Mạch máu nào dễ bị xơ vữa động mạch nhất?

09-08-2019 16:06:26

Nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não (đột quỵ) có tỷ lệ tử vong rất cao, nguyên nhân là sự hình thành mảng xơ vữa động mạch. Vậy mạch máu nào dễ bị xơ vữa nhất?

Thứ tự xơ vữa giữa các động mạch trong cơ thể

Xơ vữa động mạch là gì?

Xơ vữa động mạch (vữa xơ động mạch) là sự thu hẹp của động mạch do những mảng bám được tạo thành trong lòng mạch máu. Xơ vữa động mạch có thể hình thành tại bất kỳ động mạch nào trong cơ thể, bao gồm cả động mạch ở não, tim, các chi (tay, chân), bụng, nội tạng (thận, gan..)… Hậu quả là sự vận chuyển máu trong lòng động mạch bị cản trở, thiếu máu nuôi các bộ phận cơ thể, gây hậu quả từ nhẹ đến đặc biệt nghiêm trọng.

Ảnh: Mảng xơ vữa tạo thành từ các hạt cholesterol xấu trong thực phẩm và chất chuyển hóa tại gan.

Sự phát triển của xơ vữa động mạch

Ở người bình thường và trẻ tuổi, mặt trong động mạch nhẵn nhụi, đồng nhất một màu vàng nhạt. Khi xơ vữa động mạch phát triển, mặt trong động mạch trải qua nhiều giai đoạn khác nhau.

Ảnh: Các giai đoạn phát triển xơ vữa động mạch

Mới đầu, người ta chỉ thấy những dải màu vàng hơn đậm hơn, hoặc những chấm vàng, sờ không thấy nổi lên cao hơn chỗ bình thường. Dần dần, những dải hoặc chấm đó rộng ra, ở tuổi 25, những dải này chiếm tới 30-40% bề mặt trong của động mạch chủ. Đáng sợ hơn, là chúng dày lên, cao lên, lồi lên vào trong lòng động mạch, làm động mạch bị hẹp lại.

Nếu các động mạch chỉ bị hẹp ít, chưa đến một nửa, nghĩa là lòng một còn thông được tương đối, máu vẫn chảy dễ dàng, chưa có vấn đề gì. Nhưng nếu các mảng xơ vữa tiếp tục lớn lên, chít hẹp động mạch hơn, đến 60-70%  thì dòng máu chảy bị kém đi, không đủ cung cấp cho cơ quan đích. Chẳng khác gì ống dẫn nước máy lâu ngày bị lắng đọng vôi, nước chảy yếu đi, lâu dần dẫn đến tắc hẳn.

Cấu trúc mảng xơ vữa động mạch

Nghiên cứu kỹ các mảng xơ vữa đó, nếu tả từ trong lòng động mạch trở ra, các nhà khoa học thấy chúng gồm:

Trên cùng, mảng xơ vữa được phủ bằng một lớp tế bào mỏng, nhẵn, hơi đục, như một cái mũ, gồm những sợi cơ trơn, những đại thực bào, những chất tạo keo (collagen).

Dưới cái mũ hơi tròn đó, là một cái nhân gồm lẫn lộn: mỡ (chủ yếu là cholesterol), các mảnh vụn tế bào bị hủy hoại và các chất xơ. Ở bệnh nhân nặng, còn thấy cả chất vôi (calci) và các tinh thể cholesterol. Những thành phần đó trộn lẫn với nhau, thành một chất nát mủn như “vữa” vì thế gọi là xơ vữa động mạch.

Ảnh: Sự hình thành và cấu trúc mảng xơ vữa động mạch

Những mảng xơ vữa này xuất hiện từ tuổi nhỏ, thấy rõ từ khoảng 30-40 tuổi, sờ thấy nổi gồ lên trong lòng động mạch, và làm hẹp mạch máu. Nam bị hẹp động mạch sớm hơn và nhiều hơn nữ. Nam giới từ khoảng 40 tuổi trở lên, ai cũng có xơ vữa động mạch cả, chỉ khác nhau về vị trí và mức độ thôi.

Loại động mạch nào trong cơ thể dễ bị xơ vữa nhất?

Động mạch nào cũng có thể bị xơ vữa, nhưng sớm nhất là động mạch chủ bụng, rồi đến động mạch vành, và đến động mạch não. Tiếp đó đến các động mạch chi, ở chân nhiều hơn ở tay, trường hợp xơ vữa ở động mạch chân sẽ có các triệu chứng xuất hiện như các cơn đau kiểu chuột rút do thành động mạch bị tắc nghẽn, máu không lưu thông và cung cấp đủ đến chân.

Ảnh: Động mạch vành tim là 1 trong 3 loại động mạch dễ bị xơ vữa nhất.

Đối với động mạch vành, xơ vữa thường thấy ở nhiều nhánh cùng một lúc. Cuống động mạch vành, nơi vừa tách khỏi động mạch chủ, bị nhiều hơn các nhánh nhỏ ở xa. Khi những mảng xơ vữa đã lớn đến mức lấp 60-70% lòng động mạch vành trở lên, thì những bệnh tim do thiếu máu cục bộ xuất hiện: thông thường nhất là đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, dẫn đến chết đột ngột.

Cũng có khi quá trình chít hẹp động mạch vành tiến triển rất chậm chạp, các mạch máu phụ ở cơ tim sẽ phát triển lên để bù đắp phần nào sự thiếu hụt oxy. Người bệnh có thể không có triệu chứng gì, hoặc có những triệu chứng kín đáo như suy tim, loạn nhịp …

Ngoài ra, các động mạch nội tạng cũng có khả năng bị xơ vữa, dẫn đến thiếu máu nuôi các cơ quan, giảm tần suất và khả năng làm việc của các cơ quan, cơ thể mệt mỏi, suy nhược toàn thân. Ví dụ như trong trường hợp thiếu máu cục bộ ruột mạn tính, bệnh là là hậu quả của tổn thương tắc do xơ vữa hoặc gần với nguồn gốc của động mạch mạc treo tràng trên, động mạch bụng và mạc treo tràng dưới, làm giảm dòng máu đến ruột. Triệu chứng gồm đau ở thượng vị hoặc quanh rốn sau bữa ăn 1 - 3 giờ. Để tránh đau, bệnh nhân thường hạn chế ăn, và kết quả là sụt cân; tiêu chảy nhiều; có thể không có đau.

Tóm lại, các mảng xơ vữa có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, vùng nào trong lòng mạch máu, nhưng đặc biệt nguy hiểm khi xuất hiện ở động mạch não và động mạch vành tim, với các biến chứng là nhồi máu não và nhồi máu cơ tim có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời.

Duy Nguyễn
Theo Đời sống Plus/GĐVN //