Kinh tế Việt Nam 2025: Khả quan với mục tiêu tăng trưởng 8%

30-12-2024 18:05:26

Năm 2025 - bước vào năm bản lề kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 2021 - 2025.

Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) tại TPHCM chuẩn bị cho ngày khai thác chính thức. Ảnh: M.Q

Đây là thời điểm đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu đề ra, đồng thời tạo đà cho giai đoạn phát triển 2026 -2030. Các chuyên gia kinh tế dự báo, tăng trưởng của Việt Nam năm 2025 sẽ đạt khoảng 6,6% - 6,8%, song nếu quyết liệt và thành công trong chuyển đổi, cải cách, tăng trưởng có thể ở mức 7,5% - 8%.

2024 vẫn nhiều “điểm sáng”

Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá đã “tỏa sáng” với tăng trưởng tốt và sự hiện diện mạnh mẽ trên trường quốc tế, dù bối cảnh chung còn rất nhiều khó khăn.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 11 tháng năm 2024 đạt 715,56 tỷ USD, tăng 15,4%, tương ứng tăng 95,32 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung trong 11 tháng, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 24,31 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 26,2 tỷ USD); ước cả năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 807,7 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025. Đặc biệt, việc ban hành Nghị định về AI sắp tới, cùng với Nghị định 52 về chuyển đổi số, sẽ tạo khung pháp lý thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ 4.0, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thu ngân sách Nhà nước ước cả năm vượt trên 10% dự toán (thu ngân sách Nhà nước 11 tháng bằng 106,7% dự toán và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước); cùng với đó, đầu tư phát triển cũng đạt kết quả tích cực. Đặc biệt, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là điểm sáng và nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; trong 11 tháng, thu hút FDI của Việt Nam đạt 31 tỷ USD, vốn FDI thực hiện đạt 20,4 tỷ USD, tăng 7%, cao nhất trong nhiều năm qua.

Cơ cấu nền kinh tế cũng có sự chuyển dịch tích cực; kinh tế số, kinh tế xanh đóng vai trò ngày càng quan trọng. Các lĩnh vực chủ yếu đều tăng trưởng.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khá. Công nghiệp phục hồi tích cực, là động lực quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng. Dịch vụ phục hồi tốt; thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh, thu nhập người dân cải thiện, khách quốc tế tăng trưởng ổn định, góp phần thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Đặc biệt, nhiều luật mới như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... có hiệu lực, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế.

Theo dự báo của các tổ chức kinh tế và tài chính thế giới, năm 2025 với kỳ vọng cải thiện từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới, Việt Nam có thể sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.

Chẳng hạn, Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 6,6%, trong khi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) kỳ vọng mức tăng trưởng đạt 6,2%, cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với các thách thức từ suy thoái kinh tế toàn cầu, cạnh tranh giá và những rào cản thương mại mới từ thị trường quốc tế.

Công ty May mặc DONY, TPHCM (áo vàng) tìm đơn hàng xuất khẩu ở nước ngoài. Ảnh: Quốc Hải

Nhiều động lực hướng tới tăng trưởng 8%

Giữa những biến động địa chính trị, cuộc đua công nghệ và áp lực lạm phát toàn cầu, kinh tế Việt Nam năm 2025 được dự báo sẽ đối mặt với cả thách thức và cơ hội. Đặc biệt, thách thức càng lớn hơn khi Chính phủ đặt quyết tâm đưa kinh tế năm 2025 đạt mức tăng trưởng 8%, thay vì mức 6,5 - 7%, phấn đấu đạt 7 - 7,5% như Quốc hội đã quyết nghị.

Nhưng, dù khó khăn thách thức thế nào chăng nữa, nhưng với quyết tâm tháo gỡ khó khăn cùng các giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, kinh tế Việt năm 2025 sẽ có tăng trưởng tích cực, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trung và dài hạn.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế tài chính, nhận định, năm 2025 Việt Nam có cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư từ các công ty Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn. Điều này có thể thúc đẩy quá trình hiện đại hóa công nghiệp. Gần đây công ty công nghệ bán dẫn hàng đầu của Mỹ - Nvidia, đã quyết định chọn Việt Nam làm địa điểm đặt trung tâm R&D đầu tiên của Nvidia tại ASEAN.

“Nếu cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc bùng nổ, thì có khả năng một số công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc sẽ lại tìm đường dịch chuyển hoạt động sản xuất kinh doanh sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam”, ông Hiếu dự báo.

Đặc biệt, chuyên gia này cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, hàng hóa Việt Nam có thể hưởng lợi từ mức thuế thấp hơn so với Trung Quốc khi xuất khẩu vào Mỹ.

“Tuy nhiên, nếu Việt Nam không cẩn trọng và trở thành trạm trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ, khả năng Việt Nam bị theo dõi và trừng phạt”, chuyên gia này lưu ý.

Chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương thì đánh giá triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 sẽ tích cực hơn, nhờ vào các yếu tố nội tại mạnh mẽ và sự cải thiện trong nhiều lĩnh vực quan trọng.

Chuyên gia này cũng kỳ vọng mức tăng trưởng GDP cho năm 2025 đạt khoảng 7%. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, ông Phương cho rằng, các giải pháp đột phá như cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và hỗ trợ tài khóa cho doanh nghiệp và người dân cần được triển khai quyết liệt hơn nữa.

Theo chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương, trong bối cảnh lạm phát gia tăng và nguy cơ suy thoái toàn cầu, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt và thận trọng. Ngân hàng Nhà nước nên thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Việc điều chỉnh lãi suất và tỷ giá cần phải phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, đảm bảo sự cân bằng giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, Chính phủ cũng cần triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm giảm thuế, phí và lãi suất vay, nhằm giảm chi phí sản xuất và thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là yếu tố quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, theo ông Trương Hiền Phương, một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chính là việc cải cách bộ máy Nhà nước. Những chính sách chống lãng phí và tinh gọn bộ máy đang mang lại nhiều thay đổi tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn nước ngoài và thúc đẩy sự phát triển bền vững.

“Việc tinh gọn bộ máy không chỉ giúp giảm thiểu tình trạng chồng chéo chức năng, mà còn nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành. Điều này vừa tiết kiệm ngân sách, vừa tăng tính minh bạch và hiệu quả, tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư. Một bộ máy vận hành gọn nhẹ nhưng hiệu quả sẽ giảm bớt gánh nặng hành chính, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư”, chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương khẳng định và nhấn mạnh, một môi trường kinh doanh ít rào cản hành chính và chi phí lãng phí sẽ giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong việc thu hút dòng vốn FDI so với các quốc gia trong khu vực.

Quốc Hải
Theo Giáo dục & Thời đại //