Mùa đông uống nước như nào để vừa phòng bệnh, vừa đẹp da, đẹp dáng?

27-01-2018 07:35:11

Các nghiên cứu cho biết, nếu cơ thể mất đi 5% nước vào mùa đông, cơ thể người sẽ yếu đi rõ rệt, có cảm giác mệt mỏi, khó ở, đau đầu choáng váng, dễ phát sinh các bệnh nghiêm trọng.

 Thiếu nước, da sẽ nhăn nheo, cơ bắp trở nên mềm yếu, trao đổi chất ngưng trệ. 

Mùa  đông cần uống bao nhiêu nước?

Nhiều người vẫn nghĩ rằng, vào mùa đông, thời tiết lạnh lẽo khiến con người không ra mồ hôi, không bị mất nước nhiều như mùa hè. Do vậy, mọi người không cần uống nhiều nước trong mùa đông. 

Tuy nhiên, thực tế, vẫn có sự "bốc hơi vô hình" qua da, khiến cho mỗi ngày, cơ thể người trưởng thành mất đi khoảng 600ml nước qua da và khoảng 500ml qua phổi. Ngoài ra, con người còn tiêu hao nước qua đường tiểu tiện. 

Như vậy, mỗi ngày chúng ta đào thải khoảng 2500ml nước, trong khi lượng nước thu được trong thực phẩm ăn vào, trong quá trình trao đổi chất chỉ đạt tới 1300ml. Lượng nước 1200ml còn lại để cơ thể có được sự cân bằng, buộc phải cung cấp bằng việc uống nước, như nước sôi, nước giải khát, nước canh...


Cơ thể người lớn cần uống ít nhất 1200ml nước mỗi ngày 

Vậy nên, để duy trì cân bằng nước trong cơ thể, mùa đông cũng cần phải uống nhiều nước. Với người lớn mỗi ngày cần uống ít nhất 1.200ml nước. 

Những khi thời tiết khô hanh, trong điều kiện sưởi ấm hoặc dùng đệm nhiệt, cơ thể đều mất thêm nước. Vì thế, việc tăng lượng nước uống vào là hết sức cần thiết và các bạn nên chủ động uống nước đủ lượng. 

Cơ thể trẻ em càng cần được lưu ý cung cấp nước dồi dào, bởi nước rất quan trọng cho sự phát triển thể chất của bé. Một trẻ 4 tuổi khỏe mạnh cần uống khoảng 500-600ml mỗi ngày. Bạn nên nhắc nhở các bé uống nước đều đặn thay vì chỉ uống khi cảm thấy khát.

Các cách bổ sung nước hiệu quả cho cơ thể

Vào mùa đông, tốt nhất bạn nên uống nước ấm, khoảng 30 độ C. Nước ấm rất có lợi cho cơ thể, ngăn ngừa lão hóa và làm lành các tế bào đang tổn thương. Nước ấm còn giúp cơ thể tăng nhiệt độ, tăng quá trình trao đổi chất.


Cho trẻ uống nước trái cây vừa bù nước, vừa cung cấp dưỡng chất cần thiết

Với trẻ em, có thể lưu ý thêm các biện pháp bổ sung nước sau:

- Các bé cần được bổ sung nước với cơ cấu hợp lý: 60% là nước đun sôi để nguội hoặc nước tinh lọc đóng chai, 20% từ sữa các loại và 20% nước ép trái cây tươi (cam, chanh…).

- Hạn chế cho trẻ uống nước chứa nhiều năng lượng “rỗng” như nước ngọt các loại, nước tăng lực, nước hương trái cây, các thứ nước có chất kích thích như nước chè, cà phê, bia… và các loại nước giải khát có gas.

- Mùa đông, nhiều cha mẹ chú ý không nên cho trẻ uống nước lạnh. Hoặc ngược lại, lại cho trẻ uống nước quá nóng. Như vậy đều không tốt cho trẻ. Dạ dày của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh, uống nước quá lạnh hoặc quá nóng sẽ gây hiện tượng co thắt ruột làm trẻ bị đau bụng.

Nguyễn Diệp (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //