NATO không còn rào cản tại châu Âu
Theo Telegraph, các nước EU đã chấp thuận để Bulgaria, Romania trở thành thành viên chính thức khối Schengen.
Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Romania, năm 2022.
Bộ trưởng Nội vụ Hungary Sandor Pinter, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU), hôm 12 tháng 12 cho biết: "Đây là khoảnh khắc lịch sử khi cuối cùng chúng tôi cũng được chào đón Bulgaria và Romania".
Hai quốc gia thành viên EU này đã được gia nhập một phần khối đi lại tự do Schengen hồi tháng 3 với việc bỏ kiểm soát biên giới đường không và đường biển, sau 13 năm chờ đợi.
Giáo sư Stevan Gajic, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Châu Âu ở Belgrade, nói: "Thực tế, Schengen nói trên không chỉ là Schengen chính trị, đảm bảo sự di chuyển liền mạch trên khắp châu Âu, mà đây còn là một Schengen quân sự ở châu Âu".
(Schengen là một khu vực gồm 27 quốc gia châu Âu thực hiện chính sách "Khu vực tự do, an ninh, công lý" của Liên minh châu Âu).
"Tôi không ngạc nhiên khi NATO và Mỹ muốn tạo ra một Schengen. Tôi muốn nhấn mạnh rằng lần cuối cùng chúng ta có một khối Schengen châu Âu kiểu này là nước Đức thời Hitler và khi đó châu Âu bị chiếm đóng.
Và chúng ta có thể nói về điều tương tự vì các nước như Phần Lan đã vào NATO mà không có sự đồng ý của người dân của họ. Điều này đặc biệt đúng với người Phần Lan, vì họ có truyền thống trung lập lâu đời", Gajic cho biết.
Vấn đề Schengen quân sự được NATO nêu ra vào năm 2017 sau khi xác định ba loại rào cản khác nhau ở châu Âu: vật lý, pháp lý và quy định/hành chính.
Các rào cản vật lý họ muốn nói đến là cơ sở hạ tầng giao thông hiện có ở EU; các rào cản pháp lý liên quan đến quyền chủ quyền của các quốc gia châu Âu trong việc từ chối quân đội NATO tiếp cận lãnh thổ tương ứng của họ.
Các rào cản pháp lý được định nghĩa là bộ quy tắc gián tiếp cản trở hoạt động của liên minh, sự kiểm soát của cảnh sát, nghĩa vụ khai báo những gì được vận chuyển, cấm sử dụng những con đường cụ thể, v.v.
Tuy nhiên, ý tưởng về một khu vực đi lại tự do không nhận được nhiều sự ủng hộ vào thời điểm đó, nhưng hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine đã được NATO sử dụng để hồi sinh ý tưởng này bằng cách thổi bùng cái gọi là "mối đe dọa từ Nga".
Hồi cuối tháng 11 năm 2023, NATO đã cảnh báo các thành viên của mình rằng thủ tục hành chính hiện có sẽ là vấn đề trong trường hợp xảy ra xung đột giả định.
Trung tướng Alexander Sollfrank, người đứng đầu bộ chỉ huy hậu cần của NATO JSEC, tuyên bố với Reuters: "Chúng ta sắp hết thời gian. Những gì chúng ta không làm được trong thời bình sẽ không sẵn sàng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng chiến tranh".
Giáo sư Gajic nói: "Tôi nghĩ rằng năm mà chúng ta đang ở, 2024, rất rủi ro vì NATO cảm thấy mối đe dọa hiện hữu với tư cách là một tổ chức quan liêu. Đặc biệt khi ông Trump đã thắng cử, ông ấy có thể đưa Mỹ ra khỏi NATO".
Trong nhiệm kỳ tổng thống trước đó, ông Trump liên tục đặt câu hỏi về lý do căn bản đằng sau việc duy trì liên minh thời Chiến tranh Lạnh.
Theo Gajic, các nhà lãnh đạo NATO sẽ làm mọi thứ, kể cả mọi hình thức khiêu khích chống lại Nga, để ngăn ông Trump rời khỏi liên minh.