Kính áp tròng ban đêm giúp người cận thị lấy lại thị lực như thế nào?

25-09-2016 00:00:00

Kính áp tròng ban đêm đặt vào hai mắt khi đi ngủ có thể điều chỉnh độ cong bề mặt giác mạc giúp người cận thị giảm mức độ cận, cải thiện thị lực đáng kể.

Thông thường, những người bị tật cận thị sẽ lựa chọn đeo kính gọng để khắc phục tật nhìn kém của mình. Tuy nhiên, khi lựa chọn đeo kính gọng, người đeo sẽ bị hạn chế hoặc gặp phiền phức trong một số hoạt động như chơi thể thao, chạy xe dưới mưa, nhu cầu về thẩm mỹ... Một số người lựa chọn kính áp tròng để khắc phục những phiền phức trên thì lại phải đối mặt với những biến chứng có thể xảy ra như viêm giác mạc, kết mạc, đỏ mắt khi phải đeo kính suốt ngày.

Kính áp tròng ban đêm

Gần đây, các bác sĩ đã áp dụng một phương pháp có khả năng chỉnh độ cong bề mặt giác mạc, đó là dùng kính áp tròng khi đi ngủ ban đêm. Phương pháp này đã được nhiều nước tiên tiến trên thế giới sử dụng nhưng ở Việt Nam thì mới xuất hiện chưa lâu. Với phương pháp này, người bị tật cận thị có thể tạm quên đi các loại kính cồng kềnh như kính gọng hay kính áp tròng mang nhiều nguy cơ bệnh tật. Kính áp tròng ban đêm còn giúp giảm tật cận thị ở người bệnh.

Các bác sỹ chuyên khoa về mắt cho biết, phương pháp này có thể áp dụng cho tất cả mọi lứa tuổi nhưng hiệu quả nhất là với trẻ em. Theo bác sĩ Vũ Tuệ Khanh, kích thước đường kính của kính áp tròng ban đêm dưới 12 mm và đặt trên phần lòng đen mắt. Trước khi đi ngủ buổi tối, người bệnh đặt kính vào mắt và khi ngủ dậy thì lấy kính ra. Ban ngày, người bị tật cận thị có thể sinh hoạt, làm việc thoải mái mà không cần sử dụng đến các loại kính gọng hay kính áp tròng.

Kính áp tròng ban đêm giúp người cận thị lấy lại thị lực như thế nào?

Cơ chế hoạt động của loại kính này là mi mắt khi nhắm ngủ sẽ tạo ra một lực tác động có tác dụng đóng khuôn, cùng với tính đàn hồi của giác mạc sẽ khiến giác mạc thay đổi độ cong. Kính áp tròng ban đêm được thiết kế cho riêng mỗi người.

Cũng theo bác sĩ Vũ Tuệ Khanh thì với các bệnh nhân nhí, nếu bị cận chưa đến 2 độ thì đặt kính sau một đêm có thể không cần đeo kính gọng trong ngày tiếp theo.

Tuy nhiên, khi sử dụng kính áp tròng ban đêm cần chú ý bảo quản và giữ kính cẩn thận để tránh nhiễm khuẩn. Cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng trước khi đặt kính, nguồn nước cũng cần đảm bảo vệ sinh. Cần thường xuyên rửa kính bằng dung dịch chuyên dùng để bề mặt kính sạch sẽ và tiệt trùng.

Thanh Yến (T/h)
Theo Đời Sống Plus //