Netflix gỡ tập phim có nội dung không chính xác về Việt Nam trong phim 'MH370'

14-04-2023 15:38:24

Netflix đã gỡ bỏ một tập phim trong loạt series ngắn MH370: The Plane That Disappeared (MH370: Chiếc máy bay biến mất) vì có nội dung sai sự thật về công tác tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam.

Sự kiện:
Netflix


Hiện tại loạt phim chỉ hiển thị hai tập tại Việt Nam. Ảnh chụp màn hình

Theo yêu cầu của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử về nội dung sai sự thật về Việt Nam trong loạt series ngắn "MH370: Chiếc máy bay biến mất", trưa 13/4, Netflix gỡ bỏ toàn bộ tập một của bộ phim này trên kho nội dung của nền tảng này tại Việt Nam. Các tập còn lại vẫn chưa bị ảnh hưởng.

Phát ngôn viên của Netflix phản hồi về vụ việc này: "Căn cứ theo văn bản yêu cầu của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (ABEI) tại Việt Nam, chúng tôi đã gỡ tập 1 trong loạt phim phóng sự 3 tập MH370-Chiếc máy bay biến mất ra khỏi nội dung trên Netflix ở Việt Nam và sẽ công bố trong báo cáo thường niên về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG)".

Bộ phim MH370: The Plane That Disappeared (MH370: Chiếc máy bay biến mất) là series dài 3 tập, với nội dung kể lại câu chuyện về chiếc Boeing 777-200ER mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines. Ngày 8/3/2014, máy bay chở 239 người cất cánh từ Kuala Lumpur, dự kiến tới thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc cùng ngày.

Nhưng sau chưa đầy một tiếng cất cánh, MH370 bị mất liên lạc. Tín hiệu radar cuối cùng cho thấy nó ở quanh khu vực vịnh Thái Lan. Quá trình tìm kiếm kéo dài nhiều tháng nhưng kết quả không khả quan. Phải đến ngày 24/3/2014, Chính phủ Malaysia mới thông báo hành trình của MH370 kết thúc ở tây nam thành phố Perth của Australia.

Đến tháng 1/2015, Malaysia tuyên bố chuyến bay MH370 gặp nạn, toàn bộ 239 hành khách và phi hành đoàn đã thiệt mạng. Đến nay, nguyên nhân máy bay mất tích vẫn chưa được làm rõ.

Đáng chú ý, trong phim, có nội dung cho rằng Việt Nam không hề hợp tác trong việc hỗ trợ tìm kiếm MH370. Nhưng thực tế, nước ta đã điều lực lượng tìm kiếm gồm 10 tàu và 11 máy bay ngay sau khi nhận tin xấu. Trong hơn một tuần, lực lượng Việt Nam hoạt động trên khu vực rộng hơn 100.000 km2 nhưng vẫn không phát hiện dấu vết của máy bay. Sau đó, nước ta dừng tìm kiếm và thông báo các lực lượng cứu hộ nước ngoài rời khỏi vùng biển Việt Nam.

Liên quan đến vụ việc trên, trước đó, tại cuộc họp báo ngày 6/4 ở Hà Nội, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói: "Phim tài liệu MH370 - Chiếc máy bay biến mất đưa ra những nhận định khi không có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng là sai sự thật, không có cơ sở, không phản ánh đúng nỗ lực của Việt Nam và khiến dư luận Việt Nam bất bình".

Bộ Ngoại giao cũng khẳng định ở thời điểm máy bay mất tích, Việt Nam đã chủ động, khẩn trương lên phương án ứng phó, điều này đã được cộng đồng quốc tế và báo chí trong nước công nhận.

Cụ thể, Việt Nam đã điều lực lượng tìm kiếm bao gồm 10 tàu, 11 máy bay để hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, song, dù dù rất nỗ lực nhưng vẫn không thể phát hiện dấu vết của máy bay. Sau hơn một tuần tìm kiếm, Việt Nam đã thông báo các lực lượng cứu hộ nước ngoài rời khỏi vùng biển của nước ta.

Đến tháng 1/2017, giới chức Malaysia, Trung Quốc và Australia thông báo đình chỉ tìm kiếm MH370, kết thúc chiến dịch kéo dài gần 3 năm trên vùng biển có diện tích khoảng 120.000 km2. Tới nay, chưa rõ nguyên nhân máy bay MH370 mất tích.

Đây không phải là lần đầu Netflix phải gỡ phim vì sai phạm. Tháng 7/2022, series Pine Gap bị nhiều khán giả phản ánh có hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp. Tháng 10/2022, phim Hàn Quốc Little Women từng gây xôn xao khi có nội dung xuyên tạc lịch sử Việt Nam, sau đó bị xóa khỏi nền tảng Việt Nam dù chưa kết thúc.

Trước đó, Netflix từng phát hành phim phim Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta (Put your head on my shoulder) và phim Bà ngoại trưởng (Madam Secretary) vào năm 2020. Cả 2 đều bị phát hiện có hình ảnh bản đồ "đường lưỡi bò" trên biển Đông.

 

HT
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //