Liều mình mót vàng dưới con nước thủy điện Đăk Mil 4
Dưới chân con đập thủy điện Đắk Mi 4, hàng trăm bóng người cặm cụi đào xới, mót vàng dưới lòng sông bất chấp dòng nước lũ tử thần có thể tràn về bất kỳ lúc nào.
Người dân dầm mình đãi vàng trên sông Trường, dưới hạ lưu thủy điện Đăk Mil 4
Những khuôn mặt vàng võ nghèo khó bỏ rừng rẫy ngày ngày ngụp lặn dưới dòng nước để mong đổi miếng cơm từng ngày.
Những ngày gần đây, những trận mưa lớn từ đầu nguồn đổ về khiến thủy điện Đắk Mi 4 (Phước Sơn, Quảng Nam) phải xả lũ liên tục. Nước về, vàng cám theo dòng nước về xuôi. Tranh thủ thời điểm này, hàng trăm người dân ở các xã dưới hạ lưu của thủy điện này rủ nhau ra sông đãi vàng.
Dưới lòng sông Trường đoạn qua xã Phước Hiệp (Phước Sơn, Quảng Nam) từng tốp người, phần đông là phụ nữ xanh xao, tiều tụy cặm cụi đào đãi những rổ đất to để kiếm chút vàng. Thấy tôi mon men lại gần hỏi chuyện, một phu nữ dừng tay chao chiếc chảo to đùng nghẹn ngào: “Nhà tui dưới kia, vì khổ quá mới phải đến đây.
Nhà nghèo quá không có việc chi làm nên thấy mọi người ra đây đãi vàng tôi cũng đi theo. Làm quần quật từ sáng đến tối, ngày cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn thôi!”.
Thời gian gần đây, từ sáng sớm hàng chục người trong đó có cả phụ nữ và trẻ em ở xã Phước Hiệp lại gồng gánh đồ đạc ra sông từ sáng sớm. Họ bất chấp trời mùa đông miền sơn cước lạnh tê tái vẫn phong phanh áo mỏng ngâm mình dưới dòng nước ngầu đục để lăn theo ám ảnh vàng.
Mỗi người một chiếc chảo nhỏ, cặm cụi xúc đất, xúc cả đá và sỏi đổ vào chảo rồi chao qua dòng nước. Từng chút đất đá một được họ gạt ra, rồi lại chao. Cứ thế những cánh tay cần mẫn và đều đặn mỗi phút mỗi giờ để hy vọng có những cám vàng bám vào đáy chảo.
Người dân dầm mình đãi vàng dưới lòng sông Trường, dưới hạ lưu thủy điện Đăk Mil 4
Một nữ phu vàng khuôn mặt lấm lem bùn đất, khắc khổ, bàn tay lở loét sâu vào tận da thịt vì nhiều ngày ngâm dưới dòng nước đục cho biết, đa phần người đến dòng sông đãi vàng, mót vàng cám này đều là người dân ở quanh đây.
Cuộc sống khó khăn quá nên khi nước từ thượng nguồn về mang theo những cám vàng từ phù sa thượng, mọi người lại dắt díu nhau ra mót đãi. Quần quật cả ngày nhưng nhiều hôm chẳng được gì. Biết là may rủi nhưng ai cũng đổ ra sông với hy vọng sẽ kiếm được chút ít tiền trang trải cuộc sống.
Rất nhiều phụ nữ và trẻ em tham gia đãi vàng trên sông Trường
Chị Hồ Thị Ngà (38 tuổi, xã Phước Hiệp, Phước Sơn, Quảng Nam) bảo, nhà chị bị lũ cuốn, gia tài nghèo chẳng còn gì. Chị cùng đứa con ra đây ngày ngày lắc chảo đào đãi, kiếm vài chục ngàn gạo mắm qua ngày.
Tôi nhìn lên phía thượng nguồn, nơi những đám mây núi vẫn vần vũ, chợt tê tái khi nghĩ đến cảnh nước thủy điện xả lũ tràn về. Hàng trăm con người đang cặm cụi mót vàng dưới lòng sông này liệu có chạy kịp.
Chị Ngà cười, cái cười cam chịu: “Thì đành vậy. Thủy điện họ xả lũ họ có bắc loa thông báo, mình chịu khó nghe loa thôi. Nghe họ xả lũ thì mình không xuống sông đãi vàng nữa. Họ hết xả thì mình lại xuống. Ngày nào xả lũ coi như ngày đó đói. Mình đói, nhiều người ở đây cũng đói!”.
Đãi vàng trên sông Trường tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm
Vất vả, hiểm nguy nhưng ngày qua ngày, hàng trăm người vẫn cặm cụi neo mình ở đáy sông. Với những người mót vàng này, miệng lở, mắt loét, chân, tay bị nước ăn, là điều bình thường. Còn đứt tay, chảy máu, cảm sốt do dầm mưa là chuyện “cơm bữa”.
Sông Trường những ngày không xả lũ nước lặng lờ trôi, nhưng chị Ngà bảo, nếu xả lũ thì chỉ trong phút chốc cả dòng sông trở thành biển nước, những hố vàng sẽ trở thành xoáy nước, ngầu đục những phù sa thượng nguồn.
Bà Nguyễn Thị Trà My - PCT UBND xã Phước Hiệp cho biết, thời gian qua chính quyền địa phương đã nhiều lần truy quét nhằm hạn chế tình trạng đãi vàng trái phép và trực tiếp giao cho xã trực tiếp tổ chức người canh giữ, nhưng cấm được một thời gian thì người dân lại lén lút hoạt động.
Giải pháp tạm thời để bảo vệ người dân là thủy điện Đắk Mi 4 mỗi khi xả lũ bất ngờ thì sẽ có loa thông báo, để đảm bảo an toàn cho người dân đang đánh bắt và đãi vàng ở khu vực hạ du sông Trường để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Mùa này vẫn còn mưa lũ và thủy điện sẽ vẫn phải xả. Dù mỗi lần xã lũ đều có loa thông báo để người dân phòng tránh. Thế nhưng, với những người đang lầm lũi dầm mình trong dòng sông Trường, liệu có lúc nào đó họ không nghe được thông báo? Lúc ấy, hậu quả sẽ khủng khiếp.