Mẹ Đỗ Nhật Nam chia sẻ cách dạy con: "Đừng mắng dài, khoảng 10 giây là đủ"
Bài viết về cách giáo dục con cái trên trang cá nhân của chị Phan Hồ Điệp - mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam thu hút được sự chú ý của nhiều người.
Chị Phan Hồ Điệp, mẹ của bé Nhật Nam vừa đăng tải một bài viết trên trang cá nhân, chia sẻ về những sai lầm khi bố mẹ giáo dục con cái đã thu hút được sự chú ý của cư dân mạng.
Sau khi đăng tải, bài viết trên nhận được 4.600 lượt thích, gần 300 lượt chia sẻ và rất nhiều bình luận. Từ bài viết này, nhiều người đã rút ra được những bài học kinh nghiệm cho mình trong việc dạy con cái.
Mẹ Đỗ Nhật Nam chia sẻ cách dạy con trên trang cá nhân
Dưới đây là nội dung chia sẻ được chị Phan Hồ Điệp đăng tải trên trang cá nhân:
“Có một số cha mẹ thường tỏ ra không quan tâm đến thành tích của con. Cha mẹ hay nói: Cho con tận hưởng đi, vui vẻ đi, kiến thức học đường không phải là tất cả. Thế nhưng trong các kì thi thể thao, thi học sinh giỏi, cha mẹ đau khổ khi thấy con không đạt được thành tích như mong đợi.
Bên ngoài tỏ ra tươi cười, nói với mọi người: Ôi vui ấy mà, cho chúng trải nghiệm thôi, nhưng trong bụng nghĩ thầm: Trời ơi, thật là phí công mình rèn giũa. Thậm chí một số cha mẹ sẽ lôi con vào góc khuất và giận dữ: Con làm xấu mặt bố mẹ. Con phải tiến lên, nghe chưa.
Có một số cha mẹ muốn quyết định mọi việc thay con. Khi con nhỏ thì ăn món gì, chơi đồ chơi gì, mặc quần áo nào… Khi lớn lên thì học trường nào, yêu ai, chơi với ai… Nếu con cái đi chệch khỏi quyết định đó là cha mẹ đau khổ và họ cảm thấy đứa con đã tuột khỏi tay mình.
Có một số cha mẹ coi con là “cái rốn của vũ trụ”. Trong nhà, mọi người đều quay quanh đứa trẻ. Người giúp việc sẽ chạy theo van nài nếu trẻ không chịu ăn. Một số người khác sẽ bị mắng nếu để trẻ bị lạnh, bị ngã. Mọi lời góp ý về hành vi và tính cách của trẻ đều bị coi là “vớ vẩn”.
Có một số cha mẹ bỏ mặc con. Cha mẹ lúc nào cũng nghĩ rằng kiếm được tiền mang về là quá đủ rồi, rằng trẻ con thì biết gì. Cha mẹ tự thấy các mối quan hệ của mình quan trọng hơn, cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn. Cha mẹ sẵn sàng để con chơi một mình để vùi mình trong các cuộc hẹn, cuộc nhậu.
Có một số cha mẹ đẩy con cái vào các cuộc đua: trường chuyên lớp chọn, các kì thi, các trận thi đấu. Họ luôn cho rằng, đó là mình đang lo cho con, đang phấn đấu vì hạnh phúc của con.
Có một số cha mẹ…
Bây giờ khi đọc xong, chắc bạn sẽ đặt câu hỏi: Thế mình thuộc kiểu cha mẹ nào?
Câu trả lời có lẽ là… tổng hợp các kiểu trên, mỗi thứ một ít.
Đôi khi mình cũng hãnh tiến, cũng cảm thấy khó chịu, thấy buồn khi con không đạt thành tích như mong muốn. Đôi khi mình cũng nuông chiều con, quyết định thay cho con, khó chấp nhận lời nhận xét của người khác.
Biết là sai và sửa dần thôi.
Hai mẹ con Đỗ Nhật Nam chụp ảnh tình cảm
Và mình nghĩ, thực sự chẳng ai có thể hoàn toàn nhận mình rằng mình đã nuôi con một cách thật khoa học và tuyệt vời. Ngay cả những người vốn viết trên status rất hay nhưng trong những góc khuất, mình tin vẫn đâu đó mắc sai lầm.
Và đó mới thực sự là cuộc đời.
Mình tin chắc phải qua rất nhiều thời gian, rất nhiều sự ghi nhận và trải nghiệm bạn mới thực sự hiểu được những điều cực đơn giản như:
- Vui chơi trong tự nhiên là bài học tuyệt vời của trẻ.
- Khuyết điểm cũng là một phần của trẻ và bạn cần chấp nhận điều đó.
- Khen nhiều không phải là tốt.
- Khi mắng, đừng mắng dài, khoảng 10s là đủ rồi.
- Trí thông minh không hoàn toàn quyết định sự thành công.
- Việc sinh hoạt điều độ, ăn ngủ đủ giấc, lành mạnh là điều quan trọng để đem đến cho trẻ đời sống tinh thần cũng như trí tuệ tốt nhất mà trẻ có thể đạt được.
- Việc dạy cho trẻ sự tích cực, hào hứng, vui vẻ, khả năng hòa nhập rất quan trọng.
- Trẻ cần được phát triển khả năng quan sát, tưởng tượng, liên tưởng, phản biện.
Và còn thêm nhiều gạch đầu dòng nữa.
Nói thì dễ, ai cũng nói được. Nhưng chỉ cần đối đầu với cơn nóng giận của trẻ, những lỗi lầm của trẻ, sự cẩu thả của trẻ… mọi điều bạn vốn tâm niệm lại bay hết ra khỏi đầu.
Mình cũng thường nói hay hơn làm.
Nhưng mình tin nếu chịu khó học hỏi và điều chỉnh rồi bạn sẽ trở thành kiểu bố mẹ của riêng con bạn, riêng trái tim con bạn nắm giữ.
Mình tin là vậy!”.