Ngày mai hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 2 vaccine Nano Covax tại Hà Nội
Trong giai đoạn 2, Học viện Quân y có 280 người đủ điều kiện tiêm thử nghiệm mũi 1. Tuy nhiên, do có việc đột xuất, nên tới mũi 2, đã có 2 tình nguyện viên xin rút.
Sáng 7/4, lãnh đạo Học viện Quân y cho biết, trong hôm nay triển khai tiêm mũi 2, giai đoạn 2 vaccine Nano Covax (do công ty Nanogen phát triển) cho 4 tình nguyện viên. Ngày mai, 3 tình nguyện viên cuối cùng sẽ được tiêm, kết thúc tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 vaccine Nano Covax trên người tại Học viện Quân y.
Trong giai đoạn 2, Học viện Quân y có 280 người đủ điều kiện tiêm thử nghiệm mũi 1. Tuy nhiên, do có việc đột xuất, nên tới mũi 2, đã có 2 tình nguyện viên xin rút (không tham gia tiêm mũi 2).
Tất cả các trường hợp tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax tới nay đều không có phản ứng nặng, chỉ có một số biểu hiện thông thường sau khi tiêm như sốt nhẹ, đau tại chỗ tiêm hay mệt mỏi.
Sau khi hoàn thành tiêm giai đoạn 2 vaccine Nano Covax, nhóm nghiên cứu tại Học viện Quân y sẽ đánh giá tính sinh miễn dịch, hiệu quả của vaccine COVID-19 trên các tình nguyện viên.
Trước đó, ngày 26/2, mũi tiêm thứ 1 của giai đoạn 2 vaccine Nano Covax được tiến hành tại Học viện Quân y (Hà Nội) và Trung tâm Y tế huyện Bến Lức (Long An). Tổng số người tham gia thử nghiệm giai đoạn 2 ở cả hai đơn vị là 560.
Tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax tại Học viện Quân y. Ảnh: TTXVN
Theo dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Nghiên cứu, phát triển vaccine phòng COVID-19" của Bộ Y tế, hiện nay, cả nước có 4 nhà sản xuất đang nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 theo các hướng công nghệ khác nhau.
(1) Công ty TNHH MTV vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) sử dụng công nghệ cài đặt kháng nguyên SARS-CoV-2 trên giá thể là virus Baculo;
(2) Viện Vaccine và sinh phẩm Nha Trang (IVAC) sử dụng công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi (tương tự công nghệ do IVAC đang sử dụng để sản xuất vaccine cúm mùa);
(3) Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen (Nanogen) đang tiến hành phát triển 2 ứng viên vaccine COVID-19 (1) vaccine sub-unit dựa trên S-protein và vaccine VLP (Virus like particles) sử dụng công nghệ protein tái tổ hợp;
(4) Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC) sử dụng công nghệ cài đặt kháng nguyên SARS-CoV-2 trên giá thể là virus sởi (POLYVAC đang là nhà sản xuất vaccine sởi) và đang trao đổi với Quỹ Đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về phương án, kế hoạch hợp tác phát triển vaccine phòng COVID-19 theo công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V của Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya.
Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng của VABIOTECH, IVAC, Nanogen cho thấy các ứng viên vaccine có tính an toàn trên động vật và có tính sinh kháng thể kháng SARS-CoV-2.
Đến nay, vaccine Nano Covax của công ty Nanogen đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và đang triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2; vaccine Covivac của IVAC đã được Bộ Y tế phê duyệt đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1-2 và đã bắt đầu triển khai vào ngày 15/3;
Riêng vaccine Covinvac của VABIOTECH sẽ được thẩm định và thông qua đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1-2 trong tháng 7/2021.
Bộ Y tế cho biết các nhà sản xuất đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sớm hoàn thành các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Bộ Y tế đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nghiên cứu, phát triển vaccine phòng COVID-19. Mục tiêu là thúc đẩy, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, sản xuất vaccine tại Việt Nam trong năm 2021 và các năm tiếp theo. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các nước, các nhà sản xuất nước ngoài để chuyển giao công nghệ hoặc nhập khẩu vaccine bán thành phẩm về đóng ống, sản xuất tại Việt Nam.... Theo dự thảo, Bộ Y tế rà soát, sửa đổi các quy định theo hướng rút gọn, rút ngắn thời gian thử nghiệm, cấp phép nhưng bảo đảm các điều kiện theo quy định. Yêu cầu các đơn vị nghiên cứu vaccine thúc đẩy quá trình thử nghiệm vaccine, rút ngắn tối đa thời gian của các giai đoạn 1, 2, 3, có phương thức thử nghiệm phù hợp. |