Mắc viêm tụy vì thói quen uống rượu: Quý ông chớ xem thường
Với thói quen mỗi ngày uống nửa lít rượu vodka, một người đàn ông 50 tuổi sống tại Pennsylvania đã phải nhập viện và được chẩn đoán mắc bệnh viêm tụy.
Theo thông tin từ trang New England Journal of Medicine, với thói quen mỗi ngày uống nửa lít rượu vodka từ năm 35 tuổi, một người đàn ông 50 tuổi sống tại Pennsylvania đã phải nhập viện vì nôn ra máu. Theo lời người đàn ông kể lại, sau 15 năm duy trì thói quen này, ông bắt đầu thấy đau bụng và tiêu chảy có mùi khó chịu.
Người đàn ông được chẩn đoán mắc bệnh viêm tụy mãn tính, căn bệnh thường gây ra bởi chứng nghiện rượu. Theo hình ảnh chụp CT, bác sĩ cho biết người đàn ông có hiện tượng vôi hóa tuyến tụy.
Rượu không tốt cho sức khỏe
Trang Live Science giải thích người đàn ông mắc bệnh này là do cơ chế sau: rượu thúc đẩy các tế bào tuyến tụy sản xuất enzyme phá hủy và làm nóng các tế bào. Can xi có trong cơ thể tích tụ ở những nơi tế bào bị tổn thương, gây ra hiện tượng vôi hóa.
Khi uống một cốc rượu, khoảng 20% lượng cồn sẽ bị hấp thụ vào dạ dày, 80% còn lại bị hấp thụ bên trong ruột non. Rượu được hấp thu nhanh như thế nào phụ thuộc vào nồng độ của rượu trong thức uống (vodka sẽ được hấp thụ nhanh hơn so với bia, vì vodka có nồng độ cồn cao hơn) và tình trạng dạ dày của người uống.
Khi vừa ăn một bữa no đồng nghĩa với dạ dày căng phồng sẽ làm chậm sự hấp thụ rượu. Sau khi rượu được hấp thụ, nó ngấm vào máu và được vận chuyển đi khắp cơ thể. Khi cồn đã có mặt trên cơ thể, cơ thể đồng thời phải tích cực làm việc để loại bỏ nó. Phổi và thận loại bỏ khoảng 10% rượu thông qua nước tiểu và hơi thở. Gan chuyển hóa phần rượu còn lại thành axit acetic.
Sau khi uống một vài ly rượu, các ảnh hưởng vật lý của cồn lên cơ thể sẽ trở nên khá rõ ràng. Những ảnh hưởng này có liên quan đến nồng độ cồn trong máu (BAC). BAC tăng lên khi lượng cồn đưa vào cơ thể nhanh hơn lượng cồn bị đào thải.