Lần đầu đưa máu ra ngoài cơ thể cứu sống cô gái 19 tuổi
Bệnh viện Chợ Rẫy dùng hệ thống ECMO đưa máu vận chuyển ngoài cơ thể cứu sống cô gái 19 tuổi bị hẹp khí quản.
Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: VNE
PGS Vũ Hữu Vĩnh, Trưởng Khoa Ngoại Lồng ngực, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, cô gái Diễm Thúy (19 tuổi, quê Kiêng Giang) nhập viện trong tình trạng khó thở. Cô gái từng bị lao được điều trị khỏi, song để lại vết sẹo làm hẹp khí quản gây cản trở chứ năng hô hấp.
Bệnh nhân được bác sĩ dùng hệ thống ECMO đưa máu vận chuyển ngoài cơ thể trong khi phẫu thuật thông đường thở. Bác sĩ Vĩnh cho biết thêm, trong y văn thế giới ghi nhận sẹo hẹp do lao trên khi quản rất hiếm gặp. 10 năm trước bác sĩ đã chứng kiến một cô gái khác 21 tuổi tử vong do chưa có phương pháp điều trị hiệu quả. Nhiều bệnh viện dùng kỹ thuật nong bóng đặt stent, song không cải thiện nhiều.
Thống kê của bệnh viện có khoảng 75 ca cắt nối đoạn hẹp để điều trị hẹp khí – phế quản do nhiều nguyên nhân như: chấn thương, biến chứng sau đặt nội khí quản, do uống hoá chất, acid...
Riêng hẹp do khí quản lao không thể phẫu thuật cắt nối, bởi vì vi trùng lao bám dọc đường khí quản, gây tổn thương rộng, dài, phức tạp hơn. Trường hợp của bệnh nhân Thúy bác sĩ khá ngần ngại, song gia đình quá quyết tâm nên kíp mổ phải tập trung tìm phương án.
Bác sĩ Huỳnh Quang Đại, Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết để thao tác trên đường thở, trước đây bác sĩ nhờ đến sự hỗ trợ của máy tim phổi nhân tạo trong lúc mổ. Hiện nay với sự phát triển của kỹ thuật ECMO, trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể, bệnh nhân sẽ an toàn, tránh được các biến chứng tốt hơn. Trong cuộc mổ bệnh nhân không thở qua phổi mà thở qua máy ECMO.
Ngày 18/12, Diễm Thuý được phẫu thuật với sự phối hợp giữa kỹ thuật trượt và ECMO. Sau 5 giờ mổ, đường thở của bệnh nhân thông thương tốt. Kiểm tra ngày 7/1, khí quản của bệnh nhân thực hiện tốt chức năng như người bình thường. Thúy có hoàn cảnh khó khăn, chi phí mổ phần lớn được bệnh viện vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ.