Ngành Giáo dục khẩn trương khắc phục hậu quả mưa bão
Bão số 3 (Yagi) đi qua để lại thiệt hại nặng nề, nhiều trường học chưa mở cửa trở lại.
Thầy cô Trường Mầm non Phú Thượng (Võ Nhai, Thái Nguyên) dọn dẹp vệ sinh trường học. Ảnh: Phương Thảo
Những ngày này, cùng với chính quyền các địa phương, ngành GD-ĐT đang nỗ lực khắc phục hậu quả sau bão.
Vừa dạy học, vừa khắc phục hậu quả
Sáng 9/9, hầu hết trường học tại Hà Nội đón học sinh trở lại học tập theo kế hoạch thời gian năm học 2024 - 2025. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối, trước đó các nhà trường cùng nhiều lực lượng tiến hành rà soát toàn diện, nỗ lực khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Tại Trường Tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm), việc dạy học trở lại bình thường sau trận bão lịch sử quét qua Hà Nội. Nằm ở khu phố cổ, mưa bão khiến cây gãy đổ, đồ dùng dạy học hư hại nhiều. Ngay khi bão đi qua, cán bộ, giáo viên nhà trường khẩn trương khắc phục hậu quả, sẵn sàng đón học sinh đi học trở lại.
Trong tuần đầu tiên của năm học mới, nhà trường đặc biệt chú trọng đến học sinh lớp 1, tập trung rèn nền nếp, giúp các em quen với sinh hoạt cấp tiểu học. Bếp ăn bán trú của Trường Tiểu học Thăng Long cũng hoạt động bình thường với thực đơn đủ dinh dưỡng, đồ ăn nóng hổi, đảm bảo an toàn và sức khỏe cho trò.
Tại Trường THPT Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm), học sinh có mặt đủ và nhanh chóng ổn định học tập. Giờ chào cờ được sắp xếp chuyển xuống cuối giờ để học sinh cùng nhau vệ sinh lớp học. Ngoài ra, mỗi lớp cử ra một số học sinh tham gia dọn dẹp sân trường cùng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.
Thầy Lê Viết Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Đại Mỗ cho biết, sau bão số 3 có 7 cây bị đổ, nhà trường đã dựng lại được 6 cây, còn 1 cây to giữa sân trường đang tìm hướng xử lý. Vì vậy, nhà trường lưu ý học sinh không chơi đùa dưới gốc cây to, cẩn thận trơn trượt, phòng học có thể có mảnh vỡ của thủy tinh. Nhà trường cũng lưu ý hệ thống điện có nguy cơ chập, cháy nên học sinh, giáo viên chú ý khi sử dụng.
Với quyết tâm sớm đón học sinh đi học trở lại, các nhà trường đã linh hoạt hình thức dạy học như dạy trực tuyến, giao bài tập, hướng dẫn học sinh tự học để ngay khi đến trường có thể bắt nhịp nhanh, bảo đảm kế hoạch thời gian năm học.
Là đơn vị chưa thể đón học sinh trở lại trường học trực tiếp, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đang tập trung cao độ cho việc khắc phục hậu quả của bão. Thống kê cho thấy, sau trận bão, nhà trường có 17 cây bị bật gốc, nhiều đèn cao áp bị hư hỏng, nhiều cây xanh tiếp tục nghiêng, đổ, có nguy cơ không bảo đảm an toàn cho học sinh.
Cô Hiệu trưởng Trần Thùy Dương cho hay, để bảo đảm khung kế hoạch thời gian năm học 2024 - 2025, nhà trường chuyển sang dạy học trực tuyến. Chiều tối 9/9, nhà trường rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nếu bảo đảm an toàn sẽ báo cáo Sở GD&ĐT Hà Nội để đón học sinh trở lại trường từ ngày 10/9.
Trường Tiểu học & THCS Quan Hồ Thẩn - Si Ma Cai (Lào Cai) chìm trong biển nước. Ảnh: Thuận Thiên
Vùng tâm bão cân nhắc cho học sinh trở lại trường
Sau bão số 3, hơn 300 trường học trên địa bàn thành phố Hải Phòng bị ảnh hưởng, thiệt hại. Để an toàn cho thầy trò, sở GD&ĐT tiếp tục cho học sinh nghỉ học ngày 10/9 để các nhà trường khắc phục hậu quả.
Ông Phạm Sỹ Tuyên - Trưởng phòng GD&ĐT quận Lê Chân (Hải Phòng) cho biết: Trên địa bàn quận có nhiều trường học bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão số 3 như bị đổ hàng rào, trụ cổng, tốc mái nhà để xe. Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường tiếp tục rà soát, báo cáo về những thiệt hại nếu có. Đồng thời, nhà trường bố trí cán bộ, giáo viên đến trường vệ sinh, dọn dẹp.
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (quận Lê Chân), chiều 8/9 và sáng 9/9, nhà trường huy động 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên đến trường dọn vệ sinh trường, lớp để chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất đón học sinh quay lại trường.
Cô Nguyễn Thị Diệu Thuý - Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ chia sẻ, hậu quả của cơn bão số 3 khá lớn, các lớp học đều bị ảnh hưởng, bụi và rác nhiều. Vì thế, ngoài việc dọn dẹp sân, cổng, hành lang, giáo viên chủ nhiệm các lớp còn dọn và lau lại bảng, bàn ghế, kiểm tra đồ dùng của học sinh cẩn thận.
Do ảnh hưởng của bão, Trường THPT Cát Hải, huyện Cát Hải (Hải Phòng) bị tốc 300m tôn chống nắng khu nhà hiệu bộ; 15 mét tường bao phía cổng trường bị đổ sập; mái tôn nhà để xe và 30 mét tường bao phía sau cũng hư hỏng.
Cô Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho hay, với hư hỏng nhẹ, nhà trường tự khắc phục. Tuy nhiên, việc hư hỏng về cơ sở vật chất ngoài khả năng, trường đã lập biên bản và làm đề xuất với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.
Theo bà Nguyễn Thị Ước - Trưởng phòng GD&ĐT quận Đồ Sơn (Hải Phòng), 17 trường học trong quận đều bị ảnh hưởng nặng nề do cơn bão số 3. Hiện, phòng GD&ĐT phối hợp với chính quyền địa phương cùng các nhà trường khắc phục hậu quả. Các trường có tổ chức ăn bán trú, phòng sẽ tính toán phương án đảm bảo cho học sinh.
Còn theo ông Bùi Văn Kiệm - Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, để đảm bảo an toàn cho học sinh trên đường tới trường, đồng thời có thêm thời gian cho các nhà trường dọn dẹp, tu sửa cơ sở vật chất, ngành Giáo dục quyết định cho học sinh toàn thành phố nghỉ học tiếp ngày 10/9.
Sau ngày 10/9, phòng GD&ĐT các quận, huyện sẽ rà soát lại các trường học trên địa bàn báo cáo UBND quận, huyện để chủ động quyết định việc đi học của học sinh trên địa bàn theo phân cấp; các đơn vị trường học trực thuộc sở, báo cáo về sở để thực hiện theo chỉ đạo.
Cơn bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh khiến nhiều trường học bị tốc mái, hư hỏng, cây xanh đổ gãy. Để khắc phục hậu quả, UBND tỉnh đã quyết định cho học sinh nghỉ học thứ 2 ngày 9/9. Trong những ngày nghỉ học, học sinh và thầy, cô giáo gấp rút dọn dẹp trường lớp.
Sáng 9/9, học sinh và thầy, cô giáo Trường Tiểu học, THCS, THPT Lê Thánh Tông, TP Hạ Long (Quảng Ninh) hối hả dọn dẹp khuôn viên trường học do bão số 3 gây ra. Học sinh được chia thành các nhóm để dọn dẹp. Một số di chuyển cành cây bên trong sân trường ra cổng để xe dọn rác tiện thu gom, số còn lại thay nhau dọn, rửa sân trường.
Tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long, hơn 60 thầy, cô giáo cùng bộ đội gấp rút dọn dẹp trường lớp. Hai ngày nay, toàn bộ thầy cô đã tham gia dọn dẹp, thu gom cành cây gãy đổ, vệ sinh khuôn viên trường. Trong chiều 9/9, mọi công việc sẽ hoàn tất để kịp đón học sinh trở lại trường vào ngày 10/9.
Tại huyện miền núi Tiên Yên, nhiều trường học cũng bị cây gãy đổ và tốc mái. Các trường ven biển như Trường Mầm non Đồng Rui bị thiệt hại nặng nề nhất. Trong ngày 8/9, các trường đã tập trung dọn dẹp, khắc phục hậu quả do bão gây ra. Tuy nhiên, sáng 9/9 nước lũ tiếp tục dâng đã gây ảnh hưởng đến các trường học.
Ông Trịnh Đình Hải - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết, công tác dọn dẹp trường học đang được các trường thực hiện. Trong ngày 10/9, có một số trường tiếp tục cho học sinh trở lại trường, nhưng có trường chưa chắc cho học sinh quay trở lại học vì những yếu tố khách quan.
Giáo viên Trường Tiểu học - THCS - THPT Lê Thánh Tông (Quảng Ninh) dọn dẹp trường lớp. Ảnh: Minh Cương
Quan tâm đặc biệt đến học sinh bán trú
Do chịu ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, từ đêm 7/9 đến sáng ngày 9/9, trên địa bàn tỉnh Lào Cai xảy ra mưa vừa, mưa to đến rất to. Mưa lũ kèm theo sạt lở đất đã gây thiệt hại nặng nề về người và của. Trong đó ảnh hưởng không nhỏ đến cơ sở vật chất của nhiều trường học trên địa bàn.
Tại các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Văn Bàn, Bát Xát, thị xã Sa Pa có nhiều trường, điểm trường bị ảnh hưởng do sạt lở, đất đá vùi lấp, nước lũ dâng gây ngập úng. Riêng khối THPT, toàn tỉnh có 3 đơn vị bị ảnh hưởng do sạt lở taluy (Trường THCS&THPT huyện Bát Xát; Trường THPT số 2 huyện Mường Khương; Trường THPT số 2 Si Ma Cai).
Bà Dương Bích Nguyệt - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai thông tin: Tại huyện Bát Xát có 7 trường bị ảnh hưởng. Trong đó, Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Ngải Thầu có 1 học sinh lớp 5 bị đất sạt lở vùi lấp, hiện chưa tìm thấy. Cùng đó, khu Phìn Chải của xã A Lù có 4 hộ dân bị sạt lở, trong đó có 2 học sinh Trường Mầm non A Lù không rõ tình hình vì chưa liên lạc được do khu vực không có sóng điện thoại.
Bên cạnh đó, điểm trường Phìn Chải và Cán Cấu của Trường Mầm non A Lù cũng có nguy cơ sạt lở. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo ban giám hiệu, giáo viên điểm trường di chuyển khỏi khu vực đến nơi an toàn.
Tại huyện Bắc Hà có 6 trường học bị ảnh hưởng; 166 học sinh thuộc 5 trường bán trú đang ở tại trường. Các trường đã cử cán bộ, giáo viên quản lý chặt chẽ học sinh tại trường, đảm bảo đời sống, an toàn cho học sinh.
Ông Đinh Mạnh Ninh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Hà cho biết: Ngày 9/9, các trường trên địa bàn huyện cho học sinh nghỉ học. Đối với số học sinh bán trú đã đến trường ngày 8/9, nhà trường cắt cử cán bộ, giáo viên quản lý chặt chẽ, đảm bảo đời sống, tuyệt đối an toàn khi ở trường.
Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT huyện Bắc Hà đã chỉ đạo các trường bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý các tình huống do diễn biến của mưa bão gây ra. Nắm chắc tình hình địa bàn từng học sinh, kịp thời báo cáo và đưa ra các giải pháp cần thiết đảm bảo an toàn cho học sinh và đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Trước đó, Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố; trường THPT, trung tâm trực thuộc sở bố trí lực lượng tại cơ sở giáo dục trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý các tình huống do diễn biến của bão gây ra.
Tiếp tục tổ chức tuyên truyền đến cán bộ giáo viên, học sinh trong nhà trường không chủ quan trong công tác phòng tránh trước, trong và sau bão. Căn cứ điều kiện cụ thể của từng đơn vị, cơ sở giáo dục để quyết định cho học sinh nghỉ học từ ngày 9/9 để phòng, tránh bão.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai, ngày 9/9, toàn tỉnh có 8 huyện, thị xã cho học sinh tại các cơ sở giáo dục nghỉ học để phòng tránh bão. Có 31/39 trường THPT trực thuộc sở GD&ĐT cho học sinh nghỉ học. Các trung GDNN & GDTX đồng loạt cho học sinh nghỉ học.
Học sinh Trường Tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đi học trở lại sau bão số 3. Ảnh: Vân Anh
Ứng trực để cảnh báo và ứng phó sự cố
Do ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều trường học trên địa bàn Thái Nguyên bị thiệt hại như bay tốc mái tôn, biển cổng trường, tốc toàn bộ mái dãy nhà lớp học, khu nhà công vụ giáo viên, đổ cột điện trong sân trường, đổ tường rào, đổ cây xanh.
Nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các trường linh hoạt cho học sinh nghỉ học, các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tập trung phòng chống mưa lũ, ban giám hiệu trực 24/24 giờ, tổ chức lực lượng ứng trực để cảnh báo và giải quyết sự cố.
Là địa phương chịu ảnh hưởng của đợt mưa lớn gây lũ lụt sớm nhất, căn cứ tình hình thời tiết diễn biến phức tạp và chỉ đạo của sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT huyện Võ Nhai đã chủ động cho học sinh các trường trên địa bàn nghỉ học, đội ngũ giáo viên tập trung kê dọn, bảo vệ an toàn trang thiết bị dạy học.
“Dự báo tình hình mưa lũ vẫn phức tạp, mặc dù một số trường học chưa ngập lụt nhưng các tuyến đường đến trường không an toàn nên phòng đã chỉ đạo cho các trường này cho học sinh nghỉ học, tập trung che chắn, bảo vệ cơ sở vật chất”, ông Nguyễn Văn Mùi - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Võ Nhai nói.
Ngày 9/9, trên địa bàn TP Thái Nguyên, học sinh của 32 trường phải nghỉ học do nước lũ đang lên. Chia sẻ thông tin, bà Ngô Thị Quyên - Trưởng phòng GD&ĐT TP Thái Nguyên đồng thời nhấn mạnh: Phòng đã yêu cầu các đơn vị tập trung khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3, tổ chức vệ sinh môi trường, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh để kịp thời tổ chức việc dạy và học khi tình hình đã ổn định.
Đồng thời, các nhà trường ứng trực 24/24 giờ, giữ liên hệ thường xuyên với cơ quan chức năng, lực lượng cứu hộ địa phương để kịp thời khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3. Các đơn vị tổng hợp thiệt hại do cơn bão gây ra, báo cáo cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và phòng GD&ĐT tình huống bất thường xảy ra.
Tại huyện Phú Lương, chia sẻ của ông Nguyễn Đức Dũng - Trưởng phòng GD&ĐT: Mưa lũ ngày 9/9 khiến một số trường học bị ngập trong nước. Do đó, các trường trên địa bàn huyện đã cho học sinh nghỉ học. Phòng đã tham mưu cho UBND huyện tiếp tục cho học sinh nghỉ học vào ngày 10/9 để đảm bảo an toàn và khắc phục hậu quả do mưa lũ.
Các trường học trên địa bàn các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang cũng bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 3 gây ra.
Theo báo cáo Sở GD&ĐT Yên Bái, bão số 3 khiến 9 trường học trên địa bàn bị ngập lụt. Một số trường, điểm trường bị sạt taluy, nhiều trường có nguy cơ sạt taluy. Chưa ghi nhận thiệt hại về nhân mạng đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Ngày 9/9, toàn tỉnh Yên Bái có 33 trường tổ chức dạy học. Hiện, các phòng GD&ĐT, các đơn vị trường đã phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể để đánh giá tình hình thiệt hại, đưa ra phương án khắc phục sớm để đảm bảo các điều kiện đón học sinh trở lại trường.
Tại Phú Thọ, do ảnh hưởng của bão số 3, một số trường học bị ảnh hưởng về cơ sở vật chất như bị đổ tường rào, bay mái tôn lớp học, nhà công vụ giáo viên, đổ cây xanh, hỏng nhiều hệ thống bảng trên sân trường...
Ngay sau khi bão tan, cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường tập trung huy động nhân lực khắc phục hậu quả. Sáng 9/9, cơ bản các trường học trên địa bàn tỉnh đã được dọn dẹp gọn gàng, bảo đảm điều kiện cho học sinh đến trường an toàn. Những phần hư hỏng nặng sẽ được tu sửa trong những ngày tới.
Sở GD&ĐT Phú Thọ yêu cầu các đơn vị giáo dục khẩn trương huy động tối đa nguồn lực, nhân lực khắc phục các thiệt hại, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất phục vụ ngay việc giảng dạy, học tập cho năm học mới.
Thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Giang, tính đến 14 giờ ngày 9/9, toàn ngành GD-ĐT không có thiệt hại về người, tuy nhiên trước ảnh hưởng của bão số 3, nhiều cơ sở giáo dục đã phải dừng hoạt động dạy và học để bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh.
Cơ sở vật chất tại một số cơ sở giáo dục bị hư hại như: Trường Mầm non Ma Lé (huyện Đồng Văn) bị sạt lở taluy dương tại trụ sở trường chính làm bung tường nhà tầng 1 và làm hư hỏng nhà vệ sinh cùng một số đồ dùng, ước tính thiệt hại 300 triệu đồng. Trường PTDTNT THCS&THPT huyện Xín Mần bị tốc mái và ngấm dột 1 nhà lưu trú của học sinh, ước tính thiệt hại 20 triệu đồng. Trường Mầm non Lao Chải Vị Xuyên tại trường chính bị sập nhà để xe, nhà kho, vỡ cửa kính.
Ngày 9/9, các phòng GD&ĐT tại Tuyên Quang đã chủ động báo cáo tình hình, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và sở GD&ĐT về việc tạm thời cho học sinh một số đơn vị trường học nghỉ học và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản của các đơn vị. Một số trường THPT trên địa bàn tỉnh cũng cho học sinh nghỉ học ngày 9/9 và cho học bù sau.
Trước đó, Bộ GD&ĐT có công điện gửi giám đốc sở GD&ĐT các tỉnh/thành phố phía Bắc từ Nghệ An trở ra về việc tăng cường ứng phó với cơn bão số 3. Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình thực tế, cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn; tuyệt đối không chủ quan với hoàn lưu sau bão. Đối với những cơ sở giáo dục tổ chức học nội trú, bán trú cần có biện pháp bảo đảm an toàn và chuẩn bị lương thực, nước uống cho học sinh tại ký túc xá; không để các em về nhà trong khi mưa bão, mất an toàn.
Tiếp tục chủ động các biện pháp phòng tránh mưa ngập, lên phương án bảo đảm an toàn các công trình trường học; di dời máy móc, thiết bị dạy học, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để tránh hư hại.