"Mẻ lưới" giăng ra và phát đạn găm vào vai để gã giang hồ biết thế nào là "chơi với súng"
Nhắc tới chiến tích bắt tên giang hồ đất Cảng Vũ Văn Thơ, các trinh sát lão luyện ngày xưa vẫn cứ tự hào về cảnh bắt gọn tên cướp cực kỳ nguy hiểm này.
LTS: Đã 15 năm rồi nhưng cứ đến ngày truyền thống cuả lực lượng Công an, nhân dân thành phố Cảng lại thêm một lần tự hào về những chiến sĩ bảo vệ an ninh quê mình khi truyền hình thành phố phát lại những hình ảnh mà họ chỉ thấy… trên phim hành động, ấy là cảnh quay dựng lại cuộc truy bắt tên Vũ Văn Thơ, một tên tướng cướp cực kỳ nguy hiểm. Với hai khẩu súng cùng…nửa thúng đạn luôn mang sẵn trên thuyền, Thơ cùng đồng bọn đã thành cơn ác mộng của ngư dân cùng thuyền buôn trên sông Bạch Đằng lúc bây giờ.
“Kình ngư” gieo hoạ
Thơ quê ở Minh Đức, Thuỷ Nguyên. Nếu không liếc qua “bản thành tích bất hảo” thì có lẽ chẳng ai dám nghĩ Thơ lại là một tên tướng cướp bởi y tạng người nhỏ nhắn, nước da trắng trẻo và khuôn mặt rất đỗi thư sinh. Mọi người bảo, tạo hoá cho Thơ vóc dáng ấy cũng có thể là một sự chớ trêu, nhầm lẫn cũng có thể là một chủ ý rõ ràng, ấy là lấy cái vẻ bề ngoài nho nhã để che đậy đi một tâm hồn cộc cằn, lạnh lùng đến tàn bạo của gã giang hồ đất Cảng.
Bến phà Rừng, nơi gã giang hồ đất Cảng Vũ Văn Thơ thường xuyên hoạt động
Cả hai “mục đích” trên, với Thơ, tạo hoá đều thành công mỹ mãn. Thơ lầm lì ít nói nhưng đã nói là làm và đã làm thì đến những tên anh chị khét tiếng côn đồ cũng phải rùng mình. Nhiều người bảo, sau này, giang hồ đất Cảng có duy nhất một nhân vật “đủ sức” làm “sống lại” hình ảnh của Thơ ngày trước, ấy là Đinh Văn Lĩnh (Lĩnh “cu”), một sát thủ nhí có dòng máu lạnh ở băng nhóm do tên Phạm Đình Nên (Cu Nên) cầm đầu. Tàn bạo, lạnh lùng khi tuổi đời còn rất trẻ.
Hơn 20 tuổi, Thơ đã “được” vào bóc lịch tại trại giam Phi Liệt, trại Xuân Nguyên (Thuỷ Nguyên). Bây giờ, một trại Trung ương chuyên giam giữ những tên tội phạm nguy hiểm, đình đám. Thấy vẻ mặt búng ra sữa của Thơ, nhiều “đại bàng” cứ nghĩ hắn là thằng “cu con”, chỉ cần khẽ ho là hãi như gặp cọp, tha hồ mà sai vặt đủ điều. Thế nhưng, chỉ nằm sau song sắt với nhau ít ngày, mọi người đã biết mình nhầm.
Một lần, tuy chưa hề ra tay gây dựng “chiến tích” gì với “những người cùng cảnh ngộ”, nhưng một lần chứng kiến cảnh Thơ thản nhiên nằm ngủ khi ngay sát đó, hai tên đầu gấu đang nện nhau tơi tả, thì tất thảy các anh chị trong trại đã phải lắc đầu bái phục “bản lĩnh khác người” của Thơ và không ai còn giữ ý định quy hàng y nữa.
Không những thế, nhiều đại ca “số má” đầy người, ở ngoài thì tiếng tăm lừng lẫy, nhưng vào trại, chỉ một lần “biết mặt” Thơ đã nhũn như con chi chi, nếu không cum cúp dạ vâng như những kẻ mới chập chững “học nghề” thì cũng vội vàng dành cho y muôn vàn “ưu ái”. Ở tù, nhưng chưa bao giờ Thơ nguôi ngoai trong đầu ý đồ vượt ngục và đầu năm 1989, y đã thành công.
Thời đó, Phi Liệt là trại giam mà phạm nhân vô cùng ngán ngẩm bởi đã “lỡ” bước vào thì chỉ khi nào mãn hạn mới có chuyện ra, đừng mơ mộng đến việc đào tẩu vì trại được canh phòng vô cùng cẩn mật. Thế nhưng, Thơ vẫn mất hút lạ lùng như nước bốc hơi. Đến giờ, rất ít người biết rõ Thơ đã trốn trại như thế nào. Nhiều người đồn rằng, y đã dùng khổ nhục kế để qua mắt giám thị. Lấy bật lửa để tự thiêu cánh tay mình và “chăm sóc” vết thương ấy bằng tất cả những thứ… bẩn thỉu nhất để vết loét nhiễm trùng ngày một trầm trọng. Và rồi, lợi dụng sơ hở khi nằm điều trị vết thương tại trạm xá, y đã nhanh chân tẩu thoát.
Không như những tên tù trốn trại khác, thoát khỏi trại giam là lặn một hơi dài đến vùng đất khác “làm ăn”, Thơ ngang nhiên ở lại Thuỷ Nguyên, mặc kệ công an cùng quản giáo trại truy lùng ráo riết. Ăn cướp, đó là việc đầu tiên Thơ nghĩ đến khi thoát khỏi trại giam bởi theo y, đó con đường duy nhất và nhanh nhất có thể giúp y gây dựng “tên tuổi” cho mình. Rút kính nghiệm lần trước, lớ ngớ phải tra tay vào còng, lần này y quyết tâm trang bị cho mình đầy đủ “đồ nghề” để khi cần thì “trả lời” sòng phẳng những cuộc truy bắt của công an.
Như nhiều đối tượng khác ở Hải Phòng, tên cướp khét tiếng này đều sử dụng hàng nóng trong những lần "ra tay". Ảnh minh họa
Đánh hơi thấy một đơn vị quân đội đóng trên địa bàn huyện nhà có vẻ lơi là trong việc bảo quản súng đạn, y dày công nghiên cứu đường đi lối lại và một đêm mưa bão, y đã lẻn vào. Thủa chưa ăn cơm giang hồ, đã có thời gian dài Thơ theo nghề chài lưới. Y bơi lội cừ như rái cá. Đã có lần bị tập kích bất ngờ, không kịp chống trả, y văng mình xuống sông rồi mất tăm giữa ban ngày ban mặt. Tuy chôm chỉ được 1 khẩu CKC với một thùng đạn còn nguyên đai nguyên kiện nhưng để tiện cho việc “làm ăn” và đối phó với những cuộc truy lùng, y đã chọn sông Bạch Đằng làm sào huyệt và sống ẩn dật trên thuyền như những ngư dân thực thụ.
Máu lạnh, lại sẵn súng đạn bên mình nên Thơ đã ra tay rất tàn bạo. Không vụ cướp nào mà khẩu CKC lại không nhả những phát đạn điên cuồng. Cứ lúp xúp trên chiếc thuyền nan, tiếp cận con mồi rồi bất ngờ xả đạn, Thơ đã làm cả khúc sông Bạch Đằng, đặc biệt là cửa Nam Triệu rùng mình kinh hãi. Có lần, tiếp cận một thuyền hai cha con dân chài từ Quảng Ninh sang, chĩa súng mọi người đã sợ xanh mặt, nhưng để “làm việc” được… thuận lợi, Thơ đã chẳng chút đắn đo khi liên tiếp xả đạn làm người cha chết ngay tại chỗ. Người con bị thương nặng may mắn thoát chết bởi thấy thấy tiếng súng, dân chài quay đó đã chĩa đèn vào, sợ mọi người thấy mặt nên tên ác thú vội vã rút êm.
"Thu mẻ lưới" ngoài mong đợi
Những vụ cướp giết dã man liên tiếp xảy ra trên sông Bạch Đằng đã khiến công an huyện Thuỷ Nguyên mất ăn mất ngủ. Là kẻ ranh mãnh nên sau những vụ cướp Thơ đã nhanh chóng xoá mọi dấu vết trước khi tẩu tán vậy nên bóng dáng tên tội phạm với các trinh sát vẫn chỉ là con số không tròn trĩnh. Tuy vậy vẫn có cơ sở để các trinh sát đi đến một nhận định, kẻ thủ ác là người bản xứ, bởi tất cả các nạn nhân được y cho “ăn đạn” không ai là người Thuỷ Nguyên mà đều là người từ nơi khác đến. Có thể, sợ lộ mặt nên hắn không dám xuống tay với dân bản địa. Thế nhưng hắn là ai trong số những đối tượng được các trinh sát khoanh vùng (tất nhiên có cả mặt Vũ Văn Thơ, tên tù trốn trại) vẫn chỉ là một câu hỏi không lời giải đáp.
Giang hồ đất Cảng Vũ Văn Thơ luôn kè kè khẩu CKC và thùng đạn trên thuyền. Ảnh minh họa
Giữa lúc mọi việc đang rối như canh hẹ thì trên địa bàn Thuỷ Nguyên lại xảy ra một vụ trọng án. Từ những thông tin thu được từ vụ trọng án này, bóng dáng Vũ Văn Thơ mới dần lộ diện. Nhà anh L., Trưởng công an xã Lập Lễ bị hai tên cướp xách súng đến “hỏi thăm”, cướp đi chiếc xe máy 81, một tài sản kếch sù thời đó.
Qua công tác nắm tình hình, điều tra các trinh sát khẳng định vụ cướp trên do 2 tên Thời và Nghị (cũng ở Thuỷ Nguyên) gây ra. Thế nhưng, sau khi gây án, do mâu thuẫn nội bộ, Thời đã bị đồng bọn bắn chết, Nghị bỏ trốn và cũng bị công an Thái Nguyên tiêu diệt trong một lần gây án tại đó. Đồng bọn của Nghị ở Thái Nguyên là Bình “chập” chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào lại dạt về Thuỷ Nguyên ẩn náu, và rất tình cờ, hắn bị bắt ngay tại bến phà Rừng.
Đấu tranh khai thác Bình “chập”, các trinh sát được biết, Thời và Nghị từng là tác giả của rất nhiều vụ cướp giật khác, tài sản chúng cướp được thường được tiêu thụ ở ngay tại Lập Lễ và một số ít tẩu tán ra ngoài thành phố. Xuống Lập Lễ, theo nguồn tin của quần chúng, trinh sát đã phát hiện tên C. thường xuyên có đài, ti vi bán mà không rõ nguồn gốc từ đâu. Làm rõ nguồn gốc những tài sản ấy, thì mọi người mới té ngửa, chúng là tang vật của những vụ cướp giết trên sông Bạch Đằng.
C. nhanh chóng bị bắt. Và, điều hắn khai đã làm các trinh sát gỡ được mối bòng bong rối rắm từ mấy tháng nay, hắn mua lại những thứ đó từ 2 tên M. (Mai), Đ. (Đỏ) (cũng người Thuỷ Nguyên). Đ. và M. là anh em ruột, và thị Đ. có một “người tình giấu mặt” bởi chẳng mấy khi hắn xuất hiện ở chỗ đông người. Hắn chính là Vũ Văn Thơ, tên tù trốn trại. Vậy là, ngay lập tức mọi hành động của Đ. và M. được các trinh sát cực kỳ “quan tâm”..Và từ hai đối tượng đó, qua công tác nắm tình hình, các trinh sát khẳng định Vũ Văn Thơ chính là hung thủ của những vụ cướp giết kinh hoàng liên tiếp xảy ra trong mấy tháng qua.
