Mạnh tay xử lý tin nhắn, cuộc gọi rác phòng ngừa lừa đảo
Anh Trần Tuấn Linh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây, anh liên tục nhận được các cuộc gọi từ nhiều số điện thoại lạ.
Nhiều người dùng vẫn thường xuyên bị làm phiền bởi các cuộc gọi quảng cáo dịch vụ. Ảnh minh họa: INT
Dù Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà mạng triển khai hàng loạt biện pháp giúp giảm thiểu sim rác, nhưng nhiều người dân vẫn bị làm phiền bởi các cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.
Những cuộc gọi vô danh...
Anh Trần Tuấn Linh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây, anh liên tục nhận được các cuộc gọi từ nhiều số điện thoại lạ.
“Từ những cuộc gọi giới thiệu sàn chứng khoán điện tử, tham gia các hội nhóm đầu tư đến giới thiệu dự án bất động sản,... Thậm chí những cuộc gọi lừa đảo giao hàng chuyển khoản vẫn làm phiền tôi mỗi ngày”, anh Linh chia sẻ.
Tình trạng tương tự cũng xả ra với anh Nguyễn Đình Quân (huyện Thanh Trì, hà Nội) cho biết: “Hầu như ngày nào tôi cũng nhận được các cuộc gọi chào mời tham gia các hội nhóm đầu tư trên Telegram, đến cả những cuộc gọi mạo danh cán bộ Nhà nước với đầy đủ những thông tin cá nhân của tôi như số nhà, CCCD... Có ngày, tôi nhận được hơn chục cuộc gọi như vậy”.
Đáng nói, không chỉ liên tục bị gọi điện làm phiền, những số điện thoại này còn liên tiếp gửi tin nhắn cùng những đường link lạ và yêu cầu làm theo hướng dẫn... Các cuộc gọi, nhắn tin diễn ra bất kỳ thời điểm nào trong ngày, nhất là trong giờ làm việc hành chính, làm mất thời gian và ảnh hưởng tới công việc của người dân.
Chia sẻ với báo chí, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu - Trung tâm Giám sát An toàn Không mạng quốc gia (NCSC, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, cơ quan chức năng thời gian vừa qua đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn tình trạng này. Tuy nhiên, sự cảnh giác của người dân vẫn là điều vô cùng quan trọng.
Chuyên gia khuyến cáo, khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo mang tính chất lừa đảo, kiếm tiền, đầu tư hay cảm thấy bất kỳ sự nghi ngờ nào, người dùng cần phải chặn ngay số điện thoại và báo cáo thông tin thuê bao đó lên trang web chongthurac.vn. Bên cạnh đó, bản thân mỗi người dùng cũng phải trang bị đầy đủ các kiến thức cảnh giác. Không đăng tải những thông tin cá nhân lên mạng xã hội.
“Ngoài ra, người dùng cũng cần tự mình nâng cao nhận thức về cách xử lý khi nhận được tin nhắn rác, cuộc gọi rác, sẵn sàng cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để truy vết ra các đối tượng lừa đảo”, chuyên gia khuyến cáo.
Cần xử lý nghiêm hành vi sử dụng SIM rác gọi đến người dân có dấu hiệu lừa đảo.
Tăng cường vai trò của truyền thông
Trước những tồn tại trên, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm xử lý các vấn đề liên quan đến sim rác cũng như tình trạng lừa đảo trực tuyến, trong đó chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động tiếp tục thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý sim rác; tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng.
Đồng thời, chuyển Bộ Công an để xử lý các cuộc gọi lừa đảo; điều tra, xử lý các trạm phát sóng BTS giả; đôn đốc kiểm tra, đánh giá việc xây dựng triển khai các hệ thống ngăn chặn cuộc gọi rác có sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI); cung cấp cho người dùng các công cụ để có thể chủ động ngăn chặn cuộc gọi rác.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện sim được phát triển mới không đúng quy định.
Trong trường hợp phát hiện vi phạm, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức thanh tra, xử lý vi phạm, nếu cần thiết có thể xem xét ở mức cao nhất là dừng phát triển thuê bao, đồng thời xem xét có văn bản nhắc nhở người đứng đầu các doanh nghiệp và báo cáo Thủ tướng xem xét để có hình thức kỷ luật.
Bên cạnh đó, bộ đã triển khai định danh cuộc gọi (voice brandname) cho các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp. Đây là giải pháp giúp cơ quan, doanh nghiệp có thể hiển thị tên đơn vị, thương hiệu của mình khi gọi điện tới người dân, khách hàng. Người dân sẽ biết được cơ quan, đơn vị nào đang thực hiện cuộc gọi, từ đó có thể đưa ra lựa chọn nghe máy.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về việc sử dụng sim có thông tin thuê bao đúng quy định, đúng với thông tin của mình, bởi, trong công cuộc chuyển đổi số, sim thuê bao không chỉ liên quan đến các hoạt động nghe, gọi, nhắn tin mà còn liên quan đến các ứng dụng về tài chính, các đầu mối giao dịch quan trọng.
Do đó, việc để tên người khác trên thuê bao của mình có thể dẫn đến những nguy cơ, hệ lụy không đáng có. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, trong các giải pháp xử lý sim rác nhằm ngăn chặn lừa đảo thì yếu tố tuyên truyền vẫn là một giải pháp quan trọng hàng đầu và có tính lâu dài.
Vì vậy, bộ đã chỉ đạo các cơ quan báo chí tổ chức chuyên mục để cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo trực tuyến, sử dụng hệ thống thông tin cơ sở là loa phát thanh phường, xã để thông tin thường xuyên tới bà con.
Bên cạnh đó, Cục Viễn thông cần thường xuyên phối hợp với sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố thực hiện rà soát, phát hiện các vi phạm, dấu hiệu vi phạm; báo cáo lãnh đạo Bộ và có đề xuất thanh tra, kiểm tra để xử lý triệt để các vi phạm trong việc mua, bán sim rác.
Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần viễn thông tin học Việt Nam. Công ty đã có hành vi thực hiện cuộc gọi rác, theo quy định tại điểm b Khoản 6 Điều 94 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông...; được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 14/2022/NĐ-CP). Theo Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, tháng 7/2024, Công ty Cổ phần viễn thông tin học Việt Nam đã thực hiện cuộc gọi rác với mục đích bôi nhọ, quấy rối, đòi nợ. Số tiền phạt hành chính đối với công ty này là 70 triệu đồng. Công ty còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là bị đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ hai tháng.