Luật Công nghiệp công nghệ số: Làm chủ công nghệ cách mạng 4.0
Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số đề xuất các chính sách, hành lang pháp lý rõ ràng để thúc đẩy, phát triển ngành công nghiệp công nghệ số…
Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ là hành lang pháp lý để ngành công nghiệp công nghệ số tiếp tục phát triển mạnh hơn, bền vững hơn.
Doanh nghiệp có khả năng biết về thiệt hại
Bộ TT&TT đang Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số với mục tiêu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp ICT, công nghiệp công nghệ số.
Bên cạnh đó, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp này; đóng góp vào chuyển đổi số, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khai thác hiệu quả, làm chủ các công nghệ chủ chốt của cách mạng 4.0… để giải quyết các bài toán phát triển của Việt Nam.
Nhìn nhận về dự thảo luật này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng luật là cần thiết để đáp ứng thực tế phát triển hiện nay, đặc biệt là định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện một số chính sách nhằm đáp ứng thực tế phát triển hiện nay.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) cho biết, Chính phủ cũng cần thúc đẩy áp dụng cơ chế quản lý thử nghiệm và cơ chế tự quản dựa trên tiêu chuẩn cộng đồng/ngành được thừa nhận rộng rãi cho các mô hình kinh doanh mới, ứng dụng các công nghệ mới vào đời sống tại Việt Nam.
“Trong ngắn hạn, một sandbox hoàn toàn hữu ích và khả thi là Việt Nam có thể thử nghiệm việc chia sẻ dữ liệu giữa khu vực công với khu vực tư nhân để doanh nghiệp có thể khai thác hiệu quả và tối đa giá trị kinh tế của dữ liệu”, ông Đồng chia sẻ.
Đại diện VDCA cũng đánh giá, quy định “doanh nghiệp tham gia thử nghiệm được miễn trách nhiệm dân sự nếu gây thiệt hại cho Nhà nước, được loại trừ trách nhiệm hành chính, hình sự khi đã tuân thủ đúng, đầy đủ quy định và các yêu cầu theo văn bản cho phép thử nghiệm của cơ quan có thẩm quyền” mang tính đột phá, tạo không gian thử nghiệm an toàn cho các doanh nghiệp triển khai công nghệ số mới.
Tuy nhiên, dự thảo luật quy định trường hợp doanh nghiệp thử nghiệm chịu trách nhiệm pháp lý: “Trong quá trình thử nghiệm đã biết hoặc buộc phải biết về nguy cơ rủi ro, nhưng không kịp thời thông tin, báo cáo cơ quan có thẩm quyền và không áp dụng đầy đủ biện pháp phù hợp để ngăn ngừa, hạn chế mức độ thiệt hại có thể xảy ra”, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong thực tế.
Theo ông Đồng, trong quá trình thử nghiệm, có thể cả Nhà nước và doanh nghiệp đều chưa lường hết được toàn bộ rủi ro có thể xảy ra, vì vậy, không thể bắt doanh nghiệp “buộc phải biết” về rủi ro.
Đưa tài sản số, AI và phát triển bán dẫn vào luật
Trình bày tờ trình Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số trước Quốc hội ngày 23/11, Phó Thủ tướng Lê Thành Long khẳng định, dự án luật được xây dựng nhằm phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Lê Thành Long, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, căn cứ trên tình hình thực tế, Bộ TT&TT đề xuất bổ sung nội dung về tài sản số, AI và điều chỉnh nội dung “vi mạch bán dẫn” thành “bán dẫn”.
Cụ thể, công nghiệp bán dẫn là một phân ngành quan trọng của công nghiệp công nghệ số, tương đối hoàn chỉnh mang tính vật lý cao, có quy mô đủ lớn.
Dự thảo luật quy định chương “Công nghiệp bán dẫn” thay cho “Vi mạch bán dẫn” nhằm bảo đảm tính bao quát, tổng thể, đầy đủ các công đoạn của hoạt động công nghiệp bán dẫn, phù hợp với mục tiêu, đối tượng quản lý và đồng bộ với chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn.
Đối với trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong các công nghệ số cốt lõi nhất. Luật đưa ra định nghĩa, các nguyên tắc quản lý và phát triển, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Dự thảo luật cũng quy định về tài sản số và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Tài sản số là tài sản vô hình, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao, xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử và được pháp luật bảo hộ như quyền tài sản phù hợp với quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan.
Về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là việc cho phép thử nghiệm có kiểm soát với phạm vi giới hạn về không gian, thời gian, quy mô, đối tượng thử nghiệm đối với sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số, mô hình kinh doanh mới được tạo ra bởi hội tụ công nghệ số mà chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành.
Dự thảo luật đã quy định về nguyên tắc thử nghiệm và thẩm quyền cho phép thử nghiệm cững như miễn trừ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thử nghiệm.
Ngoài ra, dự thảo luật quy định thêm một số ưu đãi trọng tâm, trọng điểm cho một số dự án đặc biệt, đặc thù trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, tập trung vào sản phẩm trọng điểm, phần mềm, bán dẫn, AI, trung tâm xử lý và lưu trữ dữ liệu AI, trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ số, đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ số.
Cùng với việc đưa các quy định về cơ chế ưu đãi, hỗ trợ vào Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, Chính phủ chỉ đạo Bộ TT&TT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ đang chủ trì sửa đổi các Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư… để bảo đảm có chính sách ưu đãi cao nhất, trọng tâm, trọng điểm đối với những dự án có tính chất, quy mô đặc biệt, không dàn trải cho ngành công nghiệp công nghệ số, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tránh trùng lắp trong hệ thống pháp luật.