thích lối diễn của ai nhất?
Tôi thích tất cả. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, trước đây là NSND Khải Hưng xây dựng dàn nghệ sĩ được cả nước công nhận, yêu mến thì không có lý do gì để không thích một trong những người ấy. Mỗi người có một phong cách diễn khác nhau, 7 người như 7 nốt nhạc, không thể thiếu một nốt nào. Khi thay bất cứ người nào bằng người mới thì đều không ăn dơ được với nhau, cũng giống như thay một nốt nhạc sẽ bị lệch tông, chỉ có thay cả 7 nốt.
Đó cũng là lý do khi tôi nói đây là năm cuối tôi đóng Táo Quân nhiều bạn sẽ quan tâm. Nhưng nói chung là, có cô thì chợ cũng đông, cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui ấy mà.
- Còn đạo diễn Đỗ Thanh Hải trong mắt anh là người thế nào?
- Đỗ Thanh Hải hay Đinh Tiến Dũng tôi đều rất quý các bạn ấy vì các bạn thông minh, nhân cách tốt, trí tuệ siêu việt. Không chỉ riêng tôi mà ai cũng quý các bạn ấy. Đặc biệt là Hải cũng quý tôi, có đi có lại mới toại lòng nhau mà. (cười)
- Tham gia Táo Quân anh có thường đóng góp, chỉnh sửa cho vai diễn của mình?
- Chỉnh sửa nhiều chứ, vì kịch bản chỉ là cái khung, để ra được nhân vật thì phải thêm mắm thêm muối vào. Thực ra Hải đã suy nghĩ cân nhắc rất kỹ, khi giao vai cậu ấy đã nhắm trước, gửi gắm câu nào vào ai. Như câu “giàu thì nó ghét, đói rét nó khinh”, hay câu “nước trong thì không có cá, người tốt quá thì không ai chơi” là những câu của Hải. Khi diễn ai cũng khen và tôi được lợi.
Tuy vậy cũng phải nói rằng, cùng câu đấy nhưng người khác nói thì sẽ không mang lại hiệu ứng như thế. Bởi diễn được như vậy nó phải có bề dày tri thức, phải có một trái tim biết rung cảm, hiểu biết rất kỹ về những điều mình nói, vì khi mình nói mà không có nhân sinh quan sống trong câu ấy thì không chuyển tải hết được thông điệp cho khán giả. Tôi có cách nhấn nhả chữ riêng khi nói và đó là style Chí Trung.
Hơn chục năm gắn bó với Táo Quân, nghệ sĩ Chí Trung được đông đảo khán giả yêu mến. Ảnh: NVCC
Đầu tư hơn 1 tỷ cho “Hương Xuân Hà Nội”
- Không chỉ gắn tên với vai diễn đình đám trong Táo Quân, nghệ sĩ Chí Trung còn được biết đến với vai trò Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ. Ngồi vị trí ghế nóng này anh có cảm thấy áp lực?
Áp lực chứ. Trước đây làm phó tôi cũng đảm đương nhiều công việc nhưng anh Trương Nhuận vẫn là người “đứng mũi chịu sào”, từ tháng 6/2017 anh Nhuận về nghỉ hưu tôi là người phải chịu trách nhiệm toàn bộ. Việc lên làm giám đốc tôi xem đó là sự phân vai của cuộc đời. Tôi đã gắn bó với Nhà hát 39 năm và tâm huyết muốn mang đến sự thay đổi cho Nhà hát.
Tôi xác định 4 năm nữa sẽ đẩy mạnh phần ca múa nhạc, không chỉ là kịch đơn thuần. Vừa rồi chúng tôi đã làm 4 chương trình, 2 chương trình Bolero, 1 đêm nhạc Huy Du và hôm 1/1/2018 sắp tới là “Hương xuân Hà Nội” được tổ chức ở Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Xô. Chương trình này do tôi làm tổng đạo diễn, giám đốc âm nhạc là Lưu Thiên Hương.
Nghệ sĩ Chí Trung đảm nhận vai trò Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: NVCC
- Biểu diễn vào ngày đầu năm 2018, “Hương xuân Hà Nội” có gì đặc biệt thưa anh?
Đây là chương trình chúng tôi đầu tư kỹ lưỡng, từ âm thanh, ánh sáng đến nội dung chương trình với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi đang được khán giả mến mộ như: Vân Dung, Bá Anh, Tuấn Anh, Chí Huy, Nguyệt Hằng, Thu Quỳnh, Thanh Tú, Duy Anh...
Trong “Hương Xuân Hà Nội” sẽ có những bài hát mới, những bài hát cũ được phối khí lại. Ngoài ra, phục vụ nhu cầu của khán giả thủ đô thích cả hài kịch và ca nhạc, chúng tôi dựng thêm 2 vở hài kịch về tình yêu, kịch bản do Đinh Tiến Dũng viết. Đó là “Tơ trời mong manh” và “Nhầm”.
“Tơ trời mong manh” là câu chuyện về một cậu diễn viên trẻ, bị bố mẹ bạn gái ngăn cản không cho yêu vì bố mẹ cậu ta bỏ nhau, sợ sau này cậu cũng đi vào vết xe đổ đó. Bố mẹ cô gái bắt cậu ta chứng minh là sẽ không để xảy ra việc chia tay, cậu ta đã lập luận rằng, bác có biết số đề về bao nhiêu không mà bắt cháu hứa không được bỏ người yêu. Cháu cứ yêu và sẽ sống thật tốt, còn tương lai không thể nào đoán định.
Còn “Nhầm” lại mang đến một thông điệp khác. Trong cuộc sống nhầm là chuyện bình thường, nhầm đường, nhầm tiền, nhầm lời nói... nhưng đây là nhầm vợ nhầm chồng. Câu chuyện xảy ra ở một khu chung cư, anh chàng say rượu ở tầng 18 khi về vào nhầm tầng 16 mà cứ đinh ninh là nhà mình. Ở chung cư nhà nào cũng như nhau, khi vào anh thấy bàn ghế hơi khác, đồ đạc hơi khác nhưng lại thấy cô vợ ở trong ngôi nhà ấy.
Hóa ra cô vợ đã ngoại tình với chủ ngôi nhà. Còn anh này say không biết thế nào là đúng. Và chủ nhà xuất hiện cùng với cô vợ chuốc thật say anh chồng này để khiêng lên trên tầng 18. Câu chuyện cứ bị nhầm như thế, rất trớ trêu, anh ấy không hề biết đó là nhầm nhưng khán giả thì biết, và đau đớn. Khán giả sẽ tự rút ra suy ngẫm trong cuộc sống nhầm có phải là điều tất yếu không, nhầm lẫn trong tình yêu mang đến thảm họa cho gia đình.
Nghệ sĩ Chí Trung biểu diễn trên sân khấu của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: NVCC
- Thực hiện cả một chương trình hoành tráng, anh có thể tiết lộ mức đầu tư cho “Hương Xuân Hà Nội”?
- Đầu tư hơn 1 tỷ và vẫn có phần nào được nhà nước hỗ trợ. Biết là làm sẽ lỗ nhưng chúng tôi vẫn quyết làm.
Sân khấu Hà Nội đang rơi vào cảnh khách đìu hiu, nhất là mùa Đông trời mưa rét nhiều người chỉ thích nằm ở nhà đắp chăn, cắn hướng dương xem ti vi. Khán giả thủ đô không có thói quen đến rạp, phần là do hạ tầng kém, không có chương trình hấp dẫn, trong khi có quá nhiều hình thức giải trí khác. Dó đó, chúng tôi quyết tâm đổi mới từ chính sân khấu ra, xây dựng các chương trình phù hợp với khán giả, hấp dẫn hơn, đầu tư kỹ lưỡng hơn.
Đặc biệt, trong chương trình “Hương Xuân Hà Nội” lần này chúng tôi sẽ làm mới với hình thức hát trong kịch. Những đoạn cao trào, muốn thổ lộ tình yêu... diễn viên kịch sẽ hát một đoạn. Sẽ có nhạc sống đệm cho diễn viên. Cách làm này chúng tôi đã thử và khán giả rất thích. Chương trình diễn một đêm duy nhất, khán giả đến xem còn có quà. (cười).
- Cảm ơn NSƯT Chí Trung về cuộc trò chuyện!