Mong dự thảo Luật Nhà giáo được thông qua để giáo viên hạnh phúc với nghề
Hơn 1,6 triệu nhà giáo mong dự thảo Luật Nhà giáo được thông qua trong kỳ họp Quốc hội gần nhất để giáo viên thật sự hạnh phúc, sống được với nghề.
Tháo gỡ khó khăn cho ngành giáo dục và đào tạo
Theo ông Đỗ Huy Khánh (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai), việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo là cần thiết, phù hợp với thực tiễn cũng như chủ trương của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn hiện nay để có thể phân cấp, quản lý cũng như tháo gỡ những khó khăn cho ngành giáo dục và đào tạo.
Hơn 1,6 triệu thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục mong chờ dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được thông qua trong kỳ họp của Quốc hội gần nhất để các thầy, cô giáo thật sự hạnh phúc với nghề, vui với nghề và sống được với nghề của mình.
Ông Đỗ Huy Khánh nhấn mạnh, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng con người là vốn quý cao nhất, yếu tố quyết định sự nghiệp cách mạng. Người cũng thường xuyên nhắc nhở “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích 100 năm trồng người”.
Tư tưởng giáo dục ấy không chỉ bó hẹp trong việc giáo dục tri thức, học vấn, mà có tính bao quát, sâu xa nhưng vô cùng sinh động và thiết thực nhằm tạo ra những con người toàn diện, vừa hồng vừa chuyên. Người cũng chỉ rõ, để nâng cao chất lượng giáo dục, chúng ta phải thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên, vì không có giáo viên thì không có giáo dục.
Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - nêu rõ, phải nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo trong việc quyết định biên chế, tổ chức bộ máy, chính sách đối với nhà giáo và phân bổ ngân sách nhà nước cho ngành giáo dục và đào tạo.
Tại buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị, cần tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đức, có tài, là những người đam mê, nhiệt huyết, kỹ năng, kiến thức và có khả năng truyền thụ kiến thức đến học sinh.
Ông Đỗ Huy Khánh.
Tránh tình trạng không quản được thì cấm
Tại điểm c khoản 2 Điều 11 - các hành vi bị nghiêm cấm có ghi: Ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, các khoản nộp tiền ngoài quyết định của pháp luật. Về nội dung này còn nhiều ý kiến tranh luận, do đó ông Đỗ Huy Khánh đề nghị, Bộ GD&ĐT cần phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để ban hành nghị định, thông tư để hướng dẫn. Bởi thực chất học thêm là nhu cầu cần thiết của xã hội.
“Hiện, dư luận xã hội có hai luồng: cấm và quản lý. Thực tế, con em của công nhân, khi họ tăng ca buổi chiều nên không đón con được. Vì thế, phụ huynh gửi gắm con em cho các thầy cô giáo quản lý và đến 8-9 giờ tối họ mới đón con. Do đó, chúng ta cần có cơ chế quản lý để bảo vệ các thầy, cô giáo” - ông Đỗ Huy Khánh nêu ý kiến.
Tại điểm b khoản 1 Điều 16 quy định tuyển dụng nhà giáo và phương thức tuyển dụng là: thông qua xét tuyển và thi tuyển; trong đó phải có thực hành sư phạm. Một số ý kiến cho rằng, không cần thiết phải thực hành sư phạm nhưng đây là ngành đặc thù riêng.
Trong trường đại học sư phạm cần có bộ môn phương pháp, cần có kiến tập và thực tập thì khi thực hành sư phạm mới có đủ kỹ năng của một giáo viên đứng trên bục giảng để có thể giảng dạy cho học sinh.
Cho rằng, giáo viên mầm non là những con người vất vả, đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Nai chia sẻ, trong khi chúng ta làm việc từ 7 giờ thì giáo viên mầm non làm việc từ 6 giờ và về nhà là 7 giờ tối. Trong triết lý giáo dục thay đổi thế giới, Nelson Mandela cho rằng, "Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần dùng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa, chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi".
Hiến pháp năm 2013 ghi rõ "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài". Vì vậy, với trách nhiệm của Quốc hội, cơ quan lập pháp, ông Đỗ Huy Khánh mong muốn chúng ta đóng góp xây dựng Luật Nhà giáo vì mục tiêu chung, vì sự phát triển của đất nước để giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu.