Trả lương 340 triệu, một doanh nghiệp Việt vẫn không tuyển được nhân viên IT
Thực tế, an toàn thông tin là một ngành đào tạo mới ở Việt Nam. Tính đến hết năm 2016, cả nước đã tuyển được 3.376 học viên đào tạo bậc cử nhân, kỹ sư và 158 học viên đào tạo bậc thạc sỹ chuyên ngành An toàn thông tin.
Mới đây, bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành công ty Navigos Search cho biết, đơn vị này đã nhận được đề nghị tuyển dụng của một số đối tác tại Việt Nam cho vị trí quản lý Công nghệ thông tin trong doanh nghiệp với mức lương từ 10.000 đến 15.000 USD/tháng (khoảng 230-340 triệu đồng). Các đơn vị này chủ yếu là tổ chức tài chính lớn và đang cần tìm người nước ngoài cho vị trí Giám đốc Công nghệ thông tin.
Với nhân sự cấp cao là người Việt cũng được đề nghị một mức lương hậu hĩnh. Chẳng hạn như vị trí trưởng phòng chuyên trách về An ninh thông tin được hưởng mức lương từ 3.000 đến 5.000 USD/tháng. Những công ty ngành Bảo hiểm, Ngân hàng, Tài chính là các công ty có nhu cầu tuyển dụng ứng viên về An ninh thông tin cao nhất vì đặc thù ngành này yêu cầu tính bảo mật cao.
Chủ yếu họ có nhu cầu tuyển dụng cấp bậc trưởng phòng, người Việt Nam, với mức lương dao động từ 3.000 đến 5.000 USD. Tuy nhiên họ cũng yêu cầu rất cao: có kinh nghiệm làm việc ít nhất 5 năm, có kinh nghiệm làm việc tại công ty có yếu tố nước ngoài, bắt buộc phải có bằng cấp quốc tế, khả năng giao tiếp tốt, tiếng Anh lưu loát”, bà Mai chia sẻ.
Nhân lực IT khan hiếm dẫn tới mức lương cao nhưng vẫn thiếu người. Ảnh minh họa
Mặc dù ở Việt Nam cũng có những lời mời không thua kém gì với vị trí thuộc ngành IT nhưng nguồn cung lao động lại khan hiếm và không đủ cung cấp. Theo Navigos Search thì những vị trí này mặc dù được đăng tuyển với mức lương "khủng" nhưng vẫn chưa tìm được ứng viên. “Thậm chí, chúng tôi phải mở rộng mạng lưới tìm kiếm ứng viên là các du học sinh Việt Nam ở nước ngoài. Có những ứng viên đáp ứng yêu cầu nhưng họ lại chưa có nhu cầu về nước làm việc mà thích ở lại nước ngoài để làm nghiên cứu”, bà Mai cho biết thêm.
Ngoài ngành tài chính thì ở Việt Nam cũng có một vài tập đoàn lớn đang thiếu nhân sự cấp cao về công nghệ thông tin song mãi vẫn chưa tìm được người ưng ý. Trên hệ thống CareerBuilder, VinGroup đang đăng tuyển vị trí Giám đốc An toàn thông tin và hệ thống đã khá lâu.
“Vị trí tuyển dụng này của VinGroup đã đăng ba tháng rồi mà không tìm được người. Nhìn vào loạt yêu cầu rất cao của đơn vị này thì ở Việt Nam rất khó tìm được người như thế. Dù rằng, ai cũng biết VinGroup rất chịu chi trong vấn đề lương bổng”, bà Lương Thu Hồng – Giám đốc kinh doanh của SmartPro, một đơn vị chuyên về đào tạo chứng chỉ quốc tế ngành CNTT, đánh giá.
Theo các chuyên gia thì tình trạng khan hiếm nhân sự chủ yếu ở vị trí chuyên về an ninh thông tin. Một trong những yêu cầu bằng cấp mà VinGroup đưa ra là ứng viên phải có chứng chỉ CISSP. Trong khi đó, Việt Nam đang có chưa đầy 40 người có chứng chỉ này.
Vị trí Giám đốc An toàn thông tin và hệ thống mà VinGroup đang đăng tuyển với mức lương khủng. Ảnh: VnExpress
Ông Ngô Vi Đồng – Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam (VNISA) thừa nhận, nguồn nhân lực chuyên về an ninh thông tin tại Việt Nam đang vừa thiếu vừa yếu trong lúc các cơ quan nhà nước, tổ chức và giới doanh nghiệp đang "khát" lực lượng này.
Trên thực tế, an toàn thông tin là một ngành đào tạo mới ở Việt Nam. Tính đến hết năm 2016, cả nước đã tuyển được 3.376 học viên đào tạo bậc cử nhân, kỹ sư và 158 học viên đào tạo bậc thạc sỹ chuyên ngành An toàn thông tin.
Tuy nhiên, chỉ mới có 408 kỹ sư, cử nhân và 47 thạc sỹ chuyên sâu đã tốt nghiệp. Trong đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin", gọi tắt là Đề án 99 của Bộ Thông tin & Truyền thông có đề cập tới thông tin, tới năm 2020 Việt Nam sẽ đào tạo được 2.000 học viên trình độ đại học và sau đại học về an toàn, an ninh thông tin chất lượng cao
Nhiều doanh nghiệp ngành công nghệ ủng hộ đề án này. Tuy nhiên, việc đào tạo chính quy là chưa đủ. Hầu hết các vị trí tuyển dụng hiện nay đều yêu cầu ứng viên phải có thêm các chứng chỉ về an toàn thông tin quốc tế và trình độ tiếng Anh. Đây là hai điểm yếu được cho là phải cải thiện gấp.
“Hàng năm các hãng mời đi rất nhiều để cập nhật kiến thức mới. Tôi rất muốn cử các anh kỹ thuật đi nhưng mà không nói được tiếng Anh. Và rồi những người già như tôi lại phải đi. Đó là một thực tế mà hy vọng các trường đại học lưu ý. Ngoài việc đào tạo chuyên môn, có lẽ nên tăng cường đào tạo ngoại ngữ”, ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Sao Bắc Đẩu bộc bạch.