Nghệ An: Người dân TP. Vinh không ra khỏi nhà, 'ai ở đâu ở yên đó' từ ngày 23/8
UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu người dân TP. Vinh không ra khỏi nhà và nơi cư trú, "ai ở đâu ở yên đó" trong vòng 7 ngày, tính từ 00h ngày 23/8.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An vào chiều 22/8, ông Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 Nghệ An thống nhất nâng cao biện pháp cách ly xã hội đối với địa bàn TP. Vinh trên một mức so với Chỉ thị 16, với tinh thần yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở yên đó”. Thời gian thực hiện trước mắt là 7 ngày, tính từ 0h ngày 23/8.
Cụ thể, người dân không được ra khỏi nhà, kể cả đi chợ với quan điểm: “ai ở đâu ở yên đó”; không được ai di chuyển vào thành phố (trừ lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch). Người đến cơ quan, công sở làm việc không quá 10%. Trong thời gian này, sẽ tiến hành lấy mẫu gộp test nhanh cho 500.000 người trên địa bàn để phát hiện, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Sở Y tế sẽ điều động khoảng 1.000 nhân viên y tế hỗ trợ thành phố việc lấy mẫu trong 4 ngày, bắt đầu từ 8h ngày 24/8.
Mục đích là để xét nghiệm miễn phí cho 500.000 người dân; bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng; thiết lập các vùng xanh. TP. Vinh sẽ đảm bảo an sinh xã hội, kịp thời hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, tổ chức cung ứng hàng hóa đầy đủ, kịp thời đến người dân. Bên cạnh đó, thành phố sẽ huy động xe tải, xe taxi vận chuyển hàng hóa, người cấp cứu đến bệnh viện trong thời gian cách ly y tế. Ký hợp đồng với các cơ sở kinh doanh để đáp ứng đủ nhu yếu phẩm cho người dân trong thời gian cách ly. Đồng thời, đề xuất của tỉnh hỗ trợ thêm lực lượng đảm bảo ổn định tình hình trên địa bàn TP. Vinh.
“Biện pháp này là bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Ưu tiên số 1 là xét nghiệm tầm soát để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. TP. Vinh thực hiện theo sự hướng dẫn của ngành Y tế, đảm bảo an toàn, chặt chẽ, nhanh nhất, hiệu quả nhất. Trong đó, ưu tiên những vùng có nguy cơ rất cao và nguy cơ cao đối với toàn bộ 100% người dân trong vùng; đối với những khu vực có nguy cơ và chưa có nguy cơ thì xét nghiệm mẫu gộp. Miễn phí đối với người dân và TP Vinh sử dụng kinh phí ở mức tối đa, tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ khi thành phố gặp khó khăn”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Ảnh minh họa
Sau xét nghiệm thì tiến hành truy vết, phân loại F1, F2 và tiến hành cách ly tập trung đối với F1. Cần thì vận động, thuyết phục, trưng dụng các điểm làm khu cách ly tập trung và trong quá trình cách ly thì phải đảm bảo chặt chẽ cả trong lẫn ngoài. Tổ chức điều trị tập trung đối với các ca F0 và có cơ chế phối hợp tích cực để tổ chức vận chuyển các ca F0 đến nơi điều trị trong thời gian nhanh nhất. Trong thời gian này thì phải có biện pháp tiêm vắc xin hiệu quả, kể cả trong thời gian áp dụng mức nâng cao hơn Chỉ thị 16.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, trong thời gian thực hiện biện pháp cao hơn một mức với Chỉ thị 16 thì TP. Vinh phải đảm bảo cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu đến tận nhà cho người dân, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
Chủ tịch UBND tỉnh giao TP. Vinh phối hợp với Sở Công thương thực hiện tốt nhiệm vụ này. Tổ chức các lực lượng để thực hiện công tác cung cấp hàng hóa này. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chỉ đạo Ban chỉ huy quân sự TP Vinh bố trí lực lượng hỗ trợ thành phố Vinh.
Đặc biệt, TP. Vinh phải quan tâm đến những người dân khó khăn, gia đình nghèo, gia đình chính sách, người có công, người yếu thế trong xã hội. Những trường hợp này chính quyền phải cung cấp miễn phí. Tổ chức các phương án đảm bảo công tác chăm sóc y tế, thuốc men… để người dân yên tâm không ra khỏi nhà.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh quy định rõ những hoạt động được phép hoạt động trong thời gian này, nhưng phải ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch. Trong đó, các lực lượng công an, quân sự và các lực lượng cung cấp hàng hóa cho người dân thì phải đảm bảo đầy đủ. Những lực lượng khác thì hạn chế tập trung tối đa tại các cơ quan công sở, số lượng không vượt quá 20%. Những ngành do tính chất công việc cần số lượng trên 20% thì phải báo cáo xin phép UBND tỉnh, nhưng tối đa không quá 50%.
Việc bố trí làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng phải hạn chế tối đa, các cơ sở đảm bảo được điều kiện làm việc “3 tại chỗ” thì được hoạt động, nhưng hạn chế việc di chuyển. Những cơ sở sản xuất do tính chất đặc thù không thể dừng hoạt động thì phải báo cáo TP.Vinh xem xét và quyết định.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền, vận động, để người dân nhận thức, chia sẻ, đồng hành, ủng hộ với cấp ủy, chính quyền và chấp hành nghiêm các biện pháp cao hơn một mức so với Chỉ thị 16. Công tác tuyên truyền phải làm sao để người dân không lo lắng, không hoang mang và yên tâm không ra khỏi nhà .
"Những biện pháp chúng ta làm có thể gây khó khăn cho người dân nhưng mục tiêu tối cao nhất là vì đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân nên tin tưởng, người dân sẽ ủng hộ chúng ta. Còn những đối tượng cố tình chống đối, thông tin sai trái, kích động… thì phải xử lý nghiêm", Chủ tịch UBND tỉnh nói.
Tính từ ngày 13/6 đến sáng ngày 22/8, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 876 ca mắc Covid-19 ở 21 địa phương. Cụ thể, TP. Vinh: 216, Quỳnh Lưu: 139, Yên Thành: 97, Kỳ Sơn: 55, Diễn Châu: 64, Tương Dương: 29, Nghi Lộc: 45, Hưng Nguyên: 29, Quế Phong: 34, Nam Đàn: 33, Hoàng Mai: 20, Cửa Lò: 20, Tân Kỳ: 19, Anh Sơn: 13, Đô Lương: 16, Con Cuông: 12, Quỳ Hợp: 11, Thanh Chương: 09, Thái Hòa: 06, Nghĩa Đàn: 08, Quỳ Châu: 01... Lũy tích số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện, chuyển tuyến trên là 305. Lũy tích số Bbệnh nhân tử vong là 01. Số bệnh nhân hiện đang điều trị là 570.