Lệnh bắt Vũ Văn Thơ được khẩn cấp phê duyệt nhưng theo nguồn tin của quần chúng, Thơ luôn kè kè súng và nửa thúng đạn bên mình nên bắt hắn sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu không có một kế hoạch bất ngờ.
Hôm đó là một sáng cuối tháng 8/1989. Nhận được tin báo, Thơ cùng người tình đánh thuyền từ Bạch Đằng về Mỏm Giá, ngay cạnh bến Rừng. Kế hoạch bắt hắn ngay tại đó được các trinh sát công an huyện Thuỷ Nguyên nhanh chóng triển khai. Thế nhưng, cũng theo tin báo, ngoài Thơ và người tình, trên thuyền của hắn còn có một trẻ nhỏ. Và, nếu sơ xảy thì hậu quả sẽ rất khó lường bởi chắc chắn hắn sẽ bắt đứa trẻ này làm con tin để khống chế lực lượng vây bắt.
Khi thuyền sắp về tới bến, Thơ đã gờn gợn khi thấy từ xa một chiếc xà lan hướng về thuyền của hắn từ từ lao tới. Bảo người tình cứ tiếp tục chèo đò, hắn vội vàng kéo chiếc bao để súng và thúng đạn về sát về phía mình, phòng khi bất trắc. Chiếc xà lan vẫn cứ lầm lũi lao đến. Nghĩ là sắp có chuyện chẳng lành, Thơ vội vàng tra đạn vào khẩu súng tự tạo mới “thửa” và khẩu CKC, hắn cũng lên đạn sẵn sàng. Thế nhưng, khi chiếc xà lan tiến tới gần, Thơ thở phào khi thấy trên khoang xà lan ăm ắp cát và trên mũi mấy ông “cửu vạn” quần áo lôi thôi đang ngân cổ kéo thuốc lào xoành xoạch.
Tiến lại sát thuyền Thơ, một “ông” đứng dậy, í ới hỏi: “Có mớ cá nào ngon để cho tụi này một ít vợ chồng bác chài ơi!”. Không còn nghi ngờ gì nữa, tuy vậy, cảnh giác, hắn vẫn không muốn ai đến gần thuyền mình, nên lắc đầu và ra hiệu cho người tình đánh thuyền đi. Nhưng, không còn kịp nữa, bởi nhanh như cắt, hai ông “cửu vạn” đang say mê với khói thuốc lào bỗng quăng điếu và như có cánh họ nhảy phắt sang thuyền của Thơ.
Biết là đã có chuyện, hắn vội vàng nghiêng thuyền hòng hất hai vị khách không mời đang đứng chưa vững xuống sông nhưng vô vọng. Vồ lấy khẩu súng nhưng chưa kịp xiết cò thì hắn đã thấy buốt nhói ở vai. Một trinh sát đã nhanh tay cho hắn biết thế nào là chơi với súng. Buông súng, ôm vai quỵ xuống, Thơ bị bắt gọn gàng hơn là mong đợi.
Với những tội ác tày đình đã gây ra, Vũ Văn Thơ đã bị kết án tử hình. Để đưa tin về chiến công này, truyền hình Hải Phòng đã xuống tận nơi diễn ra cảnh truy bắt, và nhờ chính những trinh sát tham gia cuộc bắt giữ ngoạn mục ấy diễn lại. Thế nhưng, có lẽ trước tội phạm nguy hiểm, sức mạnh của các trinh sát được nhân lên bội phần, bởi khi diễn lại thì chẳng anh nào thực hiện được động tác… bay từ xà lan sang thuyền của đối tượng cả. Cố gắng năm bảy lượt, ngã trượt cả chân mà vẫn… “đóng” không thành, cứ vọt ra khỏi xà lan là lại rơi tõm xuống sông.