Lào Cai: Chính quyền có vô cảm với gia đình cụ bà U80?

07-11-2019 09:13:58

Nhà nứt toác, bà Minh phải ra nhà văn hóa thôn "lánh nạn", nguyên nhân của sự việc được cho là do một hộ dân khác đào đất khiến nhà bà Minh bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, kết luận sao đó của chính quyền đã khiến người dân bức xúc.


Hơn 2 tháng nay bà Minh phải dọn ra nhà văn hoá để ở

Lánh nạn ở nhà văn hóa thôn

Theo phản ánh của bà Phạm Thị Minh, 73 tuổi, trú tại thôn Km3, xã Na Hối, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, trong thời gian từ tháng 7 – 8/2019, hộ hàng xóm là ông Phùng Văn Vinh đưa máy xúc về san gạt chân ta luy trên phần đất thuộc quyền sở hữu cá nhân nằm ven tỉnh lộ 153. Tuy nhiên, khi vừa san gạt được ít ngày thì cả nửa quả đồi phía trên bị kéo đổ sạt xuống đe dọa sự an toàn của các hộ dân lân cận.

Cụ thể, từ vị trí san gạt thẳng lên phía trên đồi, có 3 hộ gia đình ông Ly Seo Lừu, Ly Seo Chúng, Phạm Văn Hùng bị rạn nứt nhà cửa, sạt ruộng. Còn 2 hộ gia đình nằm phía bên phải nơi san gạt là hộ nhà bà Phạm Thị Minh và bà Vũ Thị Điếm cũng bị rạn nứt nhà cửa.

Điều đáng nói, sau khi sự cố xảy ra, chính quyền xã Na Hối và huyện Bắc Hà có mặt kiểm tra, đánh giá sự việc. Tuy nhiên, chính quyền địa phương chỉ công nhận việc ông Vinh san gạt gây ảnh hưởng tới 3 hộ dân trên đồi chứ không ảnh hưởng tới 2 hộ dân bên cạnh dù sạt lở xảy ra cùng thời điểm, thậm chí nhà bà Minh còn bị ảnh hưởng nặng nề nhất, ngay trong đêm 10/8 phải di dời toàn bộ tài sản ra ở tạm nhà văn hóa thôn đến nay.

Tại biên bản làm việc giữa các phòng, ban của huyện, UBND xã với các hộ dân ngày 17/9/2019 có nêu nội dung “thống nhất” là hộ bà Minh và bà Điếm nằm ở xa, ngoài cung sạt do ông Vinh gây ra. Rạn nứt nhà cửa do nhiều yếu tố như ảnh hưởng của nhiều mạch nước ngầm trong khu vực, do rung chấn của phương tiện giao thông qua lại, do mùa mưa nước chảy lớn từ trên đồi xuống.

Thế nhưng các hộ dân, cả Trưởng thôn và những người có uy tín trong thôn đều không ký vì cho rằng suy luận trên là không chính xác. Dù nội dung “thống nhất” nói trên không được người dân chấp nhận nhưng  vẫn thể hiện trong báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường gửi UBND huyện và văn bản trả lời của UBND huyện tới các hộ dân.


Nhà bà Minh luôn trong trạng thái có thể đổ sập bất cứ lúc nào

Đánh giá ảnh hưởng... bằng mắt!

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tài Nghệ, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bắc Hà cho biết: “Nếu nói việc san gạt của nhà ông Vinh có tác động đến nhà bà Minh thì đến cả đơn vị đánh giá ĐTM của Bộ Tài nguyên & Môi trường chưa chắc đã đánh giá được. Chúng tôi cũng đã tham vấn cả Sở Xây dựng thì họ bảo không đủ nguồn lực nên đã tiến hành đánh giá bằng mắt thường và cảm nhận trên phương diện tổng thể rồi thống nhất như vậy”.

Cũng theo ông Nghệ, trường hợp hộ bà Minh xảy ra sự cố trùng thời điểm với 3 hộ phía trên đồi chỉ là “ngẫu nhiên”. Theo thông tin “nắm bắt bên ngoài” thì từ năm 2010 trong nhà bà Minh đã có dấu hiệu bị nứt. Cộng với địa chất ở khu vực này rất yếu, rời rạc, thêm tác động của rung chấn dẫn đến nứt to dần là chuyện bình thường.


Hiện trường san gạt lở nhìn từ vườn nhà bà Minh

Trái ngược với đánh giá của ông Nghệ, bà Phạm Thị Minh và một số người sinh sống lâu năm trong thôn cho biết, suốt từ những năm 70 của thế kỷ trước thời bà Minh còn là công nhân kỹ thuật của nông trường Bắc Hà đã dựng nhà ở đây, bao nhiêu năm qua vẫn sinh sống yên ổn không có hiện tượng gì. Chỉ có năm 2002, ở đầu bên kia của dải đất này, lúc công ty Nam tiến làm đường tỉnh 153 san gạt chân ta luy làm cống thì bị sạt, sau đó phải bồi thường di dời cho 5 hộ dân.

“Nếu nhận định cơ địa đất yếu, sao cơ quan chức năng vẫn cấp phép cho ông Vinh san gạt. Chưa kể hồi tháng 7/2019, sạt lở bắt đầu xuất hiện phía trên đồi, hộ ông Lìu đã tới UBND xã ý kiến nhưng không ai tiếp thu thành ra để hậu quả nghiêm trọng như bây giờ”, bà Minh nói.

Hiện, nhà bà Minh với đủ vết nứt ngang dọc khắp tường đến nền, đe dọa sập đổ bất cứ lúc nào. Hơn 2 tháng nay bà phải ở tạm nhà văn hóa thôn, chồng bà mắc ung thư di căn phải đi ở nhờ nhà thông gia rất bất tiện.

Tuổi đã ngoài 70, lương hưu lại thấp, bà Minh hàng ngày vẫn đi bán hàng thêm ngoài chợ để trang trải cuộc sống và kiếm tiền chữa bệnh cho chồng. Đến cả nhà văn hóa bà đang ở tạm, xã cũng đang có ý đòi lại, đến lúc đó bà chưa biết sẽ ở đâu. Trong các lần đối thoại, bà đều bày tỏ mong muốn chỉ cần dựng một căn nhà tạm bằng tôn để đưa chồng về chăm sóc những ngày cuối nhưng dường như điều đó lại trở nên quá “xa xỉ”.


Miệng bờ sạt lở

“Phía phòng chức năng trao đổi với tôi rằng nếu di dời ra ở chỗ khác thì theo quy định được hỗ trợ 20 triệu, còn tại chỗ là 10 triệu. Nhưng bây giờ huyện không có quỹ đất để di dời, còn ở lại thì số hỗ trợ quá thấp không thể đủ, với lại nguy hiểm như vậy cũng không ai dám cho ở. Riêng ông Vinh hàng xóm thì phủi tay nói nếu không làm đơn thì hỗ trợ cho 7 triệu, còn làm đơn thì 1 nghìn cũng không có…”, bà Minh nghẹn ngào.

Khánh Linh
Theo Đời sống Plus/GĐVN